FDI Australia tại Việt Nam: Bối cảnh mới và tác động tới triển vọng thu hút FDI Australia vào Việt Nam

05/01/2022    80

1. Cơ hội từ các FTA thế hệ mới cho đầu tư của Australia vào Việt Nam

Tính đến tháng 1/2022, Việt Nam có 15 FTA đã có hiệu lực với 53 đối tác thương mại và là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trong khu vực và trên thế giới.  Đặc biệt, với việc tham gia một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA), FTA Việt Nam –Vương quốc Anh (UKVFTA), và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) trong thời gian gần đây đã mở ra những cơ hội to lớn cho Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. 

Trong số 15 FTA trên có 03 FTA chung giữa Việt Nam và Australia là:  FTA ASEAN – Australia/New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ 2010, CPTPP có hiệu lực từ 2019, và RCEP có hiệu lực từ 2022. AANZFTA đã được thực thi từ 2010 nhưng trong Hiệp định này Việt Nam có ít cam kết về đầu tư cho các nhà đầu tư Australia (chỉ mở thêm 2 phân ngành dịch vụ giáo dục trung học phổ thông so với WTO), do đó không tạo ra được nhiều tác động trực tiếp đáng kể đối với thu hút đầu tư của Australia vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong hai FTA thế hệ mới là CPTPP và RCEP, Việt Nam có cam kết tương đối cao về cả mở cửa đầu tư và bảo hộ đầu tư cho các nhà đầu tư của Australia nên dự kiến các FTA này sẽ có tác động mạnh mẽ hơn đối với dòng đầu tư FDI của Australia vào Việt Nam. 

Với CPTPP, Việt Nam cam kết mở cửa đầu tư cao hơn WTO cho FDI Australia ở nhiều lĩnh vực, trong cả khu vực dịch vụ và sản xuất, trong đó có những lĩnh vực thế mạnh của Australia như: dịch vụ tài chính, giáo dục, viễn thông, pháp lý, phân phối, môi trường, quảng cáo… Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều cam kết về bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích cho nhà đầu tư của Australia khi đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam, như các cam kết về không phân biệt đối xử (với các nhà đầu tư trong nước và với các nhà đầu tư từ các nước khác), không áp đặt các yêu cầu thực hiện (như yêu cầu về tỷ lệ nội địa, về lượng hàng xuất khẩu tối thiểu…), không áp đặt các yêu cầu về bổ nhiệm nhân sự, được bảo vệ bởi các chuẩn đối xử tối thiểu, được đền bù khi bị trưng thu trưng dụng… Đặc biệt, khi có mâu thuẫn phát sinh với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư Australia có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà đầu tư (ISDS) khá toàn diện trong CPTPP. 

Tương tự, trong RCEP Việt Nam cũng có nhiều cam kết về đầu tư cao hơn WTO cho các nhà đầu tư của Australia. Về mở cửa đầu tư, tương tự như trong CPTPP, Việt Nam cũng có các cam kết mở cửa đầu tư trong cả khu vực dịch vụ và sản xuất, tuy nhiên mức độ mở cửa không cao bằng CPTPP. Chẳng hạn, đối với khu vực dịch vụ, trong 6 năm đầu thực thi RCEP, Việt Nam chỉ mở cửa hơn WTO ở 02 phân ngành dịch vụ (dịch vụ cung cấp thiết bị đường sắt và dịch vụ đóng gói thực phẩm, đồ gia dụng). Còn đối với các nghĩa vụ bảo hộ đầu tư, Việt Nam có nhiều cam kết tương tự CPTPP, nhưng thường ở mức thấp hơn CPTPP, và không có cơ chế giải quyết tranh chấp ISDS (các nước thành viên sẽ thảo luận về cơ chế này sau). 

Ngoài các cam kết về đầu tư, các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, về hải quan và tạo thuận lợi thương mại, về tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, về cạnh tranh… của Việt Nam trong CPTPP và RCEP cũng góp phần làm tăng sức dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Australia. 

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Australia khi hoạt động tại Việt Nam cũng được hưởng những lợi ích mà các FTA khác của Việt Nam mang lại như môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam sẽ minh bạch và thuận lợi hơn khi Việt Nam thực thi các cam kết FTA, hay cơ hội thị trường xuất khẩu mở rộng hơn khi các đối tác FTA cắt giảm thuế quan cho hàng hóa của Việt Nam… 

Thực tế thực thi CPTPP trong 03 năm đầu tiên đã cho thấy một số tín hiệu tích cực trong thu hút FDI từ một số đối tác CPTPP như Canada, Mexico, New Zealand. Tuy nhiên, do tác động quá lớn của đại dịch COVID-19 nên nhiều cơ hội từ CPTPP vẫn chưa được hiện thực hóa và chưa tạo ra những thay đổi rõ nét trong thu hút đầu tư từ nhiều nước CPTPP khác trong đó có Australia. Trong thời gian tới, với việc RCEP bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, hai Hiệp định này được đánh giá là sẽ tạo ra tác động cộng hưởng, cùng với lực đẩy từ các FTA khác, giúp cải thiện quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Australia. 

2. Cơ hội từ dịch chuyển đầu tư quốc tế dưới tác động của căng thẳng thương mại và đại dịch COVID-19

Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến hàng loạt các cuộc chiến thương mại diễn ra giữa nhiều quốc gia và khu vực kinh tế. Trong đó, Trung Quốc là tâm điểm của nhiều trong số các cuộc xung đột này. Nổi bật là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu năm 2017 dẫn đến hàng loạt các hành động trừng phạt và trả đũa thương mại giữa hai bên. Tiếp đến là căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia được khơi nguồn từ việc Australia kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 từ Trung Quốc. Và gần đây quan hệ EU-Trung Quốc cũng bắt đầu gặp trở ngại sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt lên một số quan chức và thực thể của Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền. Những căng thẳng thương mại này đã ảnh hưởng đáng kể các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc với các nước liên quan và với thế giới. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có Australia) đã đầu tư tại Trung Quốc hoặc đang xem xét đầu tư vào Trung Quốc có thể phải cân nhắc việc chuyển một phần đầu tư ra khỏi Trung Quốc để hạn chế phấn nào các hệ quả không mong muốn.

Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 trong hai năm qua đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thương mại và đầu tư thế giới. Dưới tác động của các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, các dòng dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động, đầu tư đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trước thực trạng đó, nhiều nhà đầu tư nhận ra việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, chẳng hạn như thị trường Trung Quốc, sẽ gây ra những rủi ro quá lớn khi kết nối với thị trường đó bị xáo trộn hoặc đứt gãy. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển hướng để đa dạng hóa thị trường đầu tư và phân tán rủi ro khi có những tác động bất ngờ. 

Như vậy, dưới tác động của các căng thẳng thương mại và dịch bệnh COVID-19, các nhà đầu tư thế giới có thể sẽ cân nhắc lại chiến lược kinh doanh và đầu tư của mình. Theo dự đoán của nhiều nhà phân tích kinh tế, làn sóng chuyển hướng đầu tư một phần khỏi Trung Quốc (chiến lược “Trung Quốc +1”) có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới. Khi đó, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, có vị trí địa lý gần Trung Quốc và nhiều điều kiện về môi trường đầu tư thuận lợi, đang ngày càng mở cửa, phát triển và hội nhập sẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu trong chiến lược chuyển hướng này.

Thực tế cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài của Australia sang Trung Quốc đã có dấu hiệu sụt giảm kể từ khi các căng thẳng thương mại trên nổ ra. Cụ thể, đầu tư FDI của Australia vào Trung Quốc đã giảm liên tục từ khoảng 1 tỷ AUD năm 2018 xuống còn 0,3 tỷ AUD năm 2019, và -0,8 tỷ AUD năm 2020 (giá trị âm thể hiện các doanh nghiệp Australia tại Trung Quốc đã điều chỉnh giảm nguồn vốn đang đầu tư tại nước này). Trong khi đó, nguồn vốn FDI của Australia đầu tư vào khu vực ASEAN lại tăng liên tục trong cùng giai đoạn 2018-2020 này. Cụ thể, nếu như năm 2018 vốn đầu tư trực tiếp của Australia vào ASEAN là -4,4 tỷ AUD thì năm 2019 đã tăng vọt lên 2 tỷ AUD, và tiếp tục tăng thêm 2,6 tỷ AUD năm 2020, giúp ASEAN trở thành khu vực kinh tế thứ 2 sau Mỹ thu hút đầu tư FDI lớn nhất từ Australia. Điều này cho thấy khu vực này ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Australia và dường như dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc trong 2 năm qua của Australia đã chuyển hướng sang ASEAN. 

Hiện tại, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với một số nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp tục căng thẳng và được dự đoán có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và gây ra nhiều cản trở tới thương mại và đầu tư toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các dòng đầu tư của Australia vào Trung Quốc và cả những khu vực khác sẽ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng, dẫn đến những thay đổi và chuyển hướng để đa dạng hóa thị trường và phân tán rủi ro. Do đó, nếu Việt Nam kịp thời có những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả thì sẽ tranh thủ tận dụng được cơ hội này để gia tăng đầu tư của Australia tại Việt Nam. 

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập