FDI Australia tại Việt Nam: Các nhược điểm của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
05/01/2022 8331Bên cạnh những tác động tích cực, các dự án FDI trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế
● Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn chỉ tập trung ở một số khu vực và trong một số ngành nhất định
Các địa phương thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu là các thành phố lớn có cơ sở hạ tầng thuận lợi, gần sân bay, bến cảng, giao thông thuận lợi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Các vùng núi, vùng sâu vùng xa đặc biệt như vùng núi phía bắc, các tỉnh thành ở khu vực miền trung, lượng FDI thu hút được vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù các khu vực này không phải là không có tiềm năng, như nguồn lao động địa phương dồi dào, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi phát triển nông lâm thuỷ sản... Điều này dẫn đến một thực trạng là các thành phố lớn bị quá tải về hạ tầng, cạn dần quỹ đất cho thuê, thiếu lao động, môi trường ô nhiễm... gây ra nhiều hệ luỵ về mặt xã hội trong khi các địa phương nhỏ lại dư thừa các nguồn lực. Bên cạnh việc quy tụ chủ yếu ở một số địa phương, các dự án đầu tư nước ngoài cũng chỉ tập trung ở một số ngành cụ thể. Các ngành có giá trị gia tăng cao, nhân lực dồi dào như các ngành chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, sản xuất phân phối điện, khí, nước, điều hoà... có số dự án và lượng vốn FDI lớn. Trong khi đó, các ngành Việt Nam hiện đang khuyến khích đầu tư như nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất thiết bị y tế, giáo dục, các dịch vụ thông tin truyền thông, logistic... vẫn chưa thu hút được lượng FDI như kỳ vọng.
●Các doanh nghiệp FDI chưa tạo ra được nhiều lan toả về công nghệ, kỹ thuật và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án FDI công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, tuy nhiên những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu và nhu cầu của quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Đầu tư FDI từ các khu vực công nghệ nguồn của thế giới như EU và Mỹ vào Việt Nam còn rất hạn chế. Các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam từ khu vực châu Á, ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, đa số có trình độ công nghệ ở mức trung bình, không cao hơn nhiều so với công nghệ sẵn có trong nước.
Một số doanh nghiệp FDI từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào Việt Nam nhưng lại chủ yếu để lắp ráp, gia công với tỷ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho Việt Nam, cũng không có nhiều tác động lan toả công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa. Thêm vào đó, sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI còn rất hạn chế, do đó hầu như chưa thâm nhập sâu được vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chưa học hỏi được nhiều về trình độ công nghệ, kỹ thuật và quản lý tiên tiến của các tập đoàn đa quốc gia hiện đại.
● Nhiều dự án FDI ảnh hưởng tới môi trường
Trong giai đoạn đầu mở cửa cho đầu tư nước ngoài, các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam chủ yếu nhằm mục đích thu hút FDI về số lượng càng nhiều càng tốt, mà ít chú trọng nhiều đến lĩnh vực, loại hình, chất lượng công nghệ... của các dự án FDI. Do đó, nhiều dự án FDI vào Việt Nam để khai thác tài nguyên thiên nhiên, hoặc không trực tiếp khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên, ảnh hưởng tới môi trường như sản xuất hoá chất, sắt thép, phá dỡ tàu biển, bột giấy, ván sợi... Đa số các doanh nghiệp FDI của Việt Nam đến từ khu vực châu Á, trong đó có nhiều nước có công nghệ trung bình, mang sang Việt Nam những công nghệ và máy móc cũ, lạc hậu, không thân thiện môi trường, tạo ra nhiều chất, khí thải... Trong khi đó, năng lực quản lý các dự án FDI nói chung và vấn đề môi trường nói riêng của một số ngành và địa phương còn hạn chế, để xảy ra những trường hợp vi phạm nghiêm trọng về vấn đề môi trường.
Những hạn chế nêu trên trong việc thu hút FDI của Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có thể kể đến như:
Thứ nhất, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại không ít bất cập nên chưa hấp dẫn được nhiều các dự án đầu tư chất lượng từ các nước công nghệ phát triển.
Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh - Doing Business của Ngân hàng Thế giới năm 2020, Việt Nam xếp thứ 70/190. Mặc dù cấp bậc này đã được cải thiện so với các năm trước đó, nhưng vẫn ở khoảng cách xa so với nhiều nền kinh tế trong khu vực – chẳng hạn như Singapore xếp thứ 2, Malaysia thứ 12, Thái Lan thứ 21, và Brunei thứ 66.
Theo Báo cáo này, các vấn đề mà các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn vướng mắc nhất bao gồm: thành lập doanh nghiệp, thuế, các thủ tục xuất nhập khẩu, giải quyết nợ. Tương tự, Việt Nam cũng chỉ đứng 67/141 nền kinh tế trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu – Global Competitiveness của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019. Một trong những hạn chế đối với năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đó là tình trạng tham nhũng vẫn còn ở mức cao - vấn đề này Việt Nam xếp thứ 101/141. Tham nhũng và các chi phí không chính thức ở Việt Nam cũng là quan ngại được nhiều hiệp hội và nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đưa ra trong các Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) định kỳ. Những vấn đề hạn chế trên trong môi trường đầu tư của Việt Nam khiến cho nhiều nhà đầu tư từ các nước phát triển, từ các khu vực công nghệ nguồn như Mỹ, EU vốn có môi trường đầu tư rất minh bạch và thuận lợi, quan ngại khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Thứ hai, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.
Theo số liệu từ Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương năm 2021, Việt Nam hiện đang có tổng cộng khoảng 3.880 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chỉ chiếm khoảng 0,64% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, và chiếm 2,1% trong số các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Các doanh nghiệp hỗ trợ chủ yếu phân bố trong những ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử và cơ khí chế tạo. Phần lớn các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam có quy mô nhỏ, còn thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn, có chiến lược kinh doanh bền vững và khả năng cạnh tranh tốt. Thêm vào đó, chỉ có khoảng phân nửa doanh nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, còn lại là doanh nghiệp FDI (44%) và doanh nghiệp nhà nước (6%). Phần lớn (trên 90%) doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có trình độ công nghệ lạc hậu hoặc trung bình, khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI trong cùng lĩnh vực để tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lớn. Đây cũng là nguyên nhân nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, công nghệ cao còn e ngại khi đầu tư vào Việt Nam, bởi các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa đáp ứng được khiến họ phải nhập từ nước ngoài không thuận tiện cho sản xuất kinh doanh và chi phí có thể cao hơn.
Thứ ba, các chính sách thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài còn một số vấn đề bất cập.
Trong một thời gian dài kể từ khi mở cửa đầu tư, để thu hút FDI một số địa phương của Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các chính sách chung của nhà nước, địa phương này lại áp dụng thêm một số biện pháp ưu đãi và khuyến khích riêng để thu hút được càng nhiều FDI càng tốt. Chính vì “thành tích” FDI này mà việc sàng lọc các dự án chất lượng tốt, dự án công nghệ cao, dự án có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam không được chú trọng. Ngoài ra, các chính sách và biện pháp quản lý FDI sau khi đã thành lập tại Việt Nam cũng có nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp FDI đã lợi dụng các điểm yếu trong chính sách quản lý của Việt Nam để trốn thuế, khai thác triệt để tài nguyên, bóc lột lao động, gây ô nhiễm môi trường....
Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập
- Tương lai kinh tế chung của Australia với khu vực
- Khơi dậy tiềm năng hợp tác Việt Nam - Australia
- Việt Nam mong muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến từ Australia
- FDI Australia tại Việt Nam: Diễn tiến tình hình FDI của Việt Nam qua các năm
- FDI Australia tại Việt Nam: Hiện trạng mức độ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam