Thuận lợi của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Đức
Đức là thị trường xuất khẩu chính tại khu vực châu Âu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ… Dù đa phần những sản phẩm này chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức đang có xu hướng gia tăng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có được vị thế nhất định tại thị trường này.
Trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi như sau:
1. Số lượng người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đức ngày càng tăng trong những năm gần đây. Lượng người tiêu dùng này có xu hướng sử dụng nhiều các sản phẩm châu Á, trong đó có sản phẩm của Việt Nam;
2. Người tiêu dùng của Đức cũng ngày một cởi mở hơn trong việc sử dụng các sản phẩm châu Á nói chung và từ Việt Nam nói riêng. Họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu sử dụng như đồ gỗ, may mặc, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới…;
3. Các sản phẩm Việt có chất lượng ngày càng cao và đang dần chinh phục được các thị trường khó tính trong đó có thị trường EU nói chung và Đức nói riêng... Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư bài bản và dài hạn cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn cao để xuất khẩu đi các thị trường phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Việt Nam cũng đang chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao vào các ngành nhiều tiềm năng nhưng công nghệ còn lạc hậu như rau củ quả, thủy hải sản… để nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu;
4. Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, …) đã có FTA với EU, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác trong khu vực khi được hưởng ưu đãi thuế quan cũng như các lợi thế khác từ Hiệp định EVFTA. Hơn nữa, với việc Việt Nam thực thi các cam kết về lao động, môi trường và phát triển bền vững trong EVFTA (vốn được thiết kế theo chuẩn EU), hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thể tránh được phần nào các nguy cơ/rủi ro từ góc độ người tiêu dùng EU (ví dụ các chiến dịch tẩy chay sử dụng sản phẩm được sản xuất bởi người lao động trong môi trường không bảo đảm tiêu chuẩn, hoặc bị bóc lột…);
5. Dưới những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng bị sụt giảm. Điều này dẫn tới nhu cầu đối với các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn từ các nước đang phát triển như Việt Nam gia tăng, đặc biệt đối với các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, quần áo, giày dép…Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh sản xuất các sản phẩm này, giá cả thường thấp hơn từ các nước phát triển, lại thêm lợi thế về thuế quan nhờ EVFTA, do đó sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng thị phần ở Đức.
Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập