Các kênh nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

Các nhà xuất khẩu của Đức có thể tiếp cận thị trường Việt Nam qua các kênh sau:

-    Qua đối tác nhập khẩu Việt Nam: Đối tác nhập khẩu có thể là các đơn vị mua hàng để sử dụng trực tiếp (chủ yếu đối với các hàng hóa là nguyên nhiên liệu), hoặc đại lý trung gian nhập khẩu hàng hóa rồi phân phối lại cho các cửa hàng, siêu thị, các công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh có nhu cầu (chủ yếu đối với hàng hóa là máy móc thiết bị hoặc hàng tiêu dùng). Đây là hình thức nhập khẩu phổ biến vào thị trường Việt Nam. 

Để xuất khẩu theo hình thức này thì nhà cung cấp hàng hóa Đức phải tìm hiểu hệ thống phân phối tại Việt Nam đối với hàng hóa của mình và tìm kiếm các nhà nhập khẩu tiềm năng cũng như đặc điểm và nhu cầu của họ. Các nhà nhập khẩu Việt Nam thường quan tâm cao về giá cả. Họ thường tìm hiểu và so sánh giá của các nguồn nhập khẩu khác nhau trước khi quyết định mua hàng. Tuy nhiên, do người mua hàng Việt Nam ngày càng có nhu cầu cao đối với sản phẩm chất lượng (để phục vụ sản xuất xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, hoặc để tiêu dùng cá nhân) nên chất lượng cũng là một yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng. Trong việc xem xét chất lượng hàng hóa thì yếu tố nguồn gốc của sản phẩm rất được coi trọng. Các sản phẩm được sản xuất hoặc có thương hiệu từ các quốc gia phát triển sẽ được yêu thích hơn.

-    Qua hiện diện thương mại tại Việt Nam: Công ty của Đức thiết lập một hiện diện thương mại tại Việt Nam để thực hiện chức năng nhập khẩu hàng hóa trực tiếp từ Đức và phân phối cho các đại lý, cửa hàng, hoặc người tiêu dùng Việt Nam. Hình thức này chủ yếu áp dụng đối với các công ty muốn xuất khẩu với số lượng lớn và phát triển lâu dài ở thị trường Việt Nam do thủ tục thành lập hiện diện thương mại sẽ mất thời gian và chi phí. Các công ty của Đức có thể thành lập liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để nhập khẩu và phân phối hàng hóa (bán buôn, bán lẻ) tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chưa cho phép các nhà phân phối Đức được phân phối 7 loại sản phẩm sau: Dầu, mỡ bôi trơn (ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp FDI tự sản xuất và phân phối sản phẩm của mình); Gạo; Đường; Vật phẩm đã ghi hình; Sách, báo và tạp chí.

-    Qua biên giới: Các nhà cung cấp hàng hóa Đức có thể bán trực tiếp (qua biên giới) cho người tiêu dùng Việt thông qua các phương thức thương mại điện tử. Hình thức này bắt đầu phổ biến ở Việt Nam khi các kênh thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee…. bắt đầu bán hàng quốc tế cho phép người mua có thể mua hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp nước ngoài và vận chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên, theo cam kết EVFTA, Việt Nam chỉ cho phép các nhà cung cấp hàng hóa của Đức bán hàng qua biên giới cho người tiêu dùng Việt Nam vì mục đích tiêu dùng cá nhân mà không mua để bán lại hoặc cho mục đích kinh doanh khác (trừ các chương trình phần mềm vi tính – có thể cho cả mục đích cá nhân và thương mại), và chưa cam kết cho phân phối các hàng hóa sau: Thuốc lá và xì gà; Ấn phẩm (sách, báo và tạp chí); Vật phẩm đã ghi hình; Kim loại quý và đá quý; Dược phẩm (không bao gồm các sản phẩm bổ dưỡng phi dược phẩm dưới dạng viên nén, con nhộng hoặc bột); Thuốc nổ; Dầu thô và dầu đã qua xử lý; Đường mía và đường củ cải.

Mặc dù hình thức này đơn giản và tiết kiệm chi phí cho các nhà cung cấp hàng hóa Đức nhưng số lượng bán không được nhiều và chỉ áp dụng cho các sản phẩm tiêu dùng.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập