Các yêu cầu của EU đối với sản phẩm giày dép nhập khẩu
1. Yêu cầu bắt buộc
- An toàn sản phẩm
Chỉ thị an toàn sản phẩm chung (The General Product Safety Directive) về cơ bản quy định rằng tất cả các sản phẩm được bán trên thị trường ở Châu Âu phải an toàn khi sử dụng. Nếu không có yêu cầu pháp lý cụ thể nào được thiết lập cho sản phẩm, thì Chỉ thị an toàn sản phẩm chung vẫn được áp dụng.
Nếu các yêu cầu cụ thể được áp dụng, Chỉ thị an toàn sản phẩm chung sẽ được áp dụng bổ sung, bao gồm tất cả các khía cạnh an toàn có thể chưa được mô tả cụ thể.
- Hóa chất - các chất bị hạn chế
Có những hạn chế đối với một số lượng lớn các hóa chất được bán ở Châu Âu, vì chúng có thể gây nguy hiểm cho con người hoặc môi trường. Những hạn chế này được coi là những yêu cầu pháp lý khó khăn nhất. Giày dép thường bao gồm các bộ phận nhỏ bằng các vật liệu khác nhau và khối lượng thường không lớn lắm, so với ngành may mặc, vốn phải đối mặt với những yêu cầu tương tự. Điều này khiến các nhà sản xuất khó đảm bảo rằng tất cả các bộ phận đều tuân thủ các hạn chế đã đặt ra.
Hầu hết các hạn chế được liệt kê trong quy định về Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế Hóa chất (REACH) (Quy định EC 1907/2006).
Ví dụ về những chất hạn chế trong giày dép:
- Thuốc nhuộm azo (Da thuộc và dệt may): nếu sử dụng da nhuộm, phải đảm bảo sản phẩm không chứa bất kỳ thuốc nhuộm azo nào giải phóng bất kỳ loại nào trong số 22 amin thơm bị cấm.
- Chromium VI (Crom hóa trị 6?) (da): việc sử dụng Chromium VI bị hạn chế ở Châu Âu kể từ ngày 1/5/2015.
- Các hợp chất hữu cơ (đặc biệt là các bộ phận làm bằng polyvinyl clorua hoặc PVC): Việc sử dụng các hợp chất organotin, các hợp chất Dioctyltin (DOT) và các hợp chất Dibutyltin (DBT) bị hạn chế vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, ức chế hệ thống miễn dịch hoặc gây hại cho sinh sản.
- PVC cũng chứa các hóa chất khác cho mục đích ổn định hoặc làm dẻo, chẳng hạn như chì hoặc phthalates. Những chất này thường bị hạn chế. Mặc dù bản thân PVC không bị cấm, một số công ty đã tự nguyện quyết định loại bỏ PVC trong các sản phẩm của họ.
- Perfluorooctane sulphonate (PFOS) là một chất được sử dụng để làm da (và hàng dệt may) có khả năng chống nước và bụi bẩn. Nó là một chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và việc sử dụng bị hạn chế ở Châu Âu theo Quy định (EC) số 850/2004 (Công ước Stockholm). Giới hạn tối đa cho PFOS là 1 µg / mét vuông.
- Ghi nhãn giày dép
Tất cả giày dép phải có nhãn ghi thông tin về các chất liệu chính được sử dụng trong giày. Việc ghi nhãn phải mô tả chất liệu của ba phần chính của giày dép (phần trên, lớp lót và tất và đế ngoài). Đối với mỗi loại này, nhãn phải cho biết chất liệu là “da thuộc”, “da tráng”, “dệt” hay “khác”. Có thể cung cấp thông tin này bằng chữ hoặc bằng các ký hiệu.
- Sản phẩm từ động thực vật hoang dã
Nếu giày dép sử dụng vật liệu (một phần) làm từ động thực vật hoang dã - ví dụ: ủng làm bằng da cá sấu - cần đảm bảo rằng sản phẩm tuân thủ các yêu cầu của Công ước CITES. Châu Âu đã thực hiện các yêu cầu này trong Quy định 338/97 của mình (https://ec.europa.eu/environment/cites/legislation_en.htm).
Quy định bao gồm danh sách các loài bị hạn chế (gồm cả các sản phẩm của chúng) và các thủ tục đặc biệt nếu có. Châu Âu có luật riêng về kinh doanh các sản phẩm hải cẩu, chẳng hạn như lông hải cẩu.
- Giày bảo hộ và Dấu CE
Giày bảo hộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đặt ra cho thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Giày an toàn phải được kiểm tra theo các tiêu chuẩn này và có dấu CE. Dấu CE là bắt buộc đối với một số sản phẩm được bán ở Châu Âu.
- Quyền sở hữu trí tuệ
Nếu bán bộ sưu tập của riêng mình cho người tiêu dùng ở Châu Âu, phải đảm bảo rằng, sản phẩm không vi phạm bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ (IP) nào. Các quyền này có thể áp dụng cho thiết kế của sản phẩm, cũng như bất kỳ nhãn hiệu hoặc hình ảnh nào được sử dụng.
2. Yêu cầu bổ sung
- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Các khía cạnh xã hội, chẳng hạn như quyền lao động cơ bản đã trở thành một vấn đề bền vững chính trong ngành giày dép. Một yêu cầu phổ biến liên quan đến việc ký quy tắc ứng xử của nhà cung cấp là tuyên bố doanh nghiệp tiến hành các hoạt động của mình một cách có trách nhiệm (ví dụ: tôn trọng luật lao động và môi trường địa phương và tránh tham nhũng).
- Lương công bằng
Tiền lương là mối quan tâm ngày càng lớn trong ngành giày dép cũng như trong các ngành liên quan khác, chẳng hạn như thời trang. Một số sáng kiến tập trung vào mức lương công bằng cho người lao động đã được đưa ra. Chúng không nhắm vào mức lương tối thiểu, mà nhắm đến mức ‘lương công bằng’. Mức lương công bằng thường được xác định trên cơ sở những gì người lao động phải bỏ ra để được hưởng mức sống khá. Ngày càng có nhiều tổ chức tham gia nỗ lực này, họ muốn có thể đảm bảo rằng những người tham gia vào quá trình sản xuất kiếm được mức lương đáp ứng nhu cầu chi tiêu cơ bản.
- Cải thiện điều kiện làm việc
Người lao động và điều kiện làm việc của họ cũng đang được chú ý trong ngành công nghiệp da giày.
- Lao động trẻ em
Đối với hầu hết người mua châu Âu, lao động trẻ em là không thể chấp nhận và không thể thương lượng. Nếu doanh nghiệp thuê trẻ em, rất khó nhận được đơn đặt hàng từ châu Âu.
- Nhãn sinh thái
Có một số nhãn sinh thái khác nhau đề cập đến các vấn đề môi trường. Hầu hết trong số đó tập trung vào các chất liệu cụ thể (dệt, da, bông), không phải trên toàn bộ giày. Tiêu chuẩn dệt hữu cơ toàn cầu (GOTS) và chương trình Naturland của Đức là những ví dụ về tiêu chuẩn xử lý dệt cho sợi hữu cơ.
Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập