FDI Australia tại Việt Nam: Diễn tiến tình hình FDI của Việt Nam qua các năm

05/01/2022    39920

Từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, Việt Nam đã chính thức mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 34 năm. Tuy nhiên, bước ngoặt của thu hút FDI của Việt Nam phải tính kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, bởi từ sau thời điểm này dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng rất nhanh và mạnh, biến Việt Nam trờ thành một trong những nước thu hút FDI lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Đặc biệt năm 2020, Việt Nam đã nằm trong tốp 20 quốc gia thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới, đứng vị trí thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019 (UNCTAD, 2021)

Trong khu vực ASEAN, từ năm 2015, Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành nước có nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Singapore và Indonesia. Việt Nam cũng là số ít nước ASEAN vẫn duy trì mức tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Năm 2020, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 toàn cầu và những diễn tiến bất ổn của đầu tư quốc tế do tác động của những căng thẳng thương mại giữa nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, nguồn vốn FDI vào các nước lớn trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều sụt giảm mạnh nhưng FDI vào Việt Nam giảm không đáng kể (Hình 1). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn có sức hút đáng kể đối với các dòng vốn FDI nước ngoài trước những biến động của tình hình đầu tư thế giới. 

Hình 1: Dòng vốn đầu tư FDI vào các nước thành viên ASEAN giai đoạn 2010 – 2020


1. Diễn tiến nguồn vốn và dự án FDI

Về diễn tiến cụ thể của dòng vốn FDI, sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã đón một lượng lớn FDI vào 2008 với số vốn đăng ký lên tới 64 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2007. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu vào năm 2010, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2012 có sự sụt giảm đáng kể, trước khi hồi phục lại và dao động tương đối ổn định trong giai đoạn kế tiếp 2013 – 2019. 

Năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới chịu thiệt hại nặng nề, khiến các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài giảm mạnh – đặc biệt là đầu tư FDI, và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 giảm 6,7% so với năm 2019, với giá trị khoảng 21 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký cấp mới là 14,6 tỷ USD và vốn đăng ký điều chỉnh là 6,4 tỷ USD.

Về cơ cấu vốn FDI trong giai đoạn này, giá trị vốn đăng ký cấp mới luôn cao hơn (gấp khoảng 2-3 lần) vốn đăng ký điều chỉnh, cho thấy Việt Nam liên tục thu hút các nhà đầu tư mới vào thị trường. 

Bước sang năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp hơn năm 2020, kết quả thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 vẫn tương đối khả quan. Tổng lượng vốn đăng ký mới đạt 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ; trong khi tổng lượng vốn đăng ký điều chỉnh đạt trên 8 tỷ USD, tăng tới 26,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính lũy kế đến 20/11/2021, Việt Nam đã thu hút tổng cộng 405,9 tỷ USD với 34.424 dự án đầu tư FDI.

Hình 2: Vốn đầu tư FDI vào Việt Nam giai đoạn 2006 – 2021 

2. Cơ cấu đầu tư FDI theo hình thức đầu tư

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các dự án đầu tư FDI tại Việt Nam đang hoạt động chủ yếu dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài - chiếm 72,8% tổng vốn đăng ký FDI lũy kế đến tháng 12 năm 2019, theo sau là hình thức liên doanh – chiếm 21,4%. Các hình thức đầu tư khác như hợp đồng BOT, BT, BTO và hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm tỷ trọng không đáng kể, chỉ khoảng 5,8% vốn đăng ký (Hình 3). Thực tế này cho thấy hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài muốn chủ động trong việc triển khai các dự án và quản lý hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thay vì hợp tác thông qua liên doanh với một đối tác nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào Việt Nam cũng cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài mà vẫn phải liên doanh với nhà đầu tư trong nước với số vốn nước ngoài bị hạn chế. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức liên doanh với các đối tác Việt Nam vì hình thức này cũng đem lại nhiều lợi ích như: không phải mất nhiều công sức để tìm hiểu về pháp luật, văn hoá, môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tận dụng được nguồn lực (khách hàng, kho xưởng, thị phần…) sẵn có của các đối tác Việt Nam….

Hình 3: Cơ cấu vốn đăng ký các dự án FDI vào Việt Nam theo hình thức đầu tư (luỹ kế đến 20/12/2019)

3. Cơ cấu đầu tư FDI theo ngành kinh tế

Cho tới nay đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có mặt trong 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam (trừ ngành chính trị - xã hội, quốc phòng và hoạt động của các tổ chức nước ngoài). Tuy nhiên, vốn FDI có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành kinh tế. Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là ngành thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhất. Tính lũy kế đến hết ngày 20/11/2021, ngành này chiếm hơn nửa về số vốn đầu tư (240,2 tỷ USD, tương đương 59,2%), và gần một nửa số dự án đăng ký (15.558 dự án, tương đương 45,2%) trong tổng đầu tư FDI tại Việt Nam (Hình 4). Một trong số các lý do khiến cho ngành này hấp thụ được lượng FDI lớn là trong giai đoạn đầu mở cửa kinh tế, Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp và chế biến nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn nữa, đây là ngành mà các đối tác đầu tư truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có thế mạnh và quan tâm đầu tư tại Việt Nam do có thể tận dụng được nhiều lợi thế của Việt Nam như nguồn lao động dồi dào, nguồn tài nguyên sẵn có, nhiều Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác thương mại trên thế giới…

Trong lĩnh vực công nghiệp và chế biến, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Intel, Microsoft, Foxconn, Sanyo, Samsung, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic… Những dự án đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia này đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ cho ngành chế biến chế tạo của Việt Nam, đồng thời giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hợp đồng hợp tác bán hàng, cung cấp nguyên phụ liệu cho các Tập đoàn này.

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp và chế biến, đầu tư FDI vào các ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ cũng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây vì một số lý do như: nhu cầu thị trường gia tăng, tiềm năng lợi nhuận lớn, và Việt Nam có cam kết mở cửa nhiều phân ngành dịch vụ theo các Hiệp định thương mại quốc tế như WTO và một số Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Những ngành dịch vụ thu hút lượng FDI lớn nhất trong thời gian qua là bất động sản, du lịch, bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông

Hình 4: Cơ cấu vốn đăng ký và số dự án đầu tư FDI vào Việt Nam theo ngành (lũy kế đến 20/11/2021)

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là những ngành sản xuất thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài trong những ngành này còn rất hạn chế do nhiều nguyên nhân - một trong số đó là các địa phương chưa có nhiều chính sách khuyến khích, ưu tiên để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong khi lĩnh vực này có giá trị gia tăng thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giúp hiện đại hóa ngành này. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/11/2021, lượng vốn FDI vào ngành này mới chỉ là 3,7 tỷ USD với 516 dự án đầu tư, chiếm chưa tới 1% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. 

4. Cơ cấu đầu tư FDI theo đối tác đầu tư

Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút FDI từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á. Cụ thể, trong nhiều năm qua Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore luôn dẫn đầu danh sách các nguồn FDI vào Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/11/2021, số vốn đầu tư đăng ký của ba nước này chiếm tới 49,8% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Một số nền kinh tế ở khu vực châu Á khác như Đài Bắc (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan cũng nằm trong tốp 10 đối tác có đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Bên cạnh đó, hai đối tác đến từ châu Âu là Hà Lan và quần đảo Virgin thuộc Anh cũng nằm trong tốp này. Tuy là đối tác xuất nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ lại chỉ đứng vị trí số 11 trong số các đối tác FDI của Việt Nam.

Đầu tư FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ một số nước “láng giềng” tại khu vực châu Á. Một số lý do có thể lý giải cho thực trạng này như: i) Việt Nam có vị trí địa lý gần các nước này và thuận lợi giao thương (gần Trung Quốc và dễ dàng kết nối với các nền kinh tế khác trên thế giới); ii) các nhà đầu tư từ các nước “láng giềng” này quen thuộc hơn về môi trường và chính sách đầu tư của Việt Nam; iii) Việt Nam ngày càng mở cửa và hội nhập,  đặc biệt đã ký kết và thực thi nhiều FTA với các đối tác khu vực châu Á (một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia cùng lúc có nhiều FTA với Việt Nam). 

Hình 5: Tốp 15 đối tác đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam theo vốn đăng ký (lũy kế đến 20/11/2021)

Trong thời gian tới, đầu tư FDI từ các khu vực khác, đặc biệt từ một số đối tác FTA mới của Việt Nam ở khu vực châu Âu (EU, Anh, Nga) hay châu Mỹ (Canada, Mexico, Chile, Peru) dự kiến sẽ gia tăng do Việt Nam có nhiều cam kết mở cửa và tạo thuận lợi cho đầu tư từ các đối tác này. 

Đồng thời, với tổng cộng 15 FTA đã có hiệu lực với 53 đối tác thương mại cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trong khu vực và trên thế giới, tạo ra sức hút ngày càng lớn với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội từ các FTA này.

5. Cơ cấu đầu tư FDI theo địa phương

Nhìn chung, tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam hiện nay đều có dự án đầu tư FDI, tuy vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng đồng bằng và miền núi, giữa các thành phố phát triển với địa phương kinh tế khó khăn. Nguồn vốn đầu tư FDI tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận 2 thành phố này (Hình 6) nhờ một số lợi thế như: (1) cơ sở hạ tầng tốt, hỗ trợ hiệu quả quá trình sản xuất; (2) vị trí địa lý thuận lợi, gần cảng biển, sân bay…, tiết kiệm chi phí vận chuyển, phân phối; (3) mật độ dân cư đông nên có sẵn nguồn lao động dồi dào, và (4) chính quyền địa phương thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Các dự án đầu tư FDI đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động tại các địa bàn đầu tư. Thực tế cho thấy những địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư FDI lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh… đều có những bước chuyển mình tích cực, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ví dụ Bắc Ninh, đứng thứ 7 trong số những địa phương thu hút được nhiều FDI nhất tại Việt Nam, đã thay đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chỉ trong vòng 05 năm. Ngành nông nghiệp của Bắc Ninh hiện nay chỉ còn chiếm 8% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, còn lại là ngành công nghiệp và dịch vụ.

Hình 6: Tốp 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất tại Việt Nam theo tổng vốn đăng ký (lũy kế đến 20/11/2021)

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập