Văn kiện Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA)

01/11/2017    2847

Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (FTA) được WTO thông qua ngày 14/07/2014 tại Geneva, và chính thức có hiệu lực từ 22/02/2017. Mục tiêu của Hiệp định bao gồm (1) tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo cân bằng giữa thuận lợi và tuân thủ luật pháp; (2) thúc đẩy việc vận chuyển, thông quan hàng hóa; (3) đẩy mạnh sự phối hợp giữa Hải quan và các cơ quan khác; (4) nâng cao hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.

Hiệp định TF bao gồm 3 phần chính với 24 điều: Cụ thể:

Phần I: Quy định về các biện pháp kỹ thuật, tập trung chủ yếu vào 4 nội dung chính: a) Tiếp cận thông tin và tính minh bạch; b) Quản lý các quy định pháp lý liên quan đến thương mại; c) Thông quan hải quan; d) Quá cảnh thương mại.

Phần II: Các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các quốc gia Thành viên đang phát triển và kém phát triển trong đó có vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cho các Thành viên đang và kém phát triển để thực hiện các cam kết của Hiệp định. Nhóm A là cam kết thực hiện ngay khi Hiệp định TF có hiệu lực; Nhóm B là các cam kết thực hiện sau một thời gian chuẩn bị; và Nhóm C là các cam kết thực hiện sau một thời gian chuẩn bị và có sự hỗ trợ kỹ thuật.

Phần III: Các thỏa thuận thể chế và điều khoản cuối cùng. Thỏa thuận về thể chế quy định về việc thành lập Ủy ban Tạo thuận lợi Thương mại trong WTO cũng như thành lập một Ủy ban Tạo thuận lợi Thương mại quốc gia. Các điều khoản cuối quy định cụ thể về hiệu lực của Hiệp định TF, nghĩa vụ của các nước Thành viên khi thực hiện Hiệp định TF, tính pháp lý của danh sách cam kết Nhóm A, B, C; việc bảo lưu cũng như quy định về giải quyết tranh chấp phát sinh.

Cũng theo quy định tại Phần II của Hiệp định TF, các cam kết tại Phần I của Hiệp định trên cơ sở rà soát thực tiễn quản lý của Thành viên được phân thành 3 nhóm cam kết: Cam kết nhóm A - thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; Cam kết nhóm B - cần thêm thời gian để chuẩn bị thực hiện sau khi Hiệp định có hiệu lực; Cam kết nhóm C - cần thêm thời gian chuẩn bị và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định này cho phép các nước đang và kém phát triển đặt ra kế hoạch thực thi TFA phụ thuộc vào năng lực của các nước. Một Quỹ về TFA đã được thành lập theo đề nghị của các nước đang và kém phát triển nhằm đảm bảo các nước này nhận được sự hỗ trợ cần thiết để đạt được lợi ích đầy đủ của Hiệp định và nhằm hỗ trợ mục tiêu cuối cùng để tất cả các thành viên thực thi đầy đủ Hiệp định. Với 12 điều khoản kỹ thuật, TFA đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện sự minh bạch, tính dự báo của thương mại qua biên giới và tạo một môi trường kinh doanh ít phân biệt đối xử nhất. Các điều khoản của TFA bao gồm cải thiện tính sẵn có và công khai thông tin về các thủ tục qua biên giới, cải thiện quyền của thương nhân, giảm phí và các phương thức liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, thủ tục thông quan nhanh hơn, nâng cao điều kiện về tự do quá cảnh hàng hóa. Hiệp định cũng bao gồm các biện pháp về hợp tác hiệu quả giữa hải quan và các cơ quan khác về thuận lợi hóa thương mại và các vấn đề liên quan đến hải quan.

 
Nội dung Hiệp định (tiếng Anh và tiếng Việt) được đính kèm dưới đây: