CPTPP và Thị trường Canada: Các lợi thế và bất lợi của hàng hóa Canada tại Việt Nam

19/04/2021    296

Lợi thế

Việt Nam là thị trường lớn và nhu cầu đối với hàng hóa (nguyên liệu, thành phẩm) chất lượng ngày càng gia tăng:

- Việt Nam một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất châu Á (dân số đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 16 thế giới theo số liệu năm 2020);

- Thu nhập của người dân đang tăng nhanh (từ năm 2012 đến nay thu nhập hộ gia đình tăng lên gần 40%), từ đó khả năng và nhu cầu chi tiêu tiêu dùng cũng tăng đáng kể, đặc biệt là đối với hàng hóa chất lượng cao đến từ các nước phát triển như Canada (đến năm 2020 tầng lớp trung lưu của Việt Nam là khoảng 30 triệu người);

- Đa số người Việt (80 - 90%) khẳng định nguồn gốc của hàng hóa là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ so với các yếu tố khác. Đặc biệt đối với thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm chăm sóc cơ thể, người Việt có xu hướng ưa chuộng hàng hóa chất lượng cao, hàng nhập khẩu, đặc biệt từ nguồn các nước phát triển:

+ Thực phẩm: hàng cao cấp đóng góp 20% doanh số của ngành thực phẩm, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm;

+ Đồ uống: đồ uống cao cấp dù chỉ đóng góp 3% vào tổng doanh số nhưng mức tăng trưởng trung bình đạt đến khoảng 103%/năm;

+ Hàng chăm sóc cơ thể: hàng cao cấp chiếm khoảng 23%, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 22%.

- Với tốc độ tăng trưởng mạnh của sản xuất, xuất khẩu, nhu cầu đối với máy móc thiết bị và nguyên liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam ngày càng gia tăng. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… đều là những ngành nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu và máy móc thiết bị và công nghệ của nước ngoài. Do yêu cầu của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng khắt khe hơn đòi hỏi nguồn đầu vào trong sản xuất phải ngày càng chất lượng hơn, dẫn đến nhu cầu đặc biệt cao đối với các khu vực nhập khẩu có công nghệ nguồn, công nghệ xanh, sạch, chất lượng;

- Để đáp ứng QTXX CPTPP về hàm lượng giá trị nội khối, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ khu vực CPTPP trong đó có Canada.

Trong khi đó, Canada:

- Là một trong những nước phát triển cao với hàng hóa chất lượng tốt và mẫu mã đẹp, nhiều thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng;

- Giàu tài nguyên thiên nhiên, là một trong những nước xuất khẩu nguyên nhiên liệu lớn nhất thế giới, trong đó có những nguyên nhiên liệu mà Việt Nam có nhu cầu cao như: gỗ, thủy sản, xăng dầu, sắt thép…;

- Có thế mạnh sản xuất nhiều loại máy móc thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất, đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch….

Do đó, nhu cầu đối với hàng hóa từ nước này được dự kiến sẽ tăng cao khi được giảm thuế nhờ CPTPP giúp giảm giá thành khi bán tại thị trường Việt Nam.

Bất lợi:

- Do khoảng cách địa lý nên chi phí vận chuyển từ Canada sang Việt Nam cao dẫn đến đội giá thành lên cao. Tuy nhiên, với sự phát triển của vận tải và logistics, các chi phí vận chuyển từ Canada sang Việt Nam trong thời gian tới có thể sẽ được tiết giảm. Hơn nữa, việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa từ Canada theo CPTPP cũng giúp giá hàng hóa của Canada cạnh tranh hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác không có FTA với Việt Nam;

- Nhiều hàng hóa Canada có chất lượng tốt nhưng thương hiệu chưa phổ biến ở Việt Nam và chưa được biết đến nhiều như hàng Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… nên người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi trả cao để mua hàng Canada. Mặc dù vậy, với sự phát triển của internet và sự gia tăng của cộng đồng người Việt học tập và sinh sống tại Canada sẽ giúp tăng cường quảng bá và giới thiệu các sản phẩm của nước này đến người tiêu dùng Việt Nam nhiều hơn.

Trong bối cảnh COVID-19, nhập khẩu hàng hóa từ Canada và Việt Nam có thể có bất lợi nhất định. Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam đa số bị giảm sút, nhu cầu đối với sản phẩm có giá thành tương đối cao thì Canada có thể sẽ hạn chế hơn.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, hàng hóa Canada vẫn có lợi thế nhất định trong hoàn cảnh này. Hoạt động vận tải hàng hóa chiều từ Canada vào Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng “đội chi phí” do thiếu container hay thiếu tàu hơn. Hàng hóa Canada lại có lợi thế hơn hàng hóa từ các khu vực lân cận (như Hoa Kỳ, Mỹ Latinh) do được hưởng ưu đãi CPTPP.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập