FDI Australia tại Việt Nam: Hiện trạng mức độ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam
05/01/2022 685Bên cạnh lợi ích kinh tế, một trong những mục tiêu hướng tới của thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là tạo hiệu ứng lan tỏa từ FDI tới nền kinh tế thông qua các mối liên kết, liên doanh, trao đổi, hợp tác chuyển giao công nghệ, trình độ, kinh nghiệm với các đối tác nội địa.
Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và đối tác nội địa Việt Nam là những quan hệ và tương tác giữa hai nhóm đối tượng này, chẳng hạn như quan hệ liên doanh, hợp tác, đầu ra – đầu vào. Có nhiều tiêu chí để đánh giá mức độ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó phổ biến là chỉ số về tỷ trọng vốn FDI trong các ngành, tỷ lệ đầu vào của các doanh nghiệp FDI từ các doanh nghiệp Việt Nam, tỷ lệ đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam từ các doanh nghiệp FDI....
1. Tỷ trọng vốn FDI trong các ngành
Các ngành có tỷ trọng vốn FDI càng cao thì cơ hội tạo ra liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước vào doanh nghiệp FDI càng lớn. Các hình thức liên kết có thể kể đến như liên kết thông qua liên doanh với doanh nghiệp FDI, qua hợp tác làm ăn (tương tác đầu ra – đầu vào giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước), từ đó tạo ra các cơ hội về chuyển giao và học hỏi công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp trong nước, cơ hội nâng cao trình độ của người lao động trong ngành…
Theo Báo cáo “Liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam” của Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và đầu tư (năm 2021), trong giai đoạn 2010 – 2017, tỷ trọng của vốn FDI trong tổng lượng vốn của toàn bộ nền kinh tế dao động trong khoảng 10 – 12%, nhưng có sự khác biệt lớn giữa các ngành. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng vốn FDI cao nhất, trung bình khoảng 23% giai đoạn 2010 – 2017. Trong đó lĩnh vực sản xuất điện tử, máy vi tính và các sản phẩm quang học có tỷ trọng vốn FDI lớn nhất, trung bình 41% trong giai đoạn này. Tiếp đến là ngành dệt 30% và ngành sản xuất trang phục 24%... Các ngành dịch vụ và nông-lâm-thủy sản có tỷ trọng vốn FDI thấp hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trung bình trong giai đoạn 2010-2017 lần lượt là 6% và 5%.
2. Tỷ lệ đầu vào của doanh nghiệp FDI từ các doanh nghiệp Việt Nam
Tỷ lệ này phản ánh mức độ tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và cũng thể hiện hiệu quả thu hút FDI của Việt Nam. Với các doanh nghiệp FDI là các tập đoàn lớn, đa quốc gia, nhu cầu về nguyên liệu đầu vào là rất lớn, bởi đầu ra của họ không chỉ là thị trường Việt Nam mà còn là xuất khẩu sang nhiều nước và khu vực trên thế giới. Trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn này có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng doanh thu và lợi nhuận….
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là cung ứng cho các tập đoàn lớn. Theo kết quả một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chỉ khoảng 2/3 số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sử dụng đầu vào nội địa, trong khi con số này tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan đều đạt trên 90%.
Hình 1: So sánh tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào từ doanh nghiệp nội địa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan
Một Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cũng cho thấy phần lớn nguồn cung cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài (58%) hoặc từ các doanh nghiệp FDI khác (34%). Các doanh nghiệp FDI có sử dụng nguồn cung từ doanh nghiệp dân doanh nhưng không nhiều (khoảng 21%), và hầu như không sử dụng nguồn từ các DN 100% vốn Nhà nước (chỉ 4%). Hiện trạng này phản ánh rõ nét cho tình trạng thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước vốn đã được nhắc tới lâu nay. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có vai trò đáng kể nào trong mạng lưới cung ứng cho doanh nghiệp FDI.
Hình 2: Tỷ lệ nguồn cung của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam năm 2020
Khảo sát của JETRO (Nhật Bản) năm 2019 đối với 354 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo cũng cho thấy mức độ liên kết của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Chỉ 37,4% doanh nghiệp FDI Nhật Bản mua nguyên liệu và thành phần thô đầu vào từ các doanh nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với 41% ở Thái Lan, 44,2% ở Indonesia, 55,1% ở Singapore, 55,4% ở Malaysia - các nước cũng ở khu vực Đông Nam Á có nhiều điều kiện tương tự với Việt Nam.
Lấy ví dụ cụ thể tại một FDI lớn nhất của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại - Tập đoàn Samsung. Mặc dù được thành lập từ năm 2008 nhưng đến năm 2014 mới chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam được trở thành đại lý cấp 1 của Samsung. Với rất nhiều nỗ lực từ cả phía Samsung và Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đáp ứng được các điều kiện về cung ứng cho Tập đoàn này, đến cuối năm 2019, số doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý cấp 1 cho Samsung đã tăng lên con số 42 và đại lý cấp 2 là 172. Đây là con số quá khiêm tốn trong mạng lưới cung ứng khổng lồ của Samsung. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung là gần 60% nhưng lại chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể chen chân được vào mạng lưới này do tiềm lực vốn và công nghệ hạn chế.
Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập