Giới thiệu Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA)

18/12/2018    5118

 “Sự trì hoãn của cơ quan Nhà nước và nạn quan liêu trong các thủ tục hành chính gây ra gánh nặng cho việc di chuyển hàng hóa qua biên giới của các thương nhân. Thuận lợi hóa thương mại – tức là đơn giản hóa, hiện đại hoá và hài hoà hóa các quá trình xuất khẩu và nhập khẩu – do đó đã nổi lên như một vấn đề quan trọng đối với hệ thống thương mại thế giới” (Giới thiệu của Tổ chức kinh tế thế giới về Thuận lợi hóa thương mại. Năm 2017. Đăng trên Website của Tổ chức)

Tổng quan

Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) được các nước thành viên WTO đàm phán, kết luận tại Hội nghị Bộ trưởng ở Bali tháng 12 năm 2013. Nội dung Hiệp định được xem xét lần cuối cùng về mặt pháp lý, sau đó được thông qua ngày 27/11/2014 tại Geneva, và chính thức có hiệu lực từ 22/02/2017 với sự chấp thuận của 2/3 số nước thành viên WTO.

Mục tiêu của Hiệp định bao gồm (1) tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo cân bằng giữa thuận lợi và tuân thủ luật pháp; (2) thúc đẩy việc vận chuyển, thông quan hàng hóa; (3) đẩy mạnh sự phối hợp giữa Hải quan và các cơ quan khác; (4) nâng cao hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.

TFA được đưa vào Phụ lục 1A của Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (hay còn gọi là Hiệp định Marrakesh) bằng Nghị định sửa đổi Hiệp định Marrakesh. Việt Nam chính thức chấp thuận nội dung hiệp định này vào ngày 15/12/2015.

Cơ cấu Hiệp định Thuận lợi hóa Thương Mại

Hiệp định TFA bao gồm 24 điều chia thành 3 phần chính có nội dung tập trung thúc đẩy sự dịch chuyển, trao trả và giải tỏa hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa quá cảnh). Bên cạnh đó, các quy định của TFA đưa ra các biện pháp để hợp tác hiệu quả giữa Hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác về các vấn đề thuận lợi hóa thương mại và tuân thủ hải quan. Hiệp định còn đề cập đến hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực trong lĩnh vực này. Cụ thể:

Phần I: Quy định về các biện pháp kỹ thuật trong việc công bố và quản lý thông tin, chủ yếu gồm năm nội dung chính: a) Công bố, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu và quá cảnh; b) Tăng cường tính khách quan, không phân biệt và tính minh bạch; c) Thúc đẩy sự dịch chuyển, trao trả và giải tỏa hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa quá cảnh; d) Làm rõ và phát triển các Điều V, VIII và X của GATT 1994; e) Hợp tác hải quan.

Phần II: Các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt (SDT) đối với các quốc gia Thành viên đang phát triển và kém phát triển (LCDs) trong đó cho phép các quốc gia này được thực hiện một phần cam kết của Hiệp định ngay khi nhận được hỗ trợ kỹ thuật và được giúp đỡ xây dựng năng lực. Để hưởng lợi ích từ SDT, nước thành viên của Hiệp định phải tự phân loại từng quy định trong TFA thành các nhóm và thông báo cho các nước thành viên WTO khác được biết về mốc thời gian thực thi cụ thể.

  • Nhóm A là cam kết được thực hiện ngay khi Hiệp định TFA có hiệu lực, hoặc trong vòng là 1 năm kể từ ngày TFA có hiệu lực đối với các nước LDCs;
  • Nhóm B là các cam kết được thực hiện sau một thời gian chuẩn bị sau ngày TFA có hiệu lực; và
  • Nhóm C là các cam kết được thực hiện sau một thời gian chuẩn bị và yêu cầu có sự hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ về xây dựng năng lực.

Khi phân loại các quy định vào nhóm B và nhóm C, quốc gia thành viên phải chỉ rõ ngày thực thi quy định.

Phần III: Các thỏa thuận thể chế và điều khoản cuối cùng. Thỏa thuận về thể chế quy định về việc thành lập một Ủy ban thường trực về thuận lợi hóa thương mại trong WTO với chức năng xem xét định kỳ việc triển khai và thực hiện Hiệp định, cũng như thành lập một Ủy ban tại mỗi quốc gia để tạo điều kiện phối hợp trong nước và thực hiện các điều khoản của Hiệp định. Các điều khoản cuối quy định cụ thể về hiệu lực của Hiệp định TFA, nghĩa vụ của các nước Thành viên khi thực hiện Hiệp định TFA, tính pháp lý của danh sách cam kết Nhóm A, B, C; việc bảo lưu cũng như quy định về giải quyết tranh chấp phát sinh.

TFA đã mở ra những cơ hội mới cho các nước đang và kém phát triển trong cách thức thực hiện. Đây là hiệp định đầu tiên của WTO cho phép các thành viên WTO có thể xác định lộ trình thực hiện của mình và tiến độ thực hiện lộ trình này phụ thuộc chặt chẽ với năng lực về kỹ thuật và tài chính của từng quốc gia. WTO, các nước thành viên của WTO cùng một số tổ chức liên chính phủ, bao gồm Ngân hàng thế giới, Tổ chức Hải quan thế giới, và Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển phối hợp để cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ xây dựng năng lực. Song song với TFA, Bộ quá trình thực hiện Hiệp định TFA (gọi tắt là TFAF) được ban hành vào tháng 7/2014 nhằm đảm bảo rằng các nước đang phát triển và kém phát triển sẽ được trợ giúp để thực hiện tốt Hiệp định khi có yêu cầu.

Lợi ích của TFA

Theo ước tính, nếu TFA được thực thi toàn diện, chi phí thương mại sẽ giảm khoảng 14,3%, đồng thời thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng lên tới 1 nghìn tỉ đô la Mỹ mỗi năm, trong đó các nước nghèo nhất thế giới sẽ là các nước được hưởng lợi nhiều nhất. Báo cáo nghiên cứu và phân tích năm 2015 của các nhà kinh tế học WTO đã chỉ ra lợi ích của việc thực thi TFA:

  • Gỡ “nút thắt cổ chai” trong vấn đề chi phí thương mại cao làm cô lập các nước đang phát triển, nới rộng khoảng cách kinh tế giữa các quốc gia và tác động tiêu cực một cách không đồng đều đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs);
  • Đơn giản hóa, giảm nhẹ chi phí trong thủ tục Hải quan và thương mại dẫn tới giảm chi phí thương mại;
  • Tăng sản lượng xuất khẩu trên thế giới lên tới 2,7%/năm và GDP thế giới tăng hơn 0,5%/năm;
  • Các nước đang phát triển được hưởng lợi từ sự tăng trưởng gần 1,9 nghìn tỉ đô la Mỹ trong xuất khẩu, có thêm gần 0,9% tăng trưởng kinh tế mỗi năm;
  • Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu với nhiều thị trường mới và nhiều mảng sản phẩm hơn;
  • Số lượng sản phẩm xuất khẩu mới tăng thêm 20% tại các nước đang phát triển và tăng 36% ở các kém phát triển;
  • Giảm nhẹ gánh nặng từ các thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
  • Thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài (FDI);

Với các điều khoản kỹ thuật, TFA đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện sự minh bạch, tính dự báo của thương mại qua biên giới và tạo một môi trường kinh doanh ít phân biệt đối xử nhất, bao gồm cả các quy chế tham vấn và khiếu nại. Các điều khoản của TFA cải thiện tính sẵn có và công khai thông tin về các thủ tục qua biên giới; cải thiện quyền của thương nhân; giảm phí và các phương thức liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa; thủ tục thông quan tự động hóa, số hóa; nâng cao điều kiện về tự do quá cảnh hàng hóa.

Việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam

Ngày 13/10/2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1969/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch chuẩn bị và triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của tổ chức thương mại thế giới. Quyết định bao gồm các mục đích, yêu cầu, và một danh sách các nhiệm vụ được giao cho một số bộ, ngành. Trong số đó, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện TFA.

Theo Quyết định số 1969/QĐ-TTg, các cơ quan chức năng liên quan chủ yếu có trách nhiệm:

  1. Công bố rộng rãi và phổ biến thông tin về nội dung của TFA;
  2. Xây dựng sổ tay và văn bản hướng dẫn chi tiết cho các cơ quan nhà nước khác về các điều khoản và nhiệm vụ của TFA;

iii. Xây dựng tiến độ thực hiện Hiệp định và đảm bảo tính nhất quán trong việc áp dụng và thực hiện các cam kết;

  1. Phân loại các cam kết trong nhóm B và nhóm C;
  2. Hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng toàn bộ lợi thế của TFA cũng như tìm kiếm các hỗ trợ về kỹ thuật và xây dựng khả năng của các tổ chức quốc tế như WTO, WB, WCO, UNCTAD, ADB … hoặc các nước phát triển, như Mỹ, Anh, Nhật, và Châu Úc;
  3. Báo cáo tiến trình thực hiện cho WTO;

Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã thành lập và khai trương một cổng thương mại điện tử mang tên VTIP vào ngày 12 tháng 7 năm 2017, với sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới, nhằm công bố các quy định và thủ tục về hải quan. Ngoài ra, đã có rất nhiều hội thảo và hội thảo liên quan đến chủ đề này. Tại hội nghị APEC 2017-SOM 3 ngày 16 tháng 8 năm 2017, Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong việc thực hiện WTO TFA” để thảo luận và xúc tiến hợp tác, làm việc giữa Hải quan Việt Nam và các cơ quan Hải quan khu vực trong ASEAN.

Nguồn: VCI-Legal