CPTPP và Thị trường Canada: Quy trình và thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Canada

26/04/2021    11920

Quy trình và thủ tục nhập khẩu vào Canada được thông tin chi tiết tại trang web của Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada - CBSA (https://www.cbsa-asfc.gc.ca) tại đường link: https://www.cbsa-asfc.gc.ca/import/guide-eng.html.

(Chú ý các đường dẫn/link được nêu trong mục này chỉ để tham khảo, có thể bị thay đổi - Trong mọi trường hợp doanh nghiệp có thể vào trang web của CBSA để tìm kiếm)

Các bước nhập khẩu một hàng hóa:

Bước 1: Chuẩn bị nhập khẩu

Đăng ký tài khoản nhập khẩu:

Để nhập khẩu hàng hóa diện thương mại vào Canada, Nhà nhập khẩu (doanh nghiệp hoặc cá nhân) phải đăng ký một Mã số kinh doanh (Business Number) – mã số này gắn với tài khoản nhập khẩu của Nhà nhập khẩu.

Mã số kinh doanh được đăng ký tại Cơ quan Doanh thu Canada (Canada Revenue Agency – CRA). Việc đăng ký này là miễn phí và có thể thưc hiện xong trong vòng vài phút.

Xác định diện nhập khẩu của hàng hóa:

Không phải hàng hóa nào cũng được phép nhập khẩu vào Canada, cũng không phải hàng hóa được nhập khẩu nào cũng thực hiện chung một cơ chế nhập khẩu. Do đó, Nhà nhập khẩu cần xác định rõ:

  • Hàng hóa có thuộc diện bị cấm nhập khẩu không?

Một số loại hàng hóa bị cấm nhập khẩu vào Canada. Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu vào Canada quy định tại đây: https://www.cbsa-asfc.gc.ca/publications/dm-md/d9-eng.html

  • Hàng hóa có thuộc diện bị kiểm soát đặc thù (kiểm tra chuyên ngành, giấy phép nhập khẩu…) không?

Trong khi đa số các hàng hóa được nhập khẩu tự do vào Canada (chỉ thông qua thủ tục hải quan), một số loại hàng hóa bị đặt vào các cơ chế kiểm soát nhập khẩu đặc thù (thủ tục kiểm soát bổ sung bên cạnh thủ tục hải quan thông thường). Các cơ chế kiểm tra đặc thù này xuất phát từ các lý do khác nhau gắn với đặc tính của hàng hóa (ví dụ do hàng hóa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; có rủi ro về kỹ thuật; có thể ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng…). Do đó Nhà nhập khẩu cần xác định loại hàng hóa của mình có thuộc diện bị kiểm soát chặt không, và các biện pháp kiểm soát quy định đối với hàng hóa đó như thế nào.

Về danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm soát đặc thù và cơ chế kiểm soát tương ứng với mỗi loại hàng hóa đó, danh mục này có thể tìm thấy tại trang web của CBSA https://www.cbsa-asfc.gc.ca/publications/dm-md/d19-eng.html.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, hàng hóa nhập khẩu còn phải tuân thủ các cơ chế quản lý riêng theo từng thời kỳ (ví dụ quản lý về các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý về ghi nhãn xuất xứ, quản lý về lưu thông nội địa…). Danh mục các trường hợp như vậy được cập nhật tại các đường dẫn tương ứng nêu trên trang web của CBSA.

Về thẩm quyền quản lý, các Cơ quan chuyên ngành (ví dụ y tế, môi trường, kỹ thuật…) có thẩm quyền quy định về các điều kiện, cách thức kiểm soát. Còn Cơ quan Dịch vụ Hải quan Canada (Canada Border Services Agency – CBSA) được trao quyền thực hiện việc kiểm soát thực tế với các loại hàng hóa thuộc diện bị kiểm soát chặt tại biên giới thay mặt cho các Cơ quan chuyên ngành.  

Bước 2: Phân loại hàng hóa

Xác định phân loại (HS) cho hàng hóa là một bước rất quan trọng để xác định thuế quan áp dụng đối với hàng hóa đó. Cần lưu ý là theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), các nước sẽ áp đặt thống nhất đến 6 số đầu của một mã HS. Tuy nhiên việc áp đặt các số sau đó trong dãy số mã HS thuộc quyền quyết định riêng của mỗi nước, vì thế các số này có thể khác biệt giữa các nước. Trên thực tế, các nước thường có xu hướng quy định thêm 2 hoặc 4 số vào mã HS ngoài 06 số đầu chung (tạo thành mã HS 8 số, 10 số) phục vụ nhu cầu quản lý của riêng mình.

Việt Nam hiện áp dụng hệ thống HS chi tiết đến 8 số, còn Canada áp dụng hệ thống HS chi tiết đến 10 số. Khi hàng hóa Việt Nam (được phân loại tại Việt Nam đến HS 8 số) nhập khẩu vào Canada cần được xác định mã HS phù hợp theo hệ thống HS của Canada (đang áp dụng 10 số). Tham khảo hệ thống HS của Canada tại link: https://www.cbsa-asfc.gc.ca/trade-commerce/tariff-tarif/menu-eng.html

Nếu hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP thì ngay từ đầu khi khai báo trên C/O ưu đãi CPTPP phải ghi mã HS 10 số xác định theo hệ thống HS của Canada. Theo quy định của CPTPP, nhà nhập khẩu Canada hoặc nhà xuất khẩu/nhà sản xuất Việt Nam có quyền gửi yêu cầu Hải quan Canada xác định trước mã HS của hàng hóa của mình (thủ tục Advance Rulings) trước khi nhập khẩu hàng vào nước này. Như vậy, để bảo đảm chắc chắn về tính chính xác của mã HS của hàng hóa, tránh tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Canada khi hàng hóa đến cảng, doanh nghiệp có thể gửi yêu cầu xác định trước mã hàng hóa qua email tới các văn phòng thương mại của CBSA (địa chỉ email có thể tìm tại đây: https://www.cbsa-asfc.gc.ca/sme-pme/cso-bsc-eng.html)  

Bước 3: Xác định các loại thuế phí

Thuế quan

Sau khi xác định được phân loại hàng hóa theo hệ thống HS của Canada, nhà nhập khẩu có thể biết được mức thuế quan áp dụng cho hàng hóa đó.

Đối với hàng Việt Nam nhập khẩu vào Canada, có 3 lựa chọn về thuế quan, mỗi lựa chọn tương ứng với một mức thuế và các điều kiện hưởng mức thuế nhất định. Nhà nhập khẩu sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của hàng hóa để chọn thuế quan phù hợp và có lợi nhất cho mình. Cụ thể:

  1. Thuế MFN: Đây là mức thuế Canada áp dụng đối với hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO. Mức thuế này do Canada quyết định nhưng phải bảo đảm tuân thủ mức cam kết trong WTO và không có điều kiện nào kèm theo. Việt Nam là thành viên WTO, do đó hàng hóa của Việt Nam đương nhiên được hưởng mức thuế này mà không cần đáp ứng điều kiện gì.
  2. Thuế GPT: Đây là mức thuế ưu đãi Canada đơn phương dành cho một số nước đang/kém phát triển (GPT là tên gọi riêng ở Canada, còn thông thường thì loại ưu đãi thuế này được gọi là GSP – Hệ thống thuế quan ưu đãi phổ cập). Mức thuế ưu đãi và các điều kiện hưởng ưu đãi (loại hàng hóa cụ thể, nước xuất khẩu cụ thể, quy tắc xuất xứ) do Canada quyết định. Việt Nam đã và đang thuộc diện được hưởng thuế GPT này đối với một số loại hàng hóa (dệt may, giày dép…) kể cả khi CPTPP đã có hiệu lực, tuy nhiên hàng hóa phải đáp ứng điều kiện về quy tắc xuất xứ GPT khá khắt khe
  3. Thuế CPTPP: Đây là mức thuế ưu đãi Canada dành cho hàng hóa từ các thành viên CPTPP (đã phê chuẩn CPTPP). Mức thuế ưu đãi do Canada quyết định nhưng không được thấp hơn mức đã cam kết trong CPTPP. Quy tắc xuất xứ để được hưởng mức thuế ưu đãi phải tuân thủ cam kết thống nhất trong CPTPP về quy tắc xuất xứ. Việt Nam và Canada đều là thành viên đã phê chuẩn CPTPP nên hàng hóa của Việt Nam sang Canada có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định

Cần chú ý là không phải lúc nào thuế MFN cũng cao hơn thuế GPT hay thuế CPTPP. Có nhiều trường hợp thuế MFN, GPT hay CPTPP bằng nhau. Do đó, doanh nghiệp cần tra cứu cụ thể các mức thuế trước, và chỉ khi thuế MFN không có lợi bằng các mức thuế khác thì mới tra cứu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi.

Doanh nghiệp có thể tra cứu các mức thuế quan tại đường dẫn sau: https://www.cbsa-asfc.gc.ca/trade-commerce/tariff-tarif/menu-eng.html

Các loại thuế khác

Ngoài thuế quan, hàng hóa nhập khẩu vào Canada có thể bị áp các loại thuế khác như:

  • Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST): Hầu hết hàng hóa sẽ phải chịu thuế GST 5% thanh toán tại thời điểm nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng có một số ít hàng hóa không phải chịu thuế GST (ví dụ thuốc theo toa, thiết bị y tế và các dụng cụ hỗ trợ, đồ tạp hóa cơ bản, hàng đánh cá và nông nghiệp…)
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt (excise tax): Một số hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (ví dụ điều hòa không khí ô tô, một số phương tiện vận tải được thiết kế như phương tiện chở khách, một số nhiên liệu…)
  • Phí tiêu thụ đặc biệt (excise duty): Một số hàng hóa phải chịu phí tiêu thụ đặc biệt (ví dụ thuốc lá, một số sản phẩm có cồn…)

Nhà nhập khẩu có thể kiểm tra các mức thuế áp dụng đối với hàng hóa của mình quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Excise Tax Act) của Canada hoặc liên hệ Cơ quan Doanh thu Canada (Canada Revenue Agency).

Bước 4: Vận chuyển, kiểm tra và giải phóng hàng

Tất cả hàng hóa thương mại vận chuyển từ Việt Nam sang Canada sẽ phải thông báo cho CBSA, Cơ quan có thẩm quyền về thủ tục giải phóng hàng của Canada.

Các giấy tờ cần nộp cho CBSA:

  • 02 bản sao Giấy kiểm tra hàng hóa do nhà vận chuyển cung cấp;
  • 02 bản sao Hóa đơn hải quan Canada (hoặc hóa đơn thương mại);
  • 01 bản sao tất cả các giấy tờ khác (ví dụ Giấy phép nhập khẩu, Chứng chỉ, Giấy phép… nếu hàng hóa thuộc diện kiểm tra đặc thù; Chứng nhận xuất xứ nếu hàng hóa muốn hưởng ưu đãi thuế quan GPT hoặc CPTPP…).

Sau khi nộp đầy đủ các giấy tờ trên, hàng hóa sẽ được xem xét cho thông quan theo hai trường hợp sau:

Trường hợp 1 - Thông quan sau khi đã thanh toán các loại thuế phí

Trong trường hợp này, hàng hóa được giải phóng hàng sau khi đã hoàn tất thủ tục hải quan và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế phí. Đây là hình thức thông quan chung, áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Canada (trừ một số ít trường hợp thông quan theo trường hợp 2 như dưới đây).

Thời gian giải phóng hàng tại các cảng Canada có thể mất từ 20 phút đến một vài ngày tùy trường hợp.

Đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra đặc thù (như hàng rau quả, thực phẩm…), các lô hàng sẽ được đặt trong kho ngoại quan và được kiểm tra bởi cán bộ hải quan trong vòng từ 12-48 giờ hoặc thậm chí lâu hơn tùy thuộc vào từng thời điểm.

Hàng hóa có thể không được thông quan và bị từ chối:

  • Từ chối tạm thời: khi thông tin được khai báo online không khớp với giấy tờ nhập khẩu của lô hàng, hàng hóa sẽ được tạm giữ đến khi giải quyết được vấn đề này;
  • Từ chối vĩnh viễn: một số trường hợp hàng hóa sẽ bị từ chối thông quan hoàn toàn (ví dụ khai sai nghiêm trọng về loại hàng hóa, định giá thấp hàng hóa nhằm giảm thuế phải nộp, vi phạm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…). Trong những trường hợp này, hàng hóa sẽ bị trả về nước xuất khẩu hoặc bị tiêu hủy bởi CBSA.

Trường hợp 2 - Thông quan trước khi thanh toán các loại thuế phí

Đây là hình thức thông quan ưu tiên, cho phép hàng hóa được thông quan ngay sau khi hoàn tất thủ tục hải quan (bao gồm cả kiểm tra đặc thù, nếu có) mà chưa thực hiện hoặc chưa hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế phí. Hình thức thông quan này chỉ áp dụng đối với các trường hợp đã đăng ký trước và đã nộp một khoản tiền bảo đảm trước cho CBSA.

Thường thì chỉ các nhà nhập khẩu thường xuyên, khối lượng nhập khẩu lớn, mới đăng ký để thông quan theo hình thức này.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập