FDI Australia tại Việt Nam: Thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp FDI Australia với các đối tác Việt Nam

05/01/2022    173

Mặc dù số lượng dự án và giá trị đầu tư FDI của Australia tại Việt Nam còn khiêm tốn nhưng các doanh nghiệp Australia trong thời gian qua đã tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực cho các doanh nghiệp nội địa Việt Nam. Một số doanh nghiệp của Australia tại Việt Nam đang dẫn đầu thị trường về quản lý và công nghệ trong lĩnh vực mà họ hoạt động như BlueScope trong lĩnh vực sản xuất tôn thép, RMIT trong lĩnh vực giáo dục, ANZ trong lĩnh vực ngân hàng … và mở ra các cơ hội liên kết, hợp tác, học hỏi cho các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, các nhà đầu tư Australia đang có những đóng góp rất tích cực trong việc nâng cao trình độ công nghệ nói chung cho ngành này và là mô hình kiểu mẫu cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi. 

Hiện tại, Australia là một trong số ít các đối tác nước ngoài có đầu tư đáng kể vào Việt Nam trong lĩnh vực nông – lâm – thuỷ sản – lĩnh vực được đánh giá là nhiều rủi ro và giá trị gia tăng không cao nên ít thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiện tại, các nhà đầu tư Australia đã đầu tư tại Việt Nam khoảng 119 triệu USD trong lĩnh vực này (số liệu luỹ kế đến tháng 4/2019 - Bộ Ngoại giao và Thương mại Australian, 2019), chiếm tỷ trọng 6,4% trong tổng giá trị đầu tư FDI của Australia tại Việt Nam và là lĩnh vực này cũng đứng thứ tư trong số các ngành được Australia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam năm 2019. 

Thực tế trên có thể giải thích một phần bởi Australia là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hiện đại nhất thế giới trong khi Việt Nam có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp nhưng công nghệ còn hạn chế. Trong những năm gần đây, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Australia ngày càng chú trọng đến ngành nông nghiệp của Việt Nam. Điển hình, năm 2017, Australia đã xây dựng Chiến lược Nông nghiệp của Australia tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư song phương trong lĩnh vực này. Cùng với Chiến lược này là hàng loạt các hoạt động hợp tác, hỗ trợ và đào tạo nhằm giúp phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam như: Dự án Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) hỗ trợ các dự án phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, Chương trình Aus4Reform có một phần hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp cạnh tranh và thị trường sản phẩm, Chương trình Aus4Skills có đầu tư nâng cao kỹ năng trong ngành nông nghiệp… 

Cùng với các dự án hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam của Chính phủ Australia, sự tham gia của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua cũng đã góp phần đáng kể vào cải thiện công nghệ trong lĩnh vực này của Việt Nam. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như (i) Dự án Interflour Group sở hữu một phần bởi CBH Group của Australia, vận hành nhà máy xay bột mì và lúa mạch để cung cấp phần lớn nguyên vật liệu cho sản xuất bánh mì và bia tại Việt Nam; (ii) Công ty VN Futuremilk của Australia đặt trụ sở tại miền Bắc Việt Nam, sử dụng công nghệ tiên tiến của Australia để sản xuất ra sữa chất lượng cao cho nhiều công ty sữa lớn tại Việt Nam (ví dụ Vinamilk); (iii) Sunrice đầu tư nhà máy chế biến gạo tại Đồng Tháp; (iv) Doanh nghiệp Thủy sản Việt – Úc đầu tư trại sản xuất tôm giống lớn nhất tại đồng bằng sông Cửu Long; (v) Công ty KPA và Công ty 4 Ways (Australia) đầu tư  dự án chuyển giao kỹ thuật và giống cây trồng nông nghiệp công nghệ cao tại Kon Tum… Các dự án này đã tạo ra những kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước, dù theo hình thức liên kết đầu vào (doanh nghiệp của Australia mua đầu vào nguyên liệu từ các doanh nghiệp Việt Nam) hay liên kết đầu ra (các sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp Australia là nguyên liệu đầu vào chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam). 

Từ phía Việt Nam, Chính phủ và các địa phương cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 (Quyết định số 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/02/2012), Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, khuyến khích sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/01/2021) cũng đặt ra các kế hoạch cụ thể cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Các chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Australia, vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập