FDI Australia tại Việt Nam: Các ưu điểm của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

05/01/2022    4975

Trong những năm qua, đầu tư nước ngoài đã có đóng góp tích cực vào nền kinh tế-xã hội của Việt Nam. FDI đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu, cải tiến công nghệ, gia tăng năng suất và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. FDI cũng đang góp phần giúp Việt Nam chuyển mình từ một nước nông nghiệp lạc hậu sang công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Các giá trị kinh tế tạo ra nhờ FDI cũng giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề xã hội như giảm đói nghèo, tệ nạn và bất bình đẳng trong xã hội.

● Đóng góp của FDI cho tăng trưởng GDP

Vai trò của FDI trong GDP của Việt Nam ngày càng quan trọng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2010, khu vực FDI chỉ đóng góp khoảng 13% trong tổng GDP thì đến năm 2020 tỷ lệ này đã là gần 20%. Các lĩnh vực kinh tế có nhiều đầu tư FDI đều có tăng trưởng mạnh mẽ. Ví dụ như lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có lượng thu hút FDI nhiều nhất, hiện cũng là ngành có vai trò lớn nhất trong GDP, với tỷ trọng lên tới 53%. Trong đó, ngành chế biến chế tạo với sự hiện diện nhiều nhất của các tập đoàn quốc tế lớn đang là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, với mức tăng trưởng năm 2020 là 5,82%, cao hơn gấp đôi tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm này là 2,91%. 

● Đóng góp của FDI cho xuất nhập khẩu của Việt Nam

Các doanh nghiệp FDI ngày càng có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu từ khu vực FDI đạt 391,9 tỷ USD, chiếm tới 68,2% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Khu vực FDI đã có vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam tiến lên vị trí của nhóm 20 nước thành viên có tỷ trọng thương mại lớn nhất trong WTO năm 2020. Riêng đối với xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu từ khu vực FDI hiện đã chiếm tới 71,8% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020, trong khi năm 2010 con số này chỉ là 54,2%. Với vai đầu tàu xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI cũng giúp kéo theo nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc cung cấp nguyên phụ liệu và hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp FDI này. 

● Đóng góp của FDI vào cải tiến công nghệ sản xuất trong nước

Trong giai đoạn đầu thu hút FDI, Việt Nam có nhiều ràng buộc với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là về vấn đề chuyển giao công nghệ. Nhiều ngành lĩnh vực vì thế mà đã được học hỏi công nghệ nước ngoài, giúp cải tiến được năng suất chất lượng sản phẩm trong nước. Điển hình có thể kể đến ngành dầu khí Việt Nam với các liên doanh với doanh nghiệp từ Liên Xô cũ, hay ngành viễn thông với nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh đã tiếp cận được nhiều công nghệ và trình độ quản lý hiện đại tiên tiến của nước ngoài.... Sau này, với các cam kết quốc tế và để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam không còn yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ khi đầu tư vào Việt Nam. 

Tuy nhiên, với việc mang công nghệ tiên tiến từ nước ngoài sang Việt Nam, các doanh nghiệp FDI cũng giúp hiện đại hoá các ngành sản xuất tại Việt Nam, buộc các doanh nghiệp nội địa chịu sức ép phải cải tổ, thay đổi, giúp cho người lao động học hỏi được nhiều công nghệ mới... Từ đó tạo ra tác động gián tiếp giúp gia tăng trình độ công nghệ cho nhiều ngành, lĩnh vực ở Việt Nam.

● Đóng góp của FDI vào gia tăng năng suất lao động

Các doanh nghiệp FDI thường có các chương trình đào tạo thường xuyên, bài bản cho nhân viên và người lao động của mình. Nhiều doanh nghiệp FDI lớn còn cử lao động, kỹ sư Việt Nam đi tập huấn tại trụ sở công ty mẹ hoặc tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Honda, Canon… cũng thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực ngay tại Việt Nam nhằm đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hoạt động quản lý và sản xuất của doanh nghiệp. Qua đó, trình độ của người lao động được nâng cao và năng suất lao động cũng gia tăng. Năm 2019, năng suất của lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 257,6 triệu đồng/lao động, cao gấp gần 2,5 lần năng suất lao động chung của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2021).

● Đóng góp của FDI vào cải thiện một số vấn đề xã hội

Một trong những tác động tích cực nhất của khu vực FDI là tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là nguồn lao động dư thừa ở các khu vực nông thôn. Hệ quả là giảm đói nghèo và tệ nạn xã hội do người lao động có thu nhập và được đào tạo có quy củ hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2008 – 2017, lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI tăng trung bình 12%/năm, cao gấp 5 lần so với mức tăng việc làm trung bình của cả nước. Ngoài ra, khu vực FDI cũng tạo ra nhiều việc làm gián tiếp bằng cách kéo theo sự phát triển của các ngành hỗ trợ cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan, các doanh nghiệp vệ tinh…

Việc thu hút được nguồn vốn FDI đáng kể và tận dụng được nguồn vốn đó tương đối hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là thành quả của nhiều nhân tố, ngoài các nhân tố khách quan như Việt Nam là một nước có vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế, nguồn tài nguyên dồi dào, nguồn nhân lực sẵn có giá rẻ, thị trường đông dân sức mua lớn...,  những nhân tố chủ quan chủ yếu quyết định kết quả này phải kể đến như:

Thứ nhất, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Trong giai đoạn đầu mở cửa và thu hút đầu tư (1987-2000), Việt Nam áp dụng nhiều chính sách ưu đãi từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu đến thuế về tài chính đất đai cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Chẳng hạn như các nhà đầu tư nước ngoài thành lập cơ sở sản xuất mới được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu, được giảm 50% hai năm tiếp theo, nếu đầu tư vào lĩnh vực hoặc vùng ưu tiên sẽ được hưởng mức thuế thu nhập thấp hơn nữa... Hay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định, giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị sản xuất, miễn giảm thuế sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước... Trong giai đoạn sau này (từ 2000 trở đi), Việt Nam đã điều chỉnh nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, thay vì đưa ra các ưu đãi trực tiếp đã tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

Thứ hai,
Việt Nam đã thực hiện hiệu quả nhiều cải cách nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

Từ sau Đổi mới 1986, Việt Nam đã từng bước chuyển đổi thành một nền kinh tế thị trường thông qua việc tiếp nhận và vận hành theo các nguyên tắc thị trường, thiết lập các khung khổ pháp luật cần thiết cho hoạt động kinh doanh, thừa nhận và thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân, công nhận quyền tự do kinh doanh và các quy tắc quản trị công ty (corporate governance) hiện đại. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam liên tục được cải thiện thông qua những cải cách theo hướng hiện đại, minh bạch và cạnh tranh. Trong vòng 05 năm trở lại đây, Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 63% điều kiện kinh doanh, 68% hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tính tới 3/2021, đã có hơn 41% các thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến một phần hoặc toàn bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Với những thay đổi này, Việt Nam đã được cải thiện 34 bậc trên bảng xếp hạng của Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng thế giới, từ vị trí thứ 104/175 năm 2007 lên vị trí thứ 70/190 vào năm 2020.

Thứ ba, Việt Nam ngày càng hội nhập, trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trong khu vực và trên thế giới. 

Việt Nam tham gia WTO năm 2007 và cho đến nay đã ký kết 15 FTA (trong đó có 14 FTA đã có hiệu lực) với tổng cộng 57 nền kinh tế trên thế giới. Trong đó có các FTA thế hệ mới, lớn nhất trong khu vực hay trên thế giới như CPTPP hay RCEP. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết 64 Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT) với 65 đối tác. Các FTA và BIT này đã giúp mở cửa thị trường đầu tư của Việt Nam cho các đối tác, đồng thời tăng cường bảo hộ, đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ hội thương mại từ các FTA cũng tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài để biến Việt Nam thành công xưởng sản xuất và xuất khẩu ra thế giới. Do đó, kể từ sau khi gia nhập WTO và ký kết hàng loạt FTA, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là FDI, đã gia tăng nhanh chóng, và chủ yếu từ các đối tác FTA của Việt Nam. 

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập