Khó khăn của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Đức

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức sẽ gặp những khó khăn chính sau:

1. Các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nhập khẩu khác của Đức/EU rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam. Các chế tài xử phạt đối với việc vi phạm các quy định nhập khẩu cũng rất nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của Đức có nguy cơ buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu tần suất vi phạm cao (một vài lần trong một khoảng thời gian nhất định), nước nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp kiểm soát chặt hoặc xử lý nghiêm khắc (tăng tần suất, tỷ lệ kiểm tra, cấm nhập khẩu một thời gian…);

2. Người tiêu dùng Đức có yêu cầu rất cao về chất lượng, hình thức, thương hiệu, uy tín…của sản phẩm nhập khẩu. Những yêu cầu này thường cao hơn nhiều so với người tiêu dùng ở nhiều nước xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, và thậm chí cả một số thành viên EU khác. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam còn chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất về chất lượng, thường hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại, và ít chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu… Ngoài ra, người dân Đức ngày càng quan tâm đến tiêu dùng bền vững, lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động…. Vì vậy, các nhà nhập khẩu Đức thường yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải có thêm các chứng nhận/chứng chỉ (mà không phải là quy định nhập khẩu bắt buộc) như một số chứng nhận về an toàn thực phẩm, chứng chỉ xã hội, nhãn xanh, nhãn sinh thái… Những yêu cầu này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải mất thêm thời gian và chi phí đáp ứng, do đó cũng giảm mức độ quan tâm với thị trường Đức;

3. Đức có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cao dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Đức. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các chi phí vận tải và logistics tăng cao khiến xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trưởng ở xa như Đức bị ảnh hưởng đáng kể;

4. Mức độ cạnh tranh tại thị trường Đức hiện tương đối cao. Tính đến nay, EU đã có tổng cộng 42 FTA đã có hiệu lực với 79 đối tác, và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Đức tới thời điểm hiện tại. Trung Quốc và nhiều quốc gia đang được hưởng ưu đãi thuế quan ở EU lại có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tương tự Việt Nam, dẫn tới mức độ cạnh tranh cao.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập