Tình hình xuất khẩu hàng hóa Đức sang Việt Nam?

Câu hỏi: Tình hình xuất khẩu hàng hóa Đức sang Việt Nam? 

Trả lời:

Kim ngạch

Theo số liệu của ITC TradeMap, năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Đức sang Việt Nam là 3,4 tỷ USD, chỉ chiếm 0,25% tổng xuất khẩu của Đức ra thế giới. 

Từ góc độ của Việt Nam, số liệu từ Tổng cục Hải quan ghi nhận Việt Nam nhập khẩu từ Đức năm 2020 là 3,35 tỷ USD. Mặc dù, chỉ chiếm 1,27% thị phần nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thế giới, nhưng nhập khẩu từ Đức lại chiếm 22,85% lượng hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường EU, đứng thứ 2 sau Ireland (các năm trước đó Đức đều đứng thứ nhất).

Trong giai đoạn 2010-2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Đức đã tăng gần gấp đôi, từ 1,74 tỷ USD vào năm 2010 lên đến 3,35 tỷ USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trung bình giai đoạn này là 7,93%/năm. 

Mặc dù nhập khẩu hàng hóa từ Đức của Việt Nam có xu hướng gia tăng nhưng không ổn định, lên xuống liên tục trong giai đoạn 2010-2020. Đặc biệt hai năm 2019 và 2020, kim ngạch nhập khẩu từ Đức sụt giảm mạnh, khiến Đức đánh mất vị thế nước EU xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam vào tay Ireland vào năm 2020. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có thể kể đến những biến động của thị trường thế giới, tác động từ căng thẳng thương mại giữa một số quốc gia và khu vực, hay việc Anh rời khỏi EU, và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19.  

Hình: Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá Đức của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020

Nguồn: Tổng cục Hải quan, 2021

Với việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA từ ngày 01/08/2020, xuất khẩu từ Đức sang Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trên thực tế, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa từ Đức của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021 đã đạt 3,16 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu tích cực mà EVFTA mang lại trong việc thúc đầy xuất khẩu hàng hóa của Đức sang Việt Nam, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. 

Sản phẩm

Các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Đức chủ yếu là các nguyên nhiên liệu và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất như máy móc thiết bị cơ khí; máy móc thiết bị điện tử; sắt thép, hóa chất, thuốc nhuộm… Ngoài ra Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều từ Đức các sản phẩm tiêu dùng như dược phẩm, thiết bị y tế, các sản phẩm nhựa, hay xe và phụ kiện… Các sản phẩm kể trên, đa phần cũng là các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Đức và cũng là các sản phẩm Việt Nam có nhu cầu cao nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, xuất khẩu.

Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu các sản phẩm này của Việt Nam từ Đức trong tổng nhập khẩu từ thế giới còn tương đối thấp, thường dưới 5% (đa số 1-2%), ngoại trừ dược phẩm có tỷ trọng tương đối, ở mức 11,67%. Điều này cũng cho thấy các sản phẩm của Đức vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng thị phần tại Việt Nam đặc biệt với động lực từ EVFTA. Hơn nữa, hàng hóa Đức từ lâu đã được người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã, khi thu nhập của người Việt Nam tăng lên thì nhu cầu với các sản phẩm chất lượng cao cũng gia tăng, và các thương hiệu nổi tiếng của Đức sẽ có cơ hội gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. 

Bảng: Tốp 10 sản phẩm nhập khẩu lớn nhất từ Đức của Việt Nam năm 2020

STT

Sản phẩm

Giá trị nhập khẩu năm 2020 (triệu USD)

Tỷ trọng trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới

1

Chương 84: Máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

               765,64

3,55%

2

Chương 85: Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

               557,67

0,58%

3

Chương 30: Dược phẩm

               414,81

11,67%

4

Chương 90: Dụng cụ và thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng

               378,43

4,49%

5

Chương 39: Plastic và các sản phẩm bằng plastic

               192,38

1,21%

6

Chương 38: Các sản phẩm hóa chất khác

               134,05

4,52%

7

Chương 87: Xe trừ phương tiện chạy trên đường sắt hoặc đường tàu điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng.

               106,09

1,99%

8

Chương 73: Các sản phẩm bằng sắt hoặc thép

                 71,64

1,58%

9

Chương 29: Hóa chất hữu cơ

                 50,79

1,34%

10

Chương 32: Các chất chiết xuất làm thuốc nhuộm hoặc thuộc da; ta nanh và các chất dẫn xuất của chúng; thuốc nhuộm, thuốc màu và các chất màu khác; sơn và véc ni; chất gắn và các loại ma tít khác; các loại mực

                 48,57

2,75%

Nguồn: ITC Trademap, 2021

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI