FDI Australia tại Việt Nam: Đánh giá về môi trường đầu tư Việt Nam trong lựa chọn của doanh nghiệp Australia

05/01/2022    63

Bên cạnh việc tìm hiểu những nhận định chung của các doanh nghiệp Tại Australia về môi trường đầu tư Việt Nam, Nhóm nghiên cứu cũng đi sâu tìm hiểu đánh giá của từng nhóm nhà đầu tư (nhóm chưa từng cân nhắc đầu tư tại Việt Nam, nhóm đã từng cân nhắc nhưng quyết định không đầu tư, nhóm đã/đang đầu tư tại Việt Nam) về các lý do chưa đầu tư hoặc trải nghiệm sau khi đã đầu tư tại Việt Nam. 

Lý do chưa đầu tư tại Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp Australia chưa đầu tư tại Việt Nam vì chưa từng nghĩ đến/cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, hoặc đã từng cân nhắc nhưng rồi lại quyết định không đầu tư vào Việt Nam vì các lý do khác nhau.

Cụ thể, có khoảng 1/3 doanh nghiệp phản hồi cho biết chưa từng cân nhắc đầu tư tại Việt Nam. Một số lý do được đưa ra là: “Không hiểu biết gì nhiều về môi trường đầu tư Việt Nam”, hay “Không có dự định đầu tư ra nước ngoài”, hoặc “Việt Nam không phải là một thị trường đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp”... Như vậy, một lần nữa vấn đề “hiểu biết về môi trường đầu tư Việt Nam” lại được đề cập đến nhiều nhất như là một yếu tố cản trở các doanh nghiệp cân nhắc đầu tư vào Việt Nam trong rất nhiều các yếu tố khác. 

Ngoài các doanh nghiệp chưa từng cân nhắc đầu tư tại Việt Nam, có khoảng 1/5 doanh nghiệp phản hồi đã từng cân nhắc nhưng quyết định không đầu tư vào Việt Nam vì một số lý do như: “Môi trường kinh doanh của Việt Nam không phù hợp” với doanh nghiệp, “Quy mô thị trường nhỏ hoặc tiềm năng tăng trưởng thấp”, “Thị trường khác trong khu vực hấp dẫn hơn” Không có doanh nghiệp nào đánh giá “Nguồn lao động của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu” của họ. 

Trải nghiệm về môi trường đầu tư của Việt Nam

Trong số các doanh nghiệp tại Australia phản hồi khảo sát, có hơn 1/3 doanh nghiệp đã từng hoặc đang có đầu tư FDI tại Việt Nam. So với công ty “con” đang hoạt động tại Việt Nam, thì các công ty “mẹ” này sẽ có cái nhìn bao quát hơn về môi trường đầu tư Việt Nam do có thể đặt trong so sánh với môi trường đầu tư của Australia cũng như của các nước có đầu tư FDI khác, và trong đánh giá hiệu quả đầu tư chung của cả công ty. Khi được hỏi về sự thay đổi của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam so với những đánh giá ban đầu của doanh nghiệp khi bắt đầu đầu tư tại Việt Nam thì có phần lớn doanh nghiệp phản hồi đánh giá rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đã thay đổi theo hướng tốt hơn, chỉ có một số ít doanh nghiệp phản hồi cho rằng không có thay đổi gì và không có doanh nghiệp nào nhận xét xấu hơn. 

Đây là những đánh giá khá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam từ các công ty “mẹ” của các FDI Australia tại Việt Nam. Đi sâu tìm hiểu các nhân tố có tác động tích cực, tiêu cực đến hoạt động của các công ty “con” tại Việt Nam của các doanh nghiệp này, phản hồi cũng cho các kết quả khá khả quan. Theo đó, đa số các yếu tố của môi trường đầu tư Việt Nam có tỷ lệ phản hồi là tác động tích cực nhiều hơn là tác động tiêu cực. 

Những yếu tố ghi nhận tỷ lệ đánh giá tích cực cao nhất bao gồm: Các FTA của Việt Nam (bao gồm cả các FTA chung giữa Việt Nam và Australia, và các FTA khác của Việt Nam), Tình hình chính trị - xã hội của Việt Nam, Nguồn lao động. Đây cũng là các yếu tố được nhiều doanh nghiệp Australia tại Việt Nam đánh giá tích cực trong các Khảo sát phân tích tại phần trên. Đáng chú ý, các yếu tố “Chính sách và quy định về đầu tư”, “Cơ sở hạ tầng”, “Ngành công nghiệp phụ trợ” vốn không được các doanh nghiệp “con” tại Việt Nam đánh giá tích cực, thậm chí nhiều doanh nghiệp phàn nàn có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ, lại được hơn một nửa các doanh nghiệp “mẹ” tại Australia đánh giá tích cực trong Khảo sát này. Cũng có thể đánh giá này được đặt trong tương quan so sánh với nhiều nước đầu tư khác và tình trạng tại Việt Nam vẫn là khả quan so với các nước đó.

Về các yếu tố có tác động tiêu cực, không ngạc nhiên khi “Thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước”, “Tình trạng tham nhũng”, “Hệ thống thuế” vẫn tiếp tục được nêu tên. Đây là những điểm yếu trong môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam được nhận định đồng thời bởi cả các doanh nghiệp Australia “mẹ” và “con” là có tác động tiêu cực đến hoạt động của họ tại Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố có tỷ lệ doanh nghiệp phản đồi đánh giá tiêu cực cao nhất là “Các yếu tố bất ngờ (COVID-19, thiên tai…)”. Kết quả này cũng dễ hiểu bởi theo Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI thực hiện từ kết quả Điều tra doanh nghiệp năm 2020 thì có tới 88% doanh nghiệp FDI phản hồi họ bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19 – tỷ lệ này có thể cao hơn trong năm 2021 do dịch bệnh năm 2021 tại Việt Nam diễn biến nặng hơn, và các doanh nghiệp Australia cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, trong Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu cuối năm 2021 đối với các doanh nghiệp Australia đang hoạt động tại Việt Nam thì không có nhiều doanh nghiệp Australia đánh giá dịch bệnh COVID-19 là một trong 03 yếu tố có tác động tiêu cực nhất đến hoạt động kinh doanh của họ trong vòng 03 năm qua. Điều này có thể là do cái nhìn từ bên ngoài của các công ty “mẹ” về tình trạng dịch bệnh tại Việt Nam tiêu cực hơn, hoặc trong so sánh với các dự án đầu tư của họ tại các nước khác thì dự án đầu tư tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn. 

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập