Đặc điểm người tiêu dùng Việt Nam

Thu nhập của người Việt tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình so với khu vực và thấp so với thế giới, đây là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Thêm vào đó, với khoảng 65% dân số ở nông thôn và chỉ 35% dân số thành thị, giá cả vẫn là yếu tố quan trọng trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng Việt. Chính vì thế, hàng hóa nhập khẩu phổ biến trên thị trường Việt Nam vẫn là hàng Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước châu Á khác với giá cả cạnh tranh, phù hợp với khả năng tài chính của người tiêu dùng Việt. Hơn nữa khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và các nước này tương đối gần, dẫn đến chi phí vận chuyển thấp mà đây lại yếu tố quan trọng giúp giảm giá thành sản phẩm. 

Tuy nhiên, trên thực tế, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày càng gia tăng cùng với tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt, các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao từ các nước châu Âu, châu Mỹ đang ngày càng được quan tâm. Ngoài ra, sự phổ biến của mạng internet cùng với sự phát triển của thương mại điện tử đã giúp người tiêu dùng ngày càng hiểu biết nhiều hơn về các sản phẩm có thương hiệu của nước ngoài. 

Trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng đẩy mạnh việc đàm phán và ký kết thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng quan hệ đối tác với quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó đáng chú ý phải kể đến Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP… Như vậy, với các cam kết về cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường trong các FTA, cùng với sự phát triển của lĩnh vực vận tải, logistics giúp giảm chi phí vận chuyển… đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu từ các khu vực địa lý xa xôi, hiện nay có thể dễ dàng tiếp cận thị trường hàng hóa Việt Nam hơn.

Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng “thông minh” và kỹ tính hơn trong việc mua sắm, đặc biệt đối với các sản phẩm giá thành cao. Thời đại internet và mạng xã hội phát triển khiến cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin về sản phẩm, do đó họ sẽ dễ dàng so sánh giá cả và đánh giá về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Thêm vào đó, người Việt cũng thường rất quan tâm đến nguồn gốc của hàng hóa, họ có xu hướng tin tưởng về chất lượng sản phẩm của một số thị trường nhập khẩu (như châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…) nhiều hơn so với các thị trường khác (Trung Quốc…) và so với hàng nội địa. Các mặt hàng người tiêu dùng Việt Nam đặc biệt quan tâm về chất lượng và thường ưa chuộng sản phẩm ngoại nhập từ các nước phát triển là: thực phẩm dành cho trẻ em, thực phẩm chức năng, thuốc và mỹ phẩm, ô tô, một số hàng hóa xa xỉ (đồng hồ, trang sức...).

Mặc dù các kênh mua sắm truyền thống như chợ, siêu thị, các cửa hàng tạp hóa, trung tâm thương mại… vẫn phổ biến, nhưng người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưa chuộng và sử dụng ngày càng nhiều nền tảng thương mại điện tử. Theo một khảo sát thực tế, hiện có tới 80% người tiêu dùng đã từng mua sắm trực tuyến với các mặt hàng mua sắm phổ biến nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm (BCSI, 2020). Các kênh mua sắm phổ biến có thể kể tới đó là các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… Ngoài ra, mua sắm trực tuyến qua các mạng xã hội như Facebook, Messenger, Zalo… cũng xuất hiện ngày càng nhiều. 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập