Các đối thủ cạnh tranh chính của hàng hóa Đức tại Việt Nam

Là một trong những nền kinh tế mở nhất trong khu vực ASEAN và thế giới, thị trường Việt Nam hiện đang có sự hiện diện và cạnh tranh khốc liệt của nhiều đối thủ cạnh tranh đến từ nhiều nước và khu vực khác nhau. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh phổ biến và chiếm ưu thế vẫn là từ khu vực châu Á, đặc biệt là Đông và Nam Á, trong đó phải kể đến là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và các nước ASEAN. Đây là các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam vì:

-    Có vị trí địa lý gần Việt Nam hơn các thị trường khác như Đức và các nước châu Âu nên chi phí vận chuyển thấp giúp giá thành cạnh tranh hơn;

-    Đã có FTA có hiệu lực từ lâu với Việt Nam (Bảng 14) nên hàng hóa đã được miễn hoặc giảm thuế quan so với các nước chưa có FTA với Việt Nam như Đức trước khi EVFTA có hiệu lực;

-    Có nhiều sản phẩm giá cả phải chăng hơn các thị trường nhập khẩu phát triển như Đức.

Bảng: Các FTA và đối tác FTA của Việt Nam

STT

FTA

Thời gian

Đối tác

FTA đã có hiệu lực

1

AFTA

Có hiệu lực từ 1993

ASEAN

2

ACFTA

Có hiệu lực từ 2003

ASEAN, Trung Quốc

3

AKFTA

Có hiệu lực từ 2007

ASEAN, Hàn Quốc

4

AJCEP

Có hiệu lực từ 2008

ASEAN, Nhật Bản

5

VJEPA

Có hiệu lực từ 2009

Việt Nam, Nhật Bản

6

AIFTA

Có hiệu lực từ 2010

ASEAN, Ấn Độ

7

AANZFTA

Có hiệu lực từ 2010

ASEAN, Australia, New Zealand

8

VCFTA

Có hiệu lực từ 2014

Việt Nam, Chi Lê

9

VKFTA

Có hiệu lực từ 2015

Việt Nam, Hàn Quốc

10

Việt Nam – EAEU FTA

Có hiệu lực từ 2016

Việt Nam, Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan

11

CPTPP

Có hiệu lực từ 2019

Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia

12

AHKFTA

Có hiệu lực từ 2019

ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc)

13

EVFTA

Có hiệu lực từ 01/08/2020

Việt Nam, EU (27 thành viên)

14

UKVFTA

Có hiệu lực từ 01/05/2021

Việt Nam, Vương Quốc Anh

15

RCEP

Có hiệu lực từ 01/01/2022

ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand

FTA đang đàm phán

16

Việt Nam – EFTA FTA

Khởi động đàm phán tháng 05/2012

Việt Nam, EFTA (Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein)

17

Việt Nam – Israel FTA

Khởi động đàm phán tháng 12/2015

Việt Nam, Israel

 

Bảng dưới đây liệt kê tốp 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam cho mỗi nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đức sang Việt Nam. Có thể thấy, chỉ với nhóm hàng Dược phẩm Đức lọt vào trong tốp này và đứng vị trí tương đối (thứ 2), còn lại các sản phẩm của Đức đều chưa chiếm được thị phần ưu thế trong tổng nhập khẩu vào Việt Nam. 

Bảng: Các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của hàng hóa Đức tại Việt Nam

STT

Sản phẩm

Top 5 nước Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm này

1

Chương 84: Máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa

2

Chương 85: Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Nhật Bản, Mỹ

3

Chương 30: Dược phẩm

Pháp, Đức, Mỹ, Ấn Độ, Ý

4

Chương 90: Dụng cụ và thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng

Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Bắc Trung Hoa, Mỹ

5

Chương 39: Plastic và các sản phẩm bằng plastic

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Nhật Bản, Ả rập Saudi

6

Chương 38: Các sản phẩm hóa chất khác

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Mỹ, Nhật Bản

7

Chương 87: Xe trừ phương tiện chạy trên đường sắt hoặc đường tàu điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng.

Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản

8

Chương 73: Các sản phẩm bằng sắt hoặc thép

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa

9

Chương 29: Hóa chất hữu cơ

Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore

10

Chương 32: Các chất chiết xuất làm thuốc nhuộm hoặc thuộc da; ta nanh và các chất dẫn xuất của chúng; thuốc nhuộm, thuốc màu và các chất màu khác; sơn và véc ni; chất gắn và các loại ma tít khác; các loại mực

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ

Nguồn: ITC Trademap, 2021

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng chuyển sang các thị trường nhập khẩu mới nhằm:

Đa dạng hóa thị trường: việc quá phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định sẽ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề khi có biến động bất lợi tại thị trường đó;

Đa dạng hóa chủng loại hàng hóa: việc mở rộng các thị trường nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao hơn mà giá cả phải chăng để giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn;

Tối ưu hóa chi phí đầu vào, tăng năng suất: Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm các thị trường mới có nguồn nhiên liệu dồi dào, có nguồn công nghệ cao, máy móc thiết bị hiện đại nhằm nhập khẩu nguyên nhiên liệu và máy móc phục vụ sản xuất nhằm tối ưu hóa chi phí đầu vào và tăng năng suất; 

Thỏa mãn nhu cầu gia tăng hàng hóa chất lượng cao: Người tiêu dùng Việt Nam có mức sống ngày càng được cải thiện, đặc biệt là bộ phận dân cư thành thị, nên có nhu cầu ngày càng cao với các sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Với xu hướng này, các đối tác FTA mới của Việt Nam với công nghệ hiện đại và hàng hóa chất lượng cao như Đức và các nước EU sẽ có cơ hội lớn để tăng thị phần tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập