Các lợi thế của hàng hóa Đức tại Việt Nam

Việt Nam là thị trường lớn và nhu cầu đối với hàng hóa (nguyên liệu, thành phẩm) chất lượng cao ngày càng gia tăng:

Việt Nam một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất châu Á: Dân số của Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới (Ngân hàng Thế giới, 2021);

Thu nhập của người Việt Nam đang tăng nhanh: Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2020 GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.786 USD, tăng lên hơn 2 lần so với mức 1.318 USD vào năm 2010. Thu nhập tăng cũng kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng. Đáng chú ý, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang hình thành và ngày càng gia tăng - năm 2020 tầng lớp này của Việt Nam vào khoảng 13 triệu người. Tầng lớp này có tập quán mua sắm hiện đại và nhu cầu cao đối với các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu trong đó có Đức;

Hành vi của người tiêu dùng Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể, chuyển ưu tiên từ giá sang nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm: Nếu như trước đây, người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ dựa trên yếu tố giá rẻ nhất thì ngày nay người tiêu dùng Việt lại có xu hướng tìm hiểu và lựa chọn kỹ hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Theo một Báo cáo của Nielsen Việt Nam năm 2018, đa số (80 - 90%) người tiêu dùng được khảo sát khẳng định nguồn gốc của hàng hóa là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ so với các yếu tố khác. Đặc biệt đối với thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm chăm sóc cơ thể, người Việt có xu hướng ưa chuộng hàng hóa chất lượng cao, hàng nhập khẩu, đặc biệt từ nguồn các nước phát triển:

o Thực phẩm: hàng cao cấp đóng góp 20% doanh số của ngành thực phẩm, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm;

o Đồ uống: đồ uống cao cấp dù chỉ đóng góp 3% vào tổng doanh số nhưng mức tăng trưởng trung bình đạt đến khoảng 103%/năm;

o Hàng chăm sóc cơ thể: hàng cao cấp chiếm khoảng 23%, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 22%. Đặc biệt, nhu cầu đối với dược phẩm chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng ngày càng gia tăng do thu nhập càng tăng thì người tiêu dùng càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

- Nhu cầu nguyên liệu, máy móc chất lượng cao phục vụ sản xuất/xuất khẩu gia tăng: Với tốc độ tăng trưởng mạnh của sản xuất, xuất khẩu, nhu cầu đối với máy móc thiết bị và nguyên liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam ngày càng gia tăng. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… đều là những ngành nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu và máy móc thiết bị và công nghệ của nước ngoài. Do yêu cầu của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi nguồn đầu vào trong sản xuất phải ngày càng chất lượng hơn, dẫn đến nhu cầu đặc biệt cao đối với các khu vực nhập khẩu có công nghệ nguồn, công nghệ xanh, sạch, chất lượng. Hơn nữa, nếu hàng hóa xuất khẩu sang EU và muốn được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA thì phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định về hàm lượng giá trị nội khối, khi đó nhu cầu nhập khẩu đầu vào từ Đức và các nước thành viên EU khác của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng.

Trong khi đó:

- Đức là một trong những nước phát triển và xuất khẩu lớn nhất thế giới: Năm 2020, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và lớn thứ 4 thế giới. Nước này cũng chiếm vị thế xuất khẩu số 1 châu Âu và thứ 3 thế giới. Hơn nữa, Đức từ lâu đã nổi tiếng với rất nhiều hàng hóa chất lượng tốt, bền đẹp, nhiều thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng;

- Đức có thế mạnh sản xuất nhiều loại máy móc thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất: Đức là quốc gia luôn đi tiên phong thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch…. Đây cũng là nhóm sản phẩm mà Việt Nam đang ngày càng có nhu cầu cao để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sản xuất xuất khẩu;

- Đức nổi tiếng với nhiều thương hiệu tiêu dùng uy tín: Không chỉ nổi danh với ngành cơ khí hiện đại, các sản phẩm tiêu dùng của Đức như ô tô, thiết bị gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm… cũng được biết đến và ưa chuộng bởi người tiêu dùng thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, ngành dược phẩm của Đức rất phát triển, dẫn đầu châu Âu và thế giới, là nước đi tiên phong trong phát minh sáng chế và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất dược phẩm. 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập