Những việc Việt Nam cần làm để gia nhập CISG

07/09/2010    308

Theo quy định của CISG cũng như từ các quy định của pháp luật Việt Nam về việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, có lẽ  việc gia nhập Công ước đối với Việt Nam hiện nay không có khó khăn gì đáng kể. Cụ thể:

Theo quy định của CISG

CISG không có quy định gì về điều kiện gia nhập đối với các quốc gia không tham gia ký kết như Việt Nam (Điều 91, khoản 3 CISG: Công ước này sẽ nhận sự gia nhập tất cả các quốc gia không ký tên, kể từ ngày Công ước để ngỏ cho các bên ký kết).

Các quốc gia thành viên không có nghĩa vụ đóng góp về tài chính, không phải thành lập một cơ quan riêng để thực thi Công ước, cũng không có bất kỳ nghĩa vụ báo cáo định kỳ nào.

Theo pháp luật Việt Nam về ký kết, gia nhập điều ước quốc tế

Việc gia nhập Công ước là phù hợp với các nguyên tắc tại điều 3 Luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2005. Cụ thể:

  • Các quy phạm của CISG phù hợp lợi ích quốc gia Việt Nam (như trên đã phân tích)
  • Các quy phạm của CISG không vi phạm hiến pháp Việt Nam
  • CISG và pháp luật về hợp đồng dân sự-thương mại Việt Nam

Nhìn chung, các nguyên tắc của CISG phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật hợp đồng Việt Nam (xem thêm Phụ lục 1).

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm khác biệt trong các điều khoản chi tiết của CISG với các quy phạm tương ứng trong pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế của Việt Nam (ví dụ quy định về hình thức của hợp đồng, về các chế tài khi vi phạm hợp đồng). Một số vấn đề được CISG quy định, nhưng chưa có trong pháp luật Việt Nam (kéo dài thời hạn hiệu lực của chào hàng, hủy hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ).

Câu hỏi đặt ra là, để gia nhập CISG, Việt Nam có cần sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan?

Để trả lời câu hỏi này, cần làm rõ mối quan hệ giữa CISG và pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa khi Việt Nam gia nhập CISG.

Khi Việt Nam gia nhập CISG, sẽ có hai nguồn luật cùng điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa tại Việt Nam:

  • CISG sẽ chỉ được áp dụng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (với khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được định nghĩa tại điều 1 của CISG là hợp đồng giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau).
  • Các hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước (không có yếu tố quốc tế) thì không áp dụng CISG mà áp dụng pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa.

Như vậy, mối quan hệ giữa CISG và pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa là bổ sung chứ không đối kháng. Sự tồn tại của một số quy định khác biệt giữa hai nguồn luật này là bình thường, do mối quan hệ được điều chỉnh có tính chất khác nhau. Những trường hợp còn lại, sự khác biệt không gây ra bất cập do đối tượng và chủ thể áp dụng của CISG và pháp luật Việt Nam trong trường hợp này là không giống nhau.

Ngoài ra, về nội dung, như kết quả rà soát sơ bộ nội dung hiện tại cũng như quá trình xây dựng pháp luật thương mại Việt Nam với các điều khoản của CISG, có thể không có khác biệt đáng kể nào giữa nguồn pháp luật nội địa Việt Nam và CISG (CISG chi tiết hơn).
Với những lý do về hình thức (phạm vi áp dụng) và nội dung (điều khoản chi tiết) nêu trên, có thể khẳng định, khi gia nhập CISG, Việt Nam không phải sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, sẽ thích hợp và chặt chẽ hơn nếu có thể bổ sung khái niệm « mua bán hàng hóa quốc tế» theo quan niệm của CISG vào Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 (Điều này mới nêu các hình thức của mua bán hàng hóa quốc tế mà chưa đưa ra khái niệm chung về mua bán hàng hóa quốc tế).