Cộng đồng doanh nghiệp với Công ước Viên 1980

07/09/2010    1101

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với những tiện ích và mức độ phổ quát của mình, Công ước Viên 1980 đã đi vào thực tiễn hoạt động mua bán ngoại thương của nhiều doanh nghiệp một cách rất tự nhiên dù doanh nghiệp nhận thức được hay không. Điều này cũng không có gì khó lý giải bởi trên thực tế nhiều nguyên tắc của Công ước Viên đã trở thành thông lệ chung và được áp dụng rộng rãi trong các giao dịch mua bán quốc tế, bao gồm cả các giao dịch mà các doanh nghiệp Việt Nam là một bên (đặc biệt khi bên kia của giao dịch là các doanh nghiệp đến từ các nước đã là thành viên của Công ước này – mà theo thống kê thì có tới 4 trong số 5 khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là những khu vực đã gia nhập Công ước Viên).

Hộp 2: Dù Việt Nam chưa gia nhập CISG nhưng doanh nghiệp Việt Nam có thể vẫn đang “sống” cùng với CISG

Trường hợp 1: Bản án ngày 05/04/1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử tranh chấp về hợp đồng mua bán giữa một công ty của Singapore và môt công ty Việt Nam. Trong bản án của mình, tòa án đã áp dụng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 của Việt Nam, UCP 500 của ICC, đồng thời dẫn chiếu đến các điều 29, 53, 61.3 và 64.1 để giải quyết tranh chấp.

  • Bình luận: Tuy Tòa án không giải thích vì sao áp dụng CISG nhưng trường hợp này cho thấy các thẩm phán Việt Nam đã biết đến và đã áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Có thể hiểu Tòa án áp dụng CISG để bổ sung và/hoặc khẳng định cho luật quốc gia (trong trường hơp này là luật Việt Nam). Việc áp dụng này hoàn toàn không vi phạm các nguyên tắc tư pháp quốc tế của Việt Nam, dù Việt nam chưa phải là thành viên Công ước.  

Trường hợp 2: Hợp đồng giữa người bán Liechtenstein (liên bang Nga) và người mua Việt Nam về mua bán thép tấm. Trong hợp đồng, hai bên đã lựa chọn CISG làm luật áp dụng và khi xét xử tranh chấp, trọng tài quốc tế do hai bên lựa chọn đã áp dụng CISG.

  • Bình luận: trong hợp đồng này, người bán có trụ sở tại một quốc gia thành viên của CISG (liên bang Nga) và có thể người bán đã đề xuất lựa chọn CISG làm luật áp dụng và bên người mua Việt Nam đã đồng ý. Như vậy, dù Việt Nam chưa gia nhập CISG nhưng nếu doanh nghiệp Việt nam không chủ động tìm hiểu thì có thể sẽ rất bị động khi đối tác của bên Việt Nam là công ty của một quốc gia thành viên và họ đề xuất áp dụng CISG.

Trường hợp 3: Phán quyết trọng tài ICC số 8502 tháng 11/1996 xét xử tranh chấp giữa người bán Việt Nam và người mua Pháp. Hai bên đã thỏa thuận áp dụng Incoterms 1990 và UCP 500 của ICC. Trọng tài nhận định rằng, việc các bên dẫn chiếu đến Incoterms và UCP cho thấy ý định của các bên là hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi các tập quán thương mại quốc tế. Trọng tài đã quyết định áp dụng Công ước Viên do Công ước này được soạn thảo dựa trên các tập quán thương mại quốc tế và phản ánh các tập quán thường được áp dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế.

  • Bình luận: Phán quyết này cho thấy khi tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giải quyết tại các quốc gia thành viên Công ước mà các bên không lựa chọn luật, đồng thời lại áp dụng các điều kiện cơ sở giao hàng Incoterms của ICC thì khả năng cơ quan xét xử áp dụng CISG là rất lớn.

Kết luận: Các nghiên cứu tình huống trên cho thấy dù Việt Nam chưa gia nhập Công ước Viên, nhưng điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp Việt nam hoàn toàn đứng ngoài Công ước này. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi đối tác của họ có trụ sở tại các quốc gia thành viên Công ước, nhiều khả năng Công ước này sẽ được áp dụng vào hợp đồng: (i) hoặc là do các bên không thể đàm phán lựa chọn được luật quốc gia nên đã đi đến giải pháp lựa chọn CISG, (ii) hoặc là do các bên không thỏa thuận về luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp quyết định lựa chọn CISG, (iii) hoặc là do cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng nhằm bổ sung cho luật quốc gia. Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh khả năng áp dụng CISG theo Điều 1.1.b, theo đó, nếu các bên trong hợp đồng không thỏa thuận về luật áp dụng và quy phạm xung đột của nước tòa án dẫn chiếu đến luật của một quốc gia thành viên thì CISG sẽ được áp dụng. Theo khảo sát sơ bộ của nhóm nghiên cứu, chưa có trường hợp áp dụng CISG đối với doanh nghiệp Việt Nam như thế này được ghi nhận, tuy nhiên khả năng này là rất lớn, vì đã có rất nhiều án lệ tại có liên quan đến vấn đề này.

Theo điều tra nhanh mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện (tháng 05/2010) đối với 10 Hiệp hội ngành hàng có hoạt động xuất nhập khẩu hoặc liên quan chặt chẽ đến xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam và 03 Hiệp hội đa ngành hàng lớn nhất về sự cần thiết tham gia Công ước Viên và mức độ ủng hộ của các doanh nghiệp thuộc các ngành này, kết quả cho thấy 100% các ngành đều đánh giá cao những lợi ích của Công ước Viên 1980 đối với hoạt động của doanh nghiệp trong ngành và ủng hộ sáng kiến đề xuất Chính phủ nhanh chóng gia nhập Công ước này.

Stt

Hiệp hội ngành hàng được khảo sát 

1

Hiệp hội Dệt may VN

2

Hiệp hội Thép Việt Nam

3

Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

4

Hiệp hội ô tô xe máy

5

Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

6

Hiệp hội Da giầy Việt Nam

7

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam

8

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

9

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

10

Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam

11

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

12

Liên minh HTX VN

13

Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Nguồn: Điều tra các Hiêp hội xuất khẩu lớn của Việt Nam về việc gia nhập Công ước Viên 1980 – VCCI 5/2010

 

Biểu đồ 3 – Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang một số thị trường lớn


Nguồn: Báo cáo Tổng kết Tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2009 và Kế hoạch 2010 của Ngành Công thương - Vụ Pháp chế, Bộ Công thương trình bày tại Tọa đàm “Việt Nam và Công ước Viên 1980” – VCCI 5/2010

Cần lưu ý là theo điều tra này bên cạnh những trường hợp có sự hiểu biết đầy đủ về Công ước Viên của nhiều hiệp hội ngành hàng, đối với một số hiệp hội khác, sự ủng hộ này được xây dựng chủ yếu dựa trên lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành với những lợi ích mà Công ước này có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh của họ như cách mà họ đã thấy ở các đối tác của họ tại các nước đã là thành viên của Công ước Viên 1980. Thậm chí, có những ngành mà có tới 80-90% doanh nghiệp không biết gì về Công ước này nhưng lại bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối đối với việc gia nhập Công ước, thậm chí khẳng định với lợi ích sát sườn cho doanh nghiệp như vậy, Việt Nam cần gia nhập Công ước này càng sớm càng tốt. Đây là một điểm đặc biệt thú vị cho thấy sức hút của Công ước này không chỉ ở những lợi ích mà nó có thể mang lại cho những ai biết để sử dụng nó mà còn nằm ở khả năng làm “bệ đỡ pháp lý” cho các giao dịch của doanh nghiệp của Công ước ngay cả khi doanh nghiệp không biết về Công ước này.

Hộp 3 – “Chúng tôi rất ủng hộ, rất hoan nghênh!”

Việc vận động tham gia bất kỳ Công ước/Hiệp định nào về thương mại cần có nhận thức đúng của cộng đồng doanh nghiệp. Đối với Công ước Viên 1980, điều này còn quan trọng hơn nữa bởi các doanh nghiệp mới là người trực tiếp sử dụng, chịu tác động cũng như hưởng lợi từ Công ước này.

Có một thực tế là Công ước Viên không phải là luật áp dụng được sử dụng phổ biến trong ngành gỗ chúng tôi. Trong số 3000 doanh nghiệp gỗ hiện đang hoạt động (trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) thì may lắm chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp FDI biết về Công ước Viên và sử dụng hệ thống pháp luật hợp đồng này. Điều này có nghĩa là khoảng trên 90% số lượng các hợp đồng mua nguyên liệu gỗ (từ 26 nước trên thế giới) và và các hợp đồng bán đồ gỗ thành phẩm (cho khoảng 120 nước trên thế giới) của chúng tôi không biết để sử dụng Công ước Viên.

Thật lãng phí khi tồn tại một Công ước với nhiều lợi ích như Công ước Viên 1980 mà ngành gỗ Việt Nam lại không biết đến và do đó không tận dụng được những lợi ích mà nhiều nước, nhiều ngành đã tận dụng được trong suốt mấy chục năm vừa qua.

Qua nghiên cứu của các chuyên gia về thực tiễn áp dụng Công ước Viên chúng tôi thấy Công ước này rất có lợi, có thể mang lại nhiều hiệu quả cho hoạt động mua bán của chúng tôi. Một số người có đề cập đến những rủi rõ, những cái “bẫy” của Công ước này, tuy nhiên chúng tôi cho rằng những rủi ro ấy không đáng kể, “bẫy” nếu quả thật có cũng không phải là quá nhiều và nguy hiểm so với lợi ích thực tế mà Công ước này có thể mang lại.

Vì vậy chúng tôi rất ủng hộ, rất hoan nghênh việc Việt Nam gia nhập Công ước này. Nếu Chính phủ có cần chúng tôi hành động gì liên quan chúng tôi cũng xin sẵn sàng. Ngoài ra, chúng tôi xin đề nghị cần có chiến dịch tuyên truyền quảng bá về Công ước Viên trong cộng đồng, bao gồm các doanh nghiệp và kể cả giới quan chức. Không chỉ các doanh nghiệp cần biết về Công ước này để tận dụng nó mà các quan chức cũng cần biết để mau chóng đưa Việt Nam gia nhập Công ước này (bởi việc này một số quan chức đã biết nhiều năm nhưng chưa làm, chứng tỏ họ chưa hiểu hết, chưa hiểu đầy đủ về Công ước và những lợi ích nó có thể mang lại) ”.

Phát biểu tại Tọa đàm “Việt Nam và Công ước Viên 1980” – VCCI 5/2010

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Liên quan đến các bảo lưu đối với Công ước Viên mà Việt Nam nên thực hiện, nhóm này cũng có ý kiến khá thống nhất trong đó đa số (50%) ủng hộ việc bảo lưu về hình thức hợp đồng, các bảo lưu khác nhận được sự ủng hộ thấp hơn. Điều này cho thấy có sự tương đồng thú vị giữa các nhà nghiên cứu lý thuyết và những người làm thực tiễn trong cách nhìn về các bảo lưu đối với Công ước Viên.

Biểu đồ 11: Bảo lưu mà Việt Nam nên thực hiện khi gia nhập Công ước Viên


Có thể thấy từ điều tra khảo sát của các đối tượng trực tiếp chịu tác động của Công ước Viên cũng như những đối tượng khác làm việc chuyên môn hoặc nghiên cứu, từ góc độ thực tiễn lẫn lý thuyết về Công ước này đều cho kết quả thống nhất về những lợi ích to lớn mà Công ước có thể mang lại cho Việt Nam và đều thống nhất ở quan điểm rằng Việt Nam nên gia nhập Công ước này càng sớm càng tốt. Cùng với đó, các công việc khác như tuyên truyền, phổ biến về Công ước Viên cũng cần được chú trọng nhằm tận dụng được đầy đủ các lợi ích và hiệu quả của Công ước này.