Các yêu cầu của EU đối với sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu

1. Yêu cầu bắt buộc

  • Quy định về gỗ của EU (EUTR): kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của gỗ

Tất cả gỗ nhập khẩu vào EU cần phải đến từ các nguồn hợp pháp có thể kiểm chứng được. EUTR buộc các nhà khai thác phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm của họ. Điều này có nghĩa là khi các nhà cung cấp cung cấp gỗ hợp pháp, nhưng không thể cung cấp các giấy tờ đảm bảo vệ tính hợp pháp, thì họ sẽ không thể cung cấp cho thị trường EU.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập

EUTR là một phần của Kế hoạch Hành động Thực thi luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT). Một phần khác của kế hoạch là Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện (VPA) - đây là các hiệp định thương mại tự nguyện giữa EU và các nước xuất khẩu gỗ. Nếu một quốc gia thực hiện đầy đủ kế hoạch kiểm soát quốc gia của mình, quốc gia đó sẽ nhận được giấy phép FLEGT của Châu Âu và gỗ xuất khẩu từ quốc gia đó được coi là hợp pháp.

Tuy nhiên, lưu ý rằng FLEGT không chứng minh tính bền vững, cũng như không giải quyết nạn phá rừng; chỉ thể hiện tính hợp pháp.

  • An toàn sản phẩm

Chỉ thị An toàn Sản phẩm Chung của EU áp dụng cho tất cả các sản phẩm tiêu dùng. Đối với thành phẩm (ví dụ đồ nội thất) hoặc các bộ phận của thành phẩm, luật cụ thể về sản phẩm có thể áp dụng cho sản phẩm cuối cùng tùy thuộc vào mục đích sử dụng cuối cùng của nó. Do đó, Chỉ thị An toàn Sản phẩm Chung có thể được bổ sung bằng các yêu cầu an toàn hài hòa cho các sản phẩm cụ thể.

  • Dấu CE cho các sản phẩm gỗ được sử dụng trong xây dựng

Gỗ hoặc các sản phẩm gỗ được kết hợp lâu dài vào các công trình xây dựng sẽ phải được đánh dấu CE: điều này áp dụng cho cửa sổ, cửa ra vào, khung, ván sàn và gỗ công nghiệp, cầu thang, gỗ dán nhiều lớp, tấm ván ép, gỗ ốp và gỗ kết cấu.

Dấu hiệu này cho thấy các sản phẩm tuân thủ các yêu cầu hài hòa về độ bền cơ học, độ ổn định, an toàn cháy nổ, vệ sinh, sức khỏe và môi trường. Các nhà sản xuất sản phẩm xây dựng nêu trên phải cung cấp “Tuyên bố về Hiệu suất” (DoP) kể từ tháng 7/2013.

  • Công ước CITES

Trong trường hợp nhà xuất khẩu cung cấp các loài gỗ có nguy cơ tuyệt chủng, sẽ chỉ có thể khai thác và xuất khẩu chúng nếu chúng nằm trong danh sách của Công ước CITES và có giấy phép CITES.

  • Hóa chất trong gỗ: REACH

Chất bảo quản asen, creosote và thủy ngân được sử dụng để ngăn ngừa thối rữa và cải thiện độ bền của gỗ, đặc biệt là được sử dụng trong các vật dụng ngoài trời. Quy định "Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế Hóa chất (REACH)" của Châu Âu không cho phép sử dụng các chất bảo quản này, với một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như gỗ được sử dụng trong lắp đặt công nghiệp hoặc làm tà vẹt đường sắt.

Cũng có những hạn chế đối với gỗ (ví dụ: cửa ra vào, khung cửa sổ và các bộ phận sàn) được xử lý bằng một số loại dầu, vecni keo và sơn mài có thể chứa các chất độc hại. Ví dụ, các sản phẩm đã sơn sẽ không được bán trên thị trường nếu nồng độ cadimi bằng hoặc lớn hơn 0,1% trọng lượng của sơn trên đồ đã sơn.

Việc sử dụng arsen và tất cả các hợp chất đồng mạ crom, bao gồm đồng arsen mạ crom (CCA), đồng Chrome Boron (CCB) và đồng Chrome florua (CCF), trong chất bảo quản gỗ không còn được phép.

  • Bao bì và việc sử dụng logo trên bao bì cho các tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật 15 (ISPM 15)

Tất cả vật liệu đóng gói bằng gỗ sử dụng phải hiển thị logo ISPM 15. Vật liệu đóng gói được cấp phép bao gồm thùng, hộp, thùng phuy và các loại bao bì tương tự, pallet, hộp pallet và các bảng tải khác... Tất cả gỗ được sử dụng trong vật liệu này phải được làm sạch và xử lý nhiệt (HT). Điều này có nghĩa là áp dụng nhiệt độ cốt gỗ tối thiểu là 56 ° C trong thời gian tối thiểu là 30 phút.

Sấy lò (KD), ngâm tẩm áp suất hóa học (CPI) hoặc các phương pháp xử lý khác có thể được coi là các phương pháp xử lý HT, miễn là chúng đáp ứng các thông số kỹ thuật của HT. Ngoài ra, cũng được phép khử trùng bằng metyl bromua (MB) ở nhiệt độ tối thiểu 10°C và thời gian tiếp xúc tối thiểu là 24 giờ.

2. Yêu cầu bổ sung

  • Quản lý rừng bền vững

Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) và Chương trình Chứng chỉ Rừng Châu Âu (PEFC) là hai trong số các Chương trình tự nguyện hiện có mà các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến và kinh doanh gỗ có thể lựa chọn để xin cấp chứng chỉ quản lý rừng và chuỗi hành trình sản phẩm. Những tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở những kiến thức hiện có và các phương thức thực hành tốt nhất về quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới.

  • Trách nhiệm doanh nghiệp

Các công ty nhập khẩu cũng cần phải quan tâm đến các vấn đề khác ngoài nguồn gốc của gỗ. Người tiêu dùng châu Âu ngày càng chú ý nhiều hơn đến trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến những tác động lên xã hội và môi trường của hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn như: tôn trọng quyền của chủ sở hữu đất, kết quả hoạt động môi trường nói chung (ô nhiễm, chất thải...), tôn trọng luật lao động và điều kiện làm việc lành mạnh và an toàn.

  • Nhãn sinh thái cho gỗ

Nhãn sinh thái không chỉ tập trung vào nguồn cung ứng bền vững mà còn tập trung vào các khía cạnh khác của sản phẩm: chế biến (ví dụ: tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải), đóng gói và sử dụng hóa chất. Có một số nhãn sinh thái nhưng nhãn được công nhận rộng rãi nhất là “Nhãn sinh thái (Eco-label)” của Châu Âu, nhãn này có sẵn cho các vật liệu trải sàn và đồ nội thất. Số lượng các sản phẩm được chứng nhận đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng thị trường vẫn còn nhỏ.

  • ISO 14001

Tiêu chuẩn ISO 14001 xem xét nhiều khía cạnh của hoạt động mua sắm, lưu trữ, phân phối, phát triển sản phẩm, sản xuất.... của doanh nghiệp để giảm tác động lên môi trường. ISO được toàn thế giới công nhận là một tổ chức chứng nhận đáng tin cậy, do đó chứng nhận như vậy có thể mang lại hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn với ít chi phí hơn và giảm đáng kể lượng chất thải.

Nguồn: "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức"