FDI Australia tại Việt Nam: Khuyến nghị với Chính phủ và các chính quyền địa phương

05/01/2022    61

Tác dụng tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng đã được thể hiện qua các số liệu thống kê trong thời gian qua. Trong đó, hiệu quả từ đầu tư FDI của Australia cũng được khẳng định đặc biệt qua tác dụng kết nối với các đối tác trong nước từ các doanh nghiệp đến hộ gia đình và cá thể Việt Nam. Trong các bối cảnh mới của hội nhập kinh tế Việt Nam và những biến động của thương mại và đầu tư toàn cầu, để có thể thu hút hơn nữa FDI của Australia vào Việt Nam và tăng cường hiệu quả kết nối, lan tỏa giá trị với các đối tác nội địa, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ và hành động thiết thực hơn nữa để tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư Australia nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung tại Việt Nam đang gặp phải. 

Dưới đây là một số đề xuất giải pháp cụ thể cho Chính phủ và các chính quyền địa phương của Việt Nam.

● Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính 

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều bất cập và chưa đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư của Australia. Thủ tục hành chính luôn là một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư Australia nêu quan ngại nhiều nhất trong các cuộc điều tra/khảo sát doanh nghiệp trong những năm qua. Đặc biệt, đây cũng là một trong những vấn đề họ quan tâm nhất khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, để có thể tăng cường thu hút được FDI của Australia, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa đặc biệt trong quy trình và thủ tục về xuất nhập khẩu, thuế phí, phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội, đăng ký đầu tư – thành lập doanh nghiệp, và bảo vệ môi trường. Để làm được điều này, từ góc độ của Chính phủ, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý hoạt động đầu tư/kinh doanh, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử… Còn từ góc độ các chính quyền địa phương, cần cải tổ bộ máy hành chính, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ hành chính, đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu/quy trình/thời hạn của thủ tục hành chính theo quy định pháp luật….

● Tăng cường kiểm soát tham nhũng 

Trong những năm gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đã được đẩy mạnh, trở thành một trong những trọng tâm trong công tác của Đảng và Nhà nước. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng tình trạng tham nhũng, tiêu cực, chi phí không chính thức vẫn còn là gánh nặng phổ biến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả nhà đầu tư Australia) ở một số địa phương, một số lĩnh vực. Vì thế, để có thể thu hút hơn nữa đầu tư FDI nói chung và từ Australia nói riêng, Việt Nam cần tiếp tục hành động mạnh mẽ để kiểm soát tham nhũng đặc biệt ở những khía cạnh còn tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực mà các nhà đầu tư nước ngoài phản ánh nhiều. Cụ thể, cần quyết liệt cải cách các thủ tục hành chính vì đây là “mảnh đất” phát sinh nhiều chi phí không chính thức nhất đối với các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó cần cắt giảm các hoạt động thanh tra - kiểm tra, tiêu chuẩn hóa và minh bạch hóa các thủ tục đấu thầu, hoàn thiện các quy định pháp luật và đẩy nhanh các thủ tục về đất đai… để giảm các tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, để có thể kiểm soát tham nhũng một cách toàn diện thì không thể thiếu các giải pháp chung về tăng cường tính minh bạch của bộ máy nhà nước, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của bộ máy nhà nước, tăng các chế tài xử phạt tiêu cực, gia tăng sự giám sát của người dân và doanh nghiệp với các hành vi hối lộ tham nhũng…. 

● Nâng cao chất lượng nguồn lao động 

Việt Nam có nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là các lao động phổ thông, trình độ và năng suất còn hạn chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI Australia chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ - các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp cũng đa số là các doanh nghiệp công nghệ cao. Những lĩnh vực này đòi hỏi nhiều lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề cao.  Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp Australia tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các lao động chất lượng cao, đặc biệt ở các vị trí giám đốc điều hành, quản lý, giám sát. Trong nhiều năm qua, các chương trình giáo dục và dạy nghề của Việt Nam đã được cải tiến để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Các địa phương cũng đã tăng cường các hoạt động đào tạo nghề cho lao động, thúc đẩy các hoạt động giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Australia tại Việt Nam. 

Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục cải cách giáo dục, bổ sung đào tạo kỹ năng trong giáo dục phổ thông, tăng cường các hình thức giáo dục nghề nghiệp thông qua mở thêm các trường dạy nghề hay phối hợp với các doanh nghiệp để cùng đạo tạo đúng kỹ năng chuyên môn mà doanh nghiệp cần…. 

● Thúc đẩy các hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư 

Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và mở cửa, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng cải thiện và thuận lợi, thị trường Việt Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những thực tế này không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng biết đến, đặc biệt là các nhà đầu tư từ các nước phát triển và có vị trí địa lý xa Việt Nam như Australia. Thực tế, nhiều nhà đầu tư Australia không có hiểu biết gì nhiều về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam, và vì vậy thậm chí không đưa Việt Nam vào danh sách cân nhắc đầu tư. Do đó, cần có thêm nhiều hoạt động thông tin, quảng bá và xúc tiến đầu tư của Australia vào Việt Nam. Việc này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp các thông tin về thị trường, chính sách, pháp luật… của Việt Nam trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia… một cách đầy đủ, rõ ràng, cụ thể và cập nhật. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá và giới thiệu về môi trường đầu tư của Việt Nam và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn thông qua các cuộc gặp gỡ cấp cao, các đoàn ngoại giao, các diễn đàn, đối thoại, sự kiện chung giữa Việt Nam và Australia…  Các hoạt động quảng bá này có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến qua các nền tảng số. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều nước đã thành công trong việc chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến, giới thiệu địa điểm môi trường đầu tư trên nền tảng ảo… Đây có thể là một xu hướng xúc tiến đầu tư trong tương lai bởi những lợi thế như tiết kiệm thời gian, chi phí, và có thể thu hút lượng lớn tham gia/theo dõi.

● Tăng cường trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài

Để có thể cùng đồng hành, kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư Australia trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ và đặc biệt là các địa phương của Việt Nam cần tăng cường các hoạt động giao lưu, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Australia nói riêng. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư được bày tỏ các vấn đề và khuyến nghị của mình, cũng là dịp để Chính phủ và các chính quyền địa phương rà soát lại các chính sách, quy định và công tác thực thi của các cán bộ công quyền. 

Hiện tại ở Việt Nam đã có một số diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức định kỳ để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể đối thoại trực tiếp với các bộ ngành và địa phương liên quan, trong đó lớn nhất là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được tổ chức 6 tháng/lần. Tuy nhiên, số lượng và hiệu quả của các diễn đàn này dường như vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư của Australia tại Việt Nam do số lượng còn hạn chế nên chưa có nhiều cơ hội để nêu tiếng nói của mình. 

● Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp FDI Australia với các đối tác nội địa

Các FDI Australia có mức độ liên kết đầu vào và đầu ra với các đối tác nội địa Việt Nam cao hơn một số FDI khác, đồng thời cũng tạo ra nhiều giá trị lan tỏa tích cực cho các đối tác trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của những liên kết này, các chính quyền địa phương cần tăng cường các hoạt động kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp Australia với các đối tác địa phương; hỗ trợ/phối hợp với các tổ chức/doanh nghiệp Australia trong các chương trình/dự án nâng cao năng lực, trình độ công nghệ sản xuất của địa phương như các chương trình/dự án về nông nghiệp đang được cả Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh; xây dựng những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các dự án FDI của Australia sử dụng nhiều đầu vào từ các đối tác địa phương hay hỗ trợ nâng cao trình độ của các đối tác địa phương….

Bên cạnh những vấn đề trên, với đặc thù của từng địa phương khác nhau, cần nghiên cứu và xây dựng các chính sách và hành động cụ thể để có thể thu hút được các nhà đầu tư Australia ở những lĩnh vực mà họ có thế mạnh và địa phương có nhu cầu. Chẳng hạn như một số địa phương có thế mạnh trồng trọt và chăn nuôi nhưng gặp khó khăn trong chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đầu ra có thể tìm kiếm các nhà đầu tư Australia có trình độ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khi đó địa phương cần chủ động tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư Australia tiềm năng, tìm hiểu nhu cầu và yêu cầu của họ, từ đó tìm cách đáp ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho họ đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời trong suốt quá trình các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cần luôn đồng hành với họ để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc từ thủ tục hành chính, đến cơ sở hạ tầng, nguồn cung đầu vào, nguồn xuất đầu ra…. Có như vậy mới có thể thu hút và giữ chân các nhà đầu tư của Australia tại Việt Nam để mang lại những hiệu quả đầu tư và tác động kết nối đúng như nhu cầu và kỳ vọng của mỗi địa phương. 

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập