Các chuyên gia với Công ước Viên

07/09/2010    238

Trong quá khứ, ngay tại thời điểm Công ước Viên bắt đầu có hiệu lực (năm 1989), ở Việt Nam đã bắt đầu có những nghiên cứu về các lợi ích của Công ước này và sự tham gia của Việt Nam.

Từ góc độ các cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải kể đến nghiên cứu của TS Đinh Thị Mỹ Loan và các cán bộ nghiên cứu thuộc Vụ Pháp chế Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương) về vấn đề này. Nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích nổi trội mà Công ước có thể mang lại cho hoạt động thương mại quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về lĩnh vực này. Từ đó, nghiên cứu đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nhanh chóng tham gia Công ước này. Tiếc rằng sau đó, trong bối cảnh đổi mới kinh tế khó khăn, phức tạp, Chính phủ đã không dành ưu tiên cho công việc này.

Gần đây hơn, năm 2007, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cấp Hệ thống pháp lý thương mại đa phương của Việt Nam” do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) tiến hành với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu (EC), Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), phối hợp với các Bộ ngành liên quan (Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tổng Cục Hải quan, Đoàn Luật sư Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Ngoại thương), nhóm nghiên cứu đã tiến hành rà soát khoảng 200 Điều ước thương mại quốc tế quan trọng trên thế giới và đánh giá khả năng Việt Nam tham gia các Công ước này. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nước có mức độ gia nhập các Điều ước quốc tế đa phương về thương mại cao cũng đồng thời là những nước có thành tích xuất khẩu ấn tượng (và ngược lại, các nước xuất khẩu tương đối ít hoặc rất ít có mức độ gia nhập các Điều ước này thấp hơn rõ rệt). Với tính chất là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam rõ ràng là cần phải cải thiện mức độ gia nhập các Điều ước loại này. Vì vậy, báo cáo kết quả nghiên cứu đã khuyến nghị Việt Nam nên tham gia 11 Điều ước được xem là mang tính chiến lược đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như chúng ta. Công ước Viên 1980 đứng đầu trong danh mục 11 Điều ước “cần tham gia sớm” này. Theo nghiên cứu này, gia nhập Công ước Viên là một bước đi cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay.

Từ góc độ các đơn vị nghiên cứu, nhiều chuyên gia cũng đã có những phân tích thấu đáo và đánh giá tích cực về tầm quan trọng và lợi ích của Công ước Viên 1980 đối với các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Đáng kể nhất là các nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Thị Mơ và các giảng viên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2005. Bên cạnh đó là nhiều bài viết phân tích và khuyến nghị Việt Nam gia nhập Công ước này xuất hiện rải rác trên nhiều tạp chí chuyên ngành kinh tế, pháp luật trong nước vài năm trở lại đây.