Các kênh nhập khẩu hàng hóa của Đức
Hàng hóa nhập khẩu có thể tiếp cận thị trường Đức qua nhiều kênh khác nhau phụ thuộc vào từng loại sản phẩm, các cân nhắc về tài chính cũng như các yếu tố khác như quy mô thị trường, nhu cầu và tiềm năng bán hàng trong dài hạn…
Sau đây là một số kênh nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Đức phổ biến:
- Qua hiện diện thương mại tại Đức:
Các công ty nước ngoài thành lập hiện diện thương mại (thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện…) tại Đức để thực hiện việc nhập khẩu, phân phối cho các đại lý, cửa hàng hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Đây là một hình thức hiệu quả để tiếp cận thị trường, tuy nhiên hình thức này phù hợp với các công ty dự đoán được khối lượng bán hàng lớn, xuất khẩu với số lượng nhiều và muốn phát triển lâu dài ở thị trường Đức. Lý do là việc thành lập hiện diện thương mại đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn so với các hình thức khác, thủ tục thành lập cũng mất nhiều thời gian và chi phí hơn.
- Qua đối tác nhập khẩu tại Đức:
Đối tác nhập khẩu có thể là các đơn vị mua hàng để sử dụng trực tiếp cho mình (thiết bị công nghiệp lớn, có giá trị; nguyên nhiên liệu phục vụ cho sản xuất…) hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp.
Các đơn vị chuyên nhập khẩu của Đức chủ yếu là các nhà bán buôn, nhà phân phối, hoặc các đại lý trung gian nhập khẩu hàng hóa để phân phối lại (ví dụ cho các cửa hàng, siêu thị, các đơn vị khác có nhu cầu). Hàng hóa nhập khẩu thông qua các đơn vị nhập khẩu chuyên nghiệp này thường là các máy móc thiết bị nhỏ, vật tư công nghiệp phổ biến và hàng tiêu dùng. Đây là hình thức nhập khẩu chủ yếu vào thị trường Đức.
- Qua kênh mua sắm trực tuyến nước ngoài
Nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài cũng có thể bán hàng trực tiếp cho người mua tại Đức thông qua các kênh thương mại điện tử như: Amazon, eBay… Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến tại Đức để mua sắm hàng hóa quốc tế, tuy nhiên thường chỉ thích hợp với các sản phẩm tiêu dùng.
Tóm lại, các kênh nhập khẩu của Đức khá đa dạng, và có nhiều lựa chọn. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đức có thể cân nhắc các yếu tố liên quan để lựa chọn kênh nhập khẩu cho phù hợp.
Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập