Chuẩn bị nhập khẩu hàng hóa vào Đức

Đăng ký số EORI - Số đăng ký và định danh chủ thể kinh doanh

Để thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa ra vào lãnh thổ EU, cá nhân/doanh nghiệp phía EU bắt buộc phải sử dụng số EORI làm mã số định danh (identification number) trong mọi thủ tục hải quan khi trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan. Mỗi chủ thể chỉ được cấp 01 số EORI, có hiệu lực trên toàn lãnh thổ EU. Như vậy, để có thể nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Đức, nhà nhập khẩu phải đăng ký số EORI và phải trích dẫn số EORI trên tờ khai hải quan của mình.

Số EORI được cấp miễn phí bởi Văn phòng Quản lý Dữ liệu Tổng thể của Tổng cục Hải quan Đức tại Dresden (GZD - DO Dresden - Stammdatenmanagement). Tuy nhiên từ ngày 1/10/2019, nhà nhập khẩu có thể đăng ký hoặc thay đổi dữ liệu đã được lưu trữ thông qua Cổng thông tin dành cho người dân và khách hàng doanh nghiệp tại địa chỉ trang web: www.zoll-portal.de.

Thông tin chi tiết về thủ tục yêu cầu cấp số EORI xem tại đường dẫn: https://www.zoll.de/EN/Businesses/Movement-of-goods/Import/Duties-and-taxes/EORI-number/eori-number_node.html

Xác định diện nhập khẩu của hàng hóa

Không phải hàng hóa nào cũng được phép nhập khẩu vào Đức, đồng thời cũng không phải tất cả các loại hàng hóa khi nhập khẩu vào Đức đều có chung một cơ chế nhập khẩu. Trên thực tế, vì nhiều lý do, Đức đặt ra yêu cầu cấm/hạn chế nhập khẩu đối với một số quốc gia, cá nhân/tổ chức và hàng hóa.

Do vậy, trước khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Đức, nhà nhập khẩu cần xác định diện nhập khẩu của hàng hóa của mình để xác định thủ tục tương ứng. Một số hàng hóa bị cấm/hạn chế nhập khẩu, hoặc thuộc diện kiểm soát đặc thù nên các nhà xuất khẩu Việt Nam và nhà nhập khẩu Đức cần đặc biệt chú ý.

Hàng hóa nào nhập khẩu vào Đức bị hạn chế nhập khẩu hoặc thuộc diện kiểm soát đặc thù?

Hàng hóa bị cấm nhập khẩu

Tương tự như các quốc gia khác, EU/Đức cũng cấm nhập khẩu một số hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tính mạng sức khỏe con người, môi trường, văn hóa… Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu vào Đức có thể tham khảo tại: https://crossborder.fedex.com/us/assets/prohibited-restricted/germany/index.shtml. Các hàng hóa thuộc danh mục này sẽ không đươc phép nhập khẩu vào thị trường Đức.

Hàng hóa bị cấm/hạn chế nhập khẩu từ một số quốc gia hoặc tổ chức/cá nhân cụ thể

Vì một số lý do như an ninh hay đối ngoại, Đức có thể thực hiện những biện pháp cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ một số quốc gia nhất định (thường được gọi là cấm vận), hay từ một số tổ chức/cá nhân cụ thể (thường được gọi là biện pháp trừng phạt)

Danh mục các quốc gia bị cấm vận được liệt kê chi tiết tại: https://www.zoll.de/SharedDocs/Boxen/EN/Hintergrund/0016_list_of_embargoed_countries.html?nn=204780&faqCalledDoc=204780. Việt Nam không nằm trong danh sách này.

Danh sách các tổ chức/cá nhân bị áp dụng các biện pháp trừng phạt được quy định chi tiết tại: https://www.zoll.de/SharedDocs/Boxen/EN/Hintergrund/0017_list_of_individuals_and_organisations.html?nn=205762&faqCalledDoc=205762. Hiện tại, không có tổ chức/cá nhân nào của Việt Nam nằm trong danh sách này.

Hàng hóa thuộc diện bị kiểm soát đặc thù (kiểm tra chuyên ngành, giấy phép nhập khẩu…)

Hàng hóa nhập khẩu vào Đức tùy từng loại khác nhau có thể bị kiểm soát dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn:

  • Các sản phẩm rau quả: cần kiểm tra việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật và tạp chất, cần có giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về ghi nhãn mác…
  • Các sản phẩm thủy sản: cần kiểm tra việc tuân thủ mức dư lượng thuốc kháng sinh, dư lượng thuốc diệt khuẩn, dư lượng tạp chất đối với thủy sản, kiểm tra đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn, cần có giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm tra việc thủy sản phải được đánh bắt hợp pháp…
  • Các sản phẩm dệt may: cần kiểm tra an toàn sản phẩm đảm bảo đáp ứng Chỉ thị an toàn sản phẩm chung (GPSD), kiểm tra việc đáp ứng quy định về các hóa chất bị hạn chế sử dụng trong sản xuất hàng dệt may, kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về ghi nhãn… và với một số nhóm hàng cụ thể (quần áo trẻ em, quần áo bảo hộ…) kiểm tra việc tuân thủ các quy định bổ sung với các nhóm hàng này.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các quy định và yêu cầu nhập khẩu cụ thể đối với hàng hóa của mình để đáp ứng và có các giấy chứng nhận liên quan khi xuất khẩu sang Đức, qua đó nhà nhập khẩu có thể hoàn tất các thủ tục nhập khẩu liên quan.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập