Thành công của Công ước Viên 1980

07/09/2013    5376

Có hiệu lực từ ngày 01/01/1988, cho đến nay, CISG đã trở thành một trong các công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất. Trong phạm vi hẹp hơn, so với các công ước đa phương khác về mua bán hàng hóa (như các công ước Hague 1964), CISG là Công ước quốc tế có quy mô lớn hơn hẳn về số quốc gia tham gia và mức độ được áp dụng. Với 74 quốc gia thành viên, ước tính Công ước này điều chỉnh các giao dịch chiếm đến ba phần tư thương mại hàng hóa thế giới. Trong danh sách 74 quốc gia thành viên của Công ước Viên 1980, có sự góp mặt của các quốc gia thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau, các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển, các quốc gia tư bản chủ nghĩa cũng như các quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa nằm trên mọi châu lục. Hầu hết các cường quốc về kinh tế trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản…) đều đã tham gia CISG.

Sự thành công của Công ước Viên 1980 được khẳng định trong thực tiễn với hơn 2500 vụ tranh chấp đã được Tòa án và trọng tài các nước/quốc tế giải quyết có liên quan đến việc áp dụng và diễn giải Công ước Viên 1980 được báo cáo. Điểm cần nhấn mạnh là 2500 vụ việc này không chỉ phát sinh tại các quốc gia thành viên. Tại các quốc gia chưa phải là thành viên, Công ước vẫn được áp dụng, hoặc do các bên trong hợp đồng lựa chọn Công ước Viên 1980 như là luật áp dụng cho hợp đồng, hoặc do các tòa án, trọng tài dẫn chiếu đến để giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nhân tại các quốc gia chưa phải là thành viên CISG đã tự nguyện áp dụng CISG cho các giao dịch thương mại quốc tế của mình, bởi vì họ thấy được những ưu việt của CISG so với luật quốc gia.

Vai trò của CISG còn thể hiện ở chỗ CISG là nguồn tham khảo quan trọng của Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) và Các nguyên tắc của Luật Hợp đồng Châu Âu (PECL). Trên cơ sở nền tảng của CISG, các nguyên tắc này đã trở thành các văn bản thống nhất luật quan trọng về hợp đồng, được nhiều quốc gia và doanh nhân tham khảo và sử dụng trong các giao dịch thương mại quốc tế.

Năm 2008 đánh dấu sự thành công mới của Công ước Viên 1980 tại Châu Á, khi mà Nhật Bản tham gia Công ước này. Với ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng lớn về thương mại hàng hóa của Nhật Bản ở Châu Á và trên thế giới, các chuyên gia dự báo việc Nhật Bản- nền kinh tế hùng mạnh nhất Châu Á gia nhập Công ước Viên 1980 sẽ kéo theo nhiều hồ sơ gia nhập hay phê chuẩn từ các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia Châu Á.

Theo các chuyên gia và các doanh nghiệp, có nhiều yếu tố lý giải tại sao CISG lại là một trong những Công ước thống nhất về luật tư thành công nhất:

Thứ nhất, CISG được soạn thảo và thực thi dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc- tổ chức quốc tế liên chính phủ lớn nhất hành tinh.

Được Liên Hợp Quốc bảo trợ soạn thảo và thực thi, CISG không chỉ tạo được sự tin cậy từ phía các quốc gia (trong quá trình soạn thảo) mà còn nhận được sự tin tưởng từ đông đảo doanh nghiệp (trong quá trình thực thi). Đây là yếu tố rất cần thiết đối với một văn bản nhất thể hóa pháp luật về một vấn đề quan trọng và vốn có nhiều khác biệt giữa các quốc gia, chủ thể có tập quán khác nhau.

Thứ hai, cách thức soạn thảo CISG cho thấy những nỗ lực thực sự trong việc tạo ra các quy phạm thực chất thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế.

Đại diện của các quốc gia thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau (Dân luật, Thông luật - đặc biệt là đại diện của Hoa Kỳ và Anh), tại các châu lục khác nhau, có chế độ kinh tế- chính trị khác nhau (các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, các nước phát triển và các nước đang phát triển) đã được mời tham gia vào việc soạn thảo các điều khoản của Công ước này.

Các tài liệu lịch sử về các phiên làm việc khác nhau của UNCITRAL cho thấy quá trình đàm phán để soạn thảo CISG đã trải qua rất nhiều khó khăn do sự khác biệt của pháp luật của các quốc gia cũng như những mối quan tâm khác nhau của các quốc gia này khi tham gia vào việc soạn thảo một công ước thống nhất luật thực chất như CISG. Mỗi quy định trong văn bản cuối cùng đều là kết quả của quá trình thảo luận chi tiết, với việc xem xét đầy đủ và hợp lý các yêu cầu, tập quán thương mại của các bên.

Ví dụ như một chào hàng có bắt buộc phải có giá xác định trước hay không? Đây là câu hỏi mà các đại diện của Civil Law và Common Law đã có những tranh cãi rất gay gắt. Đại diện của Pháp và CHLB Đức cho rằng giá cả cần phải được xác định trước hoặc có thể xác định trước (có các yếu tố để xác định giá). Trong khi đó, theo luật các nước Common law (Anh, Hoa Kỳ), nếu bên chào hàng chưa đưa ra giá trong hợp đồng thì điều này không ảnh hưởng đến hiệu lực của chào hàng. Giá của hợp đồng sẽ được xác định theo giá hợp lý trên thị trường vào thời điểm giao hàng.

Để hài hóa hóa các quy phạm xung đột của hai hệ thống Civil law và Common law, các nhà soạn thảo CISG đã phải rất khéo léo bằng cách đưa ra 2 điều khoản về xác định giá trong hợp đồng mua bán. Điều 14 đòi hỏi giá cả phải được quy định rõ ràng hay cần phải xác định được theo các điều khoản trong chào hàng, trong khi đó, điều 55 lại quy định rằng nếu các điều kiện về giá cả theo điều 14 không được thỏa mãn thì hợp đồng vẫn có hiệu lực và giá của hợp đồng được hiểu là giá trên thị trường vào thời điểm giao hàng, tại địa điểm giao hàng. Như vậy, Công ước Viên 1980, một mặt, yêu cầu một chào hàng bắt buộc phải có giá có thể xác định được, mặt khác, đưa ra quy định căn cứ xác định giá cho các hợp đồng mà giá cả chưa được xác định. Quy định này là phù hợp với thực tiễn thương mại quốc tế khi mà các hợp đồng có giá mở (open price contract) ngày càng phổ biến.

Một điều đáng lưu ý khác là trong quá trình soạn thảo Công ước cũng như ngay trong nội dung Công ước, các soạn giả luôn nêu cao tính chất quốc tế của Công ước và vì thế, cố gắng dùng ngôn ngữ trung tính, đơn giản, tránh sử dụng các khái niệm riêng của từng hệ thống luật của các quốc gia. Để tránh tối đa việc tham chiếu luật pháp quốc gia, ngay trong Điều 7 của Công ước các soạn giả cũng đưa yêu cầu việc diễn giải và áp dụng CISG phải cân nhắc tính chất quốc tế của nó và yêu cầu thúc đẩy sự thống nhất hóa trong việc diễn giải Công ước và tuân thủ nguyên tắc “thiện chí” trong thương mại quốc tế.

Với cách thức soạn thảo như vậy, các điều khoản của CISG thể hiện được sự thống nhất, hài hòa các quy phạm khác nhau trong pháp luật của các quốc gia tham gia soạn thảo, phản ánh được mối quan tâm chung của các quốc gia này.

Thứ ba, nội dung của Công ước được đánh giá là hiện đại, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế.

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá CISG là tập hợp các quy phạm khá hiện đại, thể hiện được sự bình đẳng giữa bên mua và bên bán trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế.

Các quy phạm này cũng phù hợp với thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế do được soạn thảo dựa trên một nguồn luật quan trọng là các tập quán thương mại quốc tế, trong đó có các Incoterms của ICC.

Điều này được thể hiện, ví dụ, ở các điều khoản từ Điều 66 đến Điều 69 quy định rất chi tiết về chuyển rủi ro- một câu hỏi đặc biệt quan trọng trong mua bán hàng hóa quốc tế. Những giải pháp mà Công ước Viên 1980 đưa ra là khá hợp lý, hiện đại. Hoặc các quy định về thời hạn hiệu lực của chào hàng, về các điều khoản chủ yếu của hợp đồng, về các trường hợp được hủy hợp đồng, về khái niệm vi phạm cơ bản…, đều được soạn thảo nhằm tạo sự phù hợp ở mức cao nhất với thực tiễn hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Đặc biệt, tính linh hoạt của các quy phạm là một trong yếu tố tạo nên sự thành công của CISG. Sự linh hoạt này thể hiện trước hết ở quy định tại Điều 6 CISG, theo đó, hầu hết các điều khoản của CISG đều là các điều khoản tùy nghi, nghĩa là các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận khác so với các quy định tại các điều khoản đó. Hơn nữa, Điều 6 cho phép các bên loại trừ việc áp dụng Công ước cho hợp đồng của mình, ngay cả khi các bên là doanh nghiệp tại các quốc gia thành viên của Công ước. Quy định “mềm dẻo” này tạo điều kiện để các thương nhân có quyền tự do thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng cũng như lựa chọn cho mình nguồn luật áp dụng phù hợp nhất trong trường hợp họ thấy rằng một/một số các quy định của CISG là chưa phù hợp đối với họ (ví dụ trong những lĩnh vực đặc thù, đối với những hàng hóa đặc thù).Ngoài ra, nhiều điều khoản cụ thể của Công ước cũng có cách tiếp cận rất linh hoạt để phù hợp với thực tiễn rất phong phú về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Ví dụ về thời hạn hiệu lực của chào hàng, CISG quy định tại Điều 18 khoản 2 rằng nếu trong đơn chào không quy định thì thời gian hiệu lực được  xác định là một thời gian hợp lý (reasonable time). Đó là thời gian cần thiết thông thường để chào hàng đến tay người được chào hàng và thời gian để người này trả lời chào hàng đó, tuỳ theo tính chất của hợp đồng, khoảng cách giữa hai bên và có tính đến các phương tiện chào hàng khác nhau (thư, telex, fax, thư điện tử…). Thật vậy, sẽ là không hợp lý nếu đưa ra một thời hạn chào hàng chung cho các loại chào hàng với tính chất phức tạp khác nhau, với các mặt hàng khác nhau (từ các sản phẩm nhanh hỏng như rau hoa quả cho đến máy móc thiết bị), cũng như cho các giao dịch khác nhau mà khoảng cách địa lý giữa các bên là khác nhau. Việc đưa ra một thời hạn hợp lý thể hiện sự linh hoạt và khả năng phù hợp của quy phạm này với các giao dịch mua bán hàng hóa có tính chất khác nhau.

Thứ tư, CISG có được sự ủng hộ rất lớn từ phía các trọng tài quốc tế và của ICC.

Có thể thấy, trong số các án lệ có liên quan đến CISG có rất nhiều phán quyết của trọng tài quốc tế. Các trọng tài quốc tế thường được suy đoán là tự do hơn các tòa án quốc gia trong việc lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp (đặc biệt trong các trường hợp không có quy định hoặc không quy định rõ ràng về luật áp dụng cho tranh chấp). Sự ủng hộ của các trọng tài quốc tế đối với CISG trong nhiều vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thể hiện chủ yếu thông qua việc dẫn chiếu CISG như một lựa chọn ưu tiên cho việc giải quyết các tranh chấp này khi các bên không lựa chọn luật áp dụng. Điều này cho thấy trong đánh giá của nhiều trọng tài,CISG là một nguồn luật thích hợp để giải quyết thỏa đáng tranh chấp. Thêm nữa, CISG cũng thường được các trọng tài áp dụng theo Điều 1.1.b của Công ước. Sự ủng hộ này của các trọng tài quốc tế khiến cho việc áp dụng Công ước ngày càng rộng rãi hơn,đặc biệt khi mà phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng phố biến hơn.

ICC thể hiện sự ủng hộ của mình đối với văn bản thống nhất luật này bằng việc đưa CISG vào điều khoản luật áp dụng mẫu có trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mẫu của ICC. Điều 1.2 của phần “Những điều khoản chung” (General Conditions) về luật áp dụng đã dẫn chiếu trực tiếp đến CISG (xem trong Phụ lục 3). Nhờ việc dẫn chiếu đến CISG mà khi soạn thảo hợp đồng, các bên chỉ cần thống nhất các nội dung tại phần “Những điều khoản riêng” (Specific Conditions), bao gồm các vấn đề liên quan trực tiếp đến từng giao dịch mua bán cụ thể (hàng hóa, giá cả, điều kiện giao hàng, phương thức thanh toán, các chứng từ cần cung cấp) và một số vấn đề mà CISG chưa đề cập tới (như điều khoản phạt vi phạm hợp đồng, điều khoản quy định giới hạn trách nhiệm của các bên, điều khoản quy định về thời hiệu hay dự kiến một nguồn luật bổ sung cho CISG đối với những vấn đề không nằm trong phạm vi điều chỉnh của CISG). Tất cả những vấn đề khác đều được điều chỉnh bởi CISG. ICC cũng nêu nêu rõ khuyến nghị của mình đối với các bên soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là không nên lựa chọn một luật quốc gia làm luật áp dụng thay cho CISG.

Hợp đồng mẫu này cung cấp một khung pháp lý có thể áp dụng đối với mọi giao dịch mua bán hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa được sản xuất nhằm mục đích bán lại. Mục đích của Hợp đồng mẫu của ICC là đơn giản hóa quá trình soạn thảo hợp đồng cũng như giải quyết các tranh chấp liên quan. Qua nghiên cứu của các chuyên gia, với sự ảnh hưởng và uy tín của ICC đối với các doanh nghiệp, các hợp đồng mẫu này đã được tham khảo và sử dụng rất rộng rãi trong mua bán hàng hóa quốc tế. Hầu hết các vặn phòng tư vấn luật và các luật chuyên gia pháp lý trong các doanh nghiệp đều có mẫu hợp đồng này của ICC để tham khảo và tư vấn cho doanh nghiệp. Điều này là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy việc áp dụng CISG tại các doanh nghiệp.