FDI Australia tại Việt Nam: Đánh giá về hợp tác và liên kết của doanh nghiệp Australia với các đối tác Việt Nam

05/01/2022    90

1. Đối tác đầu ra của các doanh nghiệp Australia

Khách hàng của các doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam khá đa dạng và có nhiều điểm tương đồng với các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam. Cụ thể, tương tự các FDI khác, các FDI Australia cũng có khoảng 1/3 số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu (sang nước thứ ba hoặc về nước xuất xứ), khoảng ½ số doanh nghiệp có khách hàng là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, theo Điều tra PCI năm 2020 của VCCI. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Australia có đối tác là cá nhân (trong nước hoặc nước ngoài) lại cao hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp FDI từ các nước khác, đồng thời tỷ lệ FDI Australia có khách hàng nhà nước (cơ quan, doanh nghiệp nhà nước) cũng cao hơn FDI của các nước khác.

Đáng lưu ý, tỷ lệ các doanh nghiệp Australia cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam thường ít hơn so với các doanh nghiệp FDI khác. Theo Điều tra PCI các năm 2018, 2019, 2020 của VCCI, tỷ lệ các doanh nghiệp Australia có đối tác là doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chỉ lần lượt là 23%, 27% và 38%, thấp hơn tỷ lệ chung của tất cả các FDI tại Việt Nam là 54%, 57% và 53% trong các năm tương ứng. So sánh với các FDI từ các quốc gia khác, năm 2020, tỷ lệ của các doanh nghiệp Singapore là 58%, Nhật là 55%, Đức là 50% và Mỹ là 40% đều cao hơn đáng kể tỷ lệ của Australia. Điều này cho thấy một thực tế là dường như các doanh nghiệp Australia định hướng nhiều hơn đến các đối tác (doanh nghiệp, cá nhân) nội địa Việt Nam so với các đối tác doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, rất nhiều nhà đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam với mục tiêu chủ yếu là làm nhà cung cấp cho các tập đoàn nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam. 

Hình 1: Khách hàng của các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam

2. Đối tác đầu vào của các doanh nghiệp Australia

Tương tự như các đối tác đầu ra (khách hàng), rất nhiều doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam có nguồn cung ứng đầu vào (nhà cung cấp) từ các đối tác Việt Nam. Theo Điều tra PCI năm 2020 của VCCI, tỷ lệ các doanh nghiệp Australia có nhà cung cấp là doanh nghiệp tư nhân trong nước là 75%, cao hơn tỷ lệ chung 63% của tất cả các FDI tại Việt Nam (Hình 20). Đáng chú ý là không chỉ khảo sát năm 2020 cho kết quả cao hơn, mà các năm 2019 và 2018 tỷ lệ này của doanh nghiệp FDI Australia cũng tương ứng là 73% và 92%, đều cao hơn tỷ lệ chung của tất cả các FDI trong hai năm này là 66% (năm 2019) và 60% (năm 2018). Như vậy, dường như mức độ kết nối của các FDI Australia với các doanh nghiệp trong nước ở cả đầu vào và đầu ra cao hơn so với tình trạng chung của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Hình 2: Nhà cung cấp của doanh nghiệp Australia tại Việt Nam 

Bên cạnh đó, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp Australia phản hồi có sử dụng đầu vào từ các cá nhân hoặc hộ gia đình ở Việt Nam lên tới 50%, cao hơn hẳn tỷ lệ chung 15%, và tỷ lệ của các FDI Đức (0%), Singapore (13%), Nhật Bản (12%), Mỹ (24%). Hai năm 2019 và 2018 trước đó tỷ lệ FDI Australia có đối tác đầu vào là các cá nhân/hộ gia đình Việt Nam cũng tương ứng là 27% và 53% - những tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ chung của tất cả các doanh nghiệp FDI (luôn nhỏ hơn 20% trong suốt 10 năm qua). Điều này có thể lý giải một phần bởi thực tế nhiều doanh nghiệp FDI Australia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mà sản phẩm của các cá nhân/hộ gia đình Việt Nam có thể cung cấp chủ yếu là các nông sản như thủy hải sản, thịt trứng sữa, rau củ quả… Ngoài ra, các chương trình hộ trợ phát triển nông nghiệp chất lượng cao của Chính phủ Australia dành cho các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng góp phần kết nối các chủ thể này với các doanh nghiệp Australia đang hoạt động tại Việt Nam, tạo nên các quan hệ đầu ra/đầu vào chặt chẽ hơn so với các FDI từ các quốc gia khác. 

Đi sâu phân tích mức độ sử dụng nguồn cung từ các đối tác trong nước của các FDI Australia, Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu năm 2021 đã cho thấy có tới gần 2/3 số doanh nghiệp phản hồi có tỷ trọng đầu vào từ các đối tác nội địa Việt Nam chiếm từ 20% trở lên trong tổng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Đáng chú ý là số doanh nghiệp sử dụng đầu vào từ các đối tác nội địa chiếm từ 50% trở lên trong tổng chi phí chiếm tới gần một nửa số doanh nghiệp phản hồi. Điều này cho thấy không những tỷ lệ số doanh nghiệp Australia sử dụng đầu vào trong nước cao, mà mức độ sử dụng cũng nhiều, với gần một nửa số doanh nghiệp sử dụng một nửa hoặc hơn một nửa chi phí đầu vào từ các đối tác nội địa. 

Lý do sử dụng đầu vào từ các đối tác nội địa

Đối với các doanh nghiệp Australia có sử dụng từ 20% trở lên nguồn cung nội địa, Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu tìm hiểu kỹ hơn lý do cụ thể các doanh nghiệp lựa chọn đối tác trong nước. Kết quả phản hồi của đa số doanh nghiệp là do “giá cả cạnh tranh hơn các nguồn khác”, hay vì “thuận tiện hơn mua từ nguồn khác”. Chỉ có một số ít doanh nghiệp lựa chọn lý do vì “các nguồn khác không có” hay “có chính sách bán hàng/hậu mãi/bảo hành tốt hơn các nguồn khác”. Đáng chú ý, có doanh nghiệp Australia lựa chọn đối tác Việt Nam vì muốn nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa, và không có doanh nghiệp nào lựa chọn vì chất lượng tốt hơn các nguồn khác. Điều này cho thấy dường như các lý do lựa chọn đối tác Việt của các doanh nghiệp Australia chủ yếu vì giá rẻ hoặc thuận tiện chứ không phải vì chất lượng sản phẩm hay dịch vụ bán hàng tốt. 

Khi được hỏi các doanh nghiệp có dự định gia tăng tỷ trọng đầu vào từ các đối tác Việt Nam hay không, tỷ lệ phản hồi “Có” của các doanh nghiệp này chiếm tới 3/4 và chỉ có 1/4 trả lời “Không”. Kết quả này cho thấy đa số các doanh nghiệp Australia đã sử dụng nguồn đầu vào từ các doanh nghiệp nội địa vẫn hài lòng và muốn tiếp tục sử dụng và gia tăng tỷ trọng trong thời gian tới. Những lý do của lựa chọn “Có” được nêu ra cũng vẫn chủ yếu nằm ở các yếu tố giá cả, tính thuận lợi sẵn có của nguồn cung trong nước. Một số lý do khác cũng được đề cập tới là: không có lựa chọn khác, hay công ty đang muốn đa dạng hóa hình thức kinh doanh sang các lĩnh vực mới và cần các đối tác nội địa, hay chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt ngày càng được cải thiện. Còn các ý kiến lựa chọn “Không” chủ yếu là vì không có gì thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong các đối tác đã có của họ nên không có ý định tăng sử dụng nguồn cung từ các đối tác Việt.

Lý do không sử dụng đầu vào từ các đối tác nội địa

Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu lý do các doanh nghiệp Australia sử dụng ít (nhỏ hơn 20%) đầu vào từ các đối tác Việt Nam. Kết quả là hầu hết doanh nghiệp phản hồi cho biết lý do vì các đối tác nội địa không có hoặc không có đủ các sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp FDI Australia cần. Có lẽ đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp phản hồi trong Khảo sát này chấm điểm thấp cho yếu tố “Mức độ sẵn có của các ngành công nghiệp hỗ trợ” khi đánh giá về môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam (Xem phần 1.1.2). Ngoài lý do nguồn cung không có, thì các lý do liên quan đến chất lượng sản phẩm/dịch vụ kém hơn các nguồn khác và cách thức kinh doanh của đối tác Việt Nam không phù hợp cũng đều chiếm tới hơn một nửa số lượng phản hồi. Đây là điều cần lưu ý đối với các doanh nghiệp nội địa Việt Nam để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các FDI Australia thì cần cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ và cách thức kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp Australia.

Mặc dù hiện tại không sử dụng nhiều đầu vào từ các đối tác Việt Nam, nhưng hơn một nửa số doanh nghiệp Australia nhóm này phản hồi cho biết rằng họ có ý định gia tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa trong thời gian tới, và chỉ có khoảng 1/3 không có ý định này. Lý do gia tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa được các doanh nghiệp lựa chọn cho biết là vì họ dự định phát triển thêm ngành/lĩnh vực kinh doanh mới hoặc đơn giản là khi họ tăng trưởng lớn hơn thì nhu cầu nhiều hơn và do đó sẽ sử dụng đối tác nội địa nhiều hơn. Còn các doanh nghiệp không có ý định gia tăng là do kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới không có thay đổi nhiều, hoặc là doanh nghiệp dịch vụ nên không có nhu cầu đầu vào từ bên ngoài…

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập