Cơ hội từ EVFTA cho nhập khẩu hàng hóa từ Đức?

Câu hỏi: Cơ hội từ EVFTA cho nhập khẩu hàng hóa từ Đức? 

Trả lời:

- Cơ hội từ cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường: Đây có lẽ là cơ hội lớn nhất từ EVFTA cho hàng hóa xuất khẩu của Đức sang Việt Nam bởi hiện tại Việt Nam đang áp dụng thuế MFN tương đối cao đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đức. EVFTA cũng là một trong những FTA mà Việt Nam có cam kết cắt giảm thuế tương đối mạnh, mạnh hơn nhiều so với một số FTA trước đây của Việt Nam. Do đó, hàng hóa của Đức vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, qua đó giảm giá thành sản phẩm, bù đắp được các chi phí vận chuyển cao từ nước này sang Việt Nam, và có lợi thế cạnh tranh so với nhiều hàng hóa từ các đối thủ cạnh tranh khác. Các nhóm sản phẩm của Đức được đánh giá là có nhiều lợi thế từ cắt giảm thuế quan theo EVFTA là: xe cộ, máy móc thiết bị điện, các sản phẩm nhựa, sắt thép, nhiên liệu dầu khoáng, thịt động vật và gia cầm, xúc xích, sữa và các sản phẩm từ sữa.

Ngoài ra, Việt Nam cũng mở cửa thị trường mua sắm công cho nhiều gói thầu hàng hóa của nhiều đơn vị mua sắm công (các đơn vị thuộc 20 Bộ ngành, 2 thành phố, 34 bệnh viện…), giúp cho các nhà thầu của Đức có cơ hội tiếp cận thị trường này để cung cấp hàng hóa cho các gói thầu mua sắm công của Việt Nam. 

- Cơ hội từ việc giảm thiểu các rào cản phi thuế quan: Trong EVFTA, Việt Nam có nhiều cam kết liên quan đến cải cách hải quan và thuận lợi hóa thương mại, áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, các biện pháp kỹ thuật đối với thương mại, PVTM… tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn của EVFTA. Các cam kết này sẽ giúp hạn chế các rào cản không cần thiết đối với thương mại giữa Việt Nam và Đức.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu tương đối “dễ tính” đối với hàng hóa nước ngoài, một số các sản phẩm nhập khẩu vẫn là đối tượng của nhiều biện pháp phi thuế quan của Việt Nam như thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, phương tiện vận tải… Ngoài ra, nhiều thủ tục hành chính vẫn còn bất cập, tốn nhiều thời gian và chi phí của các doanh nghiệp. Việc thực hiện EVFTA được kỳ vọng giúp cho hàng hóa của EU nói chung và Đức nói riêng tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn với việc tiết giảm các rào cản phi thuế quan và cải cách thủ tục hải quan.

Vì vậy, tất cả các hàng hóa của Đức khi tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các cam kết tiết giảm các rào cản phi thuế quan của Việt Nam. Trong đó, một số nhóm hàng hóa của Đức sẽ có lợi thế hơn từ những cam kết bổ sung của Việt Nam như:  các sản phẩm phi nông nghiệp (nhờ các cam kết về ghi nhãn EU), các sản phẩm ô tô – xe máy – phụ tùng (nhờ các cam kết về TBT đối với các sản phẩm này), dược phẩm (nhờ các cam kết về tiêu chuẩn và minh bạch hóa), hàng tân trang (nhờ cam kết đối xử hàng tân trang như hàng mới).

- Cơ hội từ các quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao bảo hộ: Đức là một trong những nước có trình độ công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới và sở hữu nhiều nhãn hiệu, sáng chế và các quyền SHTT khác. Do đó, các doanh nghiệp của Đức rất quan tâm đến các vấn đề về bảo hộ SHTT khi tiếp cận các thị trường nước ngoài. Với EVFTA, Việt Nam có nhiều cam kết mạnh mẽ cả về tăng cường bảo hộ các quyền SHTT và các biện pháp thực thi bảo vệ quyền. Đặc biệt, cam kết về Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã công nhận 12 Chỉ dẫn địa lý của Đức giúp cho các sản phẩm này được bảo hộ tự động tại Việt Nam mà không cần thêm thủ tục nào. Các nhóm sản phẩm của Đức sẽ được hưởng lợi nhiều từ các cam kết SHTT của Việt Nam trong EVFTA là: dược phẩm, rượu bia và đồ uống,  

- Cơ hội từ cắt giảm chi phí do môi trường kinh doanh, pháp lý được cải thiện: Xuyên suốt EVFTA là các cam kết của cả Việt Nam và EU nhằm hướng tới tự do hóa, bình đẳng hóa, minh bạch hóa và thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. Về phía Việt Nam, các cam kết này sẽ giúp cho môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý của Việt Nam ngày càng thuận lợi hơn, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Từ đó hàng hóa của Đức khi vào Việt Nam, dù thông qua các hoạt động nhập khẩu, hay thiết lập văn phòng đại diện/giới thiệu sản phẩm, hay thông qua các gói thầu mua sắm công… đều sẽ được tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn.

Cơ hội EVFTA đối với các sản phẩm Dược phẩm của Đức

Đức là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dược phẩm lớn nhất thế giới. Trong khi đó, theo một Báo cáo của KPMG, thị trường dược phẩm của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua, từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 3,6 tỷ USD năm 2018. Nhu cầu nhập khẩu đối với các sản phẩm này cũng đã tăng 43% từ 2,3 tỷ USD năm 2015 lên 3,3 tỷ USD năm 2020. Thêm vào đó, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và tầng lớp trung và thượng lưu ngày càng gia tăng tại Việt Nam, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, lựa chọn các sản phẩm dược phẩm có thương hiệu, chất lượng cao cũng tăng theo. Vì vậy, các sản phẩm dược phẩm cao cấp của Đức sẽ có cơ hội lớn tiếp cận thị trường Việt Nam trong thời gian tới nhờ các lợi ích dưới đây từ EVFTA:

  • Lợi ích từ cắt giảm thuế quan: Hiện Việt Nam đang duy trì các mức thuế MFN dao động từ 0% đến 14% (trung bình 2,19%) đối với các sản phẩm dược phẩm. Trong EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ khoảng 63% dòng thuế dược phẩm cho Đức ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm thuế dần dẫn đến xóa bỏ hoàn toàn sau 10 năm.
  • Lợi ích từ các cam kết về tiêu chuẩn và minh bạch: Việt Nam cam kết minh bạch hóa các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, tiêu chí và thủ tục liên quan tới việc định giá, niêm yết giá, bồi hoàn hoặc quản lý dược phẩm. Việt Nam cũng cam kết xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đối với dược phẩm và trang thiết bị y tế dựa trên các tiêu chuẩn, thông lệ và hướng dẫn quốc tế liên quan, trừ trường hợp chứng minh được một cách khoa học là các tiêu chuẩn, thông lệ, hướng dẫn này không phù hợp hoặc không hiệu quả để thực hiện các mục tiêu hợp pháp của mình.
  • Lợi ích từ cam kết cho phép các nhà đầu tư Đức nhập khẩu, xây kho, nghiên cứu và giới thiệu các sản phẩm dược phẩm: Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đức được nhập khẩu dược phẩm nhưng không được tham gia bán buôn hay bán lẻ dược phẩm và chỉ được bán lại cho doanh nghiệp được cấp phép quyền phân phối (bán buôn) dược phẩm ở Việt Nam; các doanh nghiệp này cũng được phép xây dựng kho để bảo quản thuốc nhập khẩu, thực hiện nghiên cứu lâm sàng/kiểm nghiệm để đảm bảo dược phẩm phù hợp với người dân Việt Nam, thực hiện giới thiệu thông tin về thuốc nhập khẩu cho cán bộ y tế phù hợp với quy định của Việt Nam.
  • Lợi ích từ cam kết về thủ tục cấp phép lưu hành: Việt Nam cam kết bãi bỏ yêu cầu về khoảng thời gian tối thiểu giữa thời điểm cấp phép tại Đức và thời điểm xin phép lưu hành tại Việt Nam; bãi bỏ các yêu cầu vượt quá thông lệ quốc tế về nghiên cứu lâm sàng (đặc biệt là thông lệ của Hội đồng quốc tế về hài hòa các thủ tục đăng ký dược phẩm sử dụng cho con người - ICH).
  • Lợi ích từ các cam kết về Sở hữu trí tuệ: Các cam kết của Việt Nam về đền bù thời gian chậm trễ do cấp phép lưu hành khiến thời gian khai thác thương mại của thuốc được bảo hộ độc quyền bị rút ngắn, cam kết bảo hộ dữ liệu độc quyền trong vòng 5 năm… giúp cho các sản phẩm dược phẩm của Đức sẽ được bảo hộ cao hơn khi lưu hành tại thị trường Việt Nam.
  • Lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường mua sắm công: Đối với dược phẩm, Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp EU được tham gia đấu thầu mua sắm dược phẩm của Bộ Y tế và 34 bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế với một số điều kiện và lộ trình nhất định. Đây sẽ là cơ hội rất tốt cho các nhà thầu cung cấp dược phẩm của Đức tiếp cận thị trường mua sắm công của Việt Nam rất nhiều tiềm năng và mới mở rất hạn chế cho một số ít đối tác FTA.

 

Cơ hội EVFTA đối với các sản phẩm Ô tô của Đức

Đức là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Mercedes, BMW, Audi, Porsche… Trong khi đó, Việt Nam là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất trong khu vực và trên thế giới với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, do đó, nhu cầu về sử dụng những mặt hàng xa xỉ trong đó có xe ô tô, đặc biệt là những hãng xe sang trọng từ Đức đang ngày một tăng cao. Tỷ lệ sở hữu ô tô của người dân Việt Nam tăng trưởng khoảng 10,5%/năm trong những năm gần đây (Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, 2021). Ngoài ra, theo một Báo cáo ngành ô tô năm 2019 của Công ty Chứng khoán Vietin, tốc độ tăng trưởng của ngành ô tô Việt Nam giai đoạn 2014-2018 đạt trung bình là 23,7%. Như vậy, việc EVFTA chính thức đi vào thực thi góp phần tạo điều kiện cho người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với các thương hiệu xe nổi tiếng và chất lượng từ Đức. Các lợi ích mà EVFTA đem lại cho các sản phẩm ô tô của Đức bao gồm:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan: Việt Nam hiện đang duy trì các mức thuế MFN rất cao đối với các sản phẩm ô tô thành phẩm (từ 3% đến 70%). Trong EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với ô tô sau 9-10 năm, một số dòng không có cam kết thuế (ví dụ: một số loại xe đua cỡ nhỏ, xe địa hình, ô tô cứu thương, ô tô chở phạm nhân, ô tô thể thao, ô tô chở người khác…).

Lợi ích từ các cam kết về TBT đối với ô tô:

Việt Nam có cam kết rằng nếu pháp luật Việt Nam yêu cầu buộc phải có thông tin về nước xuất xứ thì việc doanh nghiệp ghi trên nhãn sản phẩm là “Made in EU” hoặc “Sản xuất tại EU” được coi là đã thỏa mãn yêu cầu. 

Ngoài ra, Việt Nam cam kết công nhận một số quy chuẩn của Hiệp định UNECE 1958 cho ô tô của Đức. Mặc dù chưa là thành viên của UNECE nhưng trong EVFTA Việt Nam đã công nhận quy định UNECE là tiêu chuẩn quốc tế đủ để bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người trong lĩnh vực ô tô. Việt Nam cũng cam kết không đưa ra các TBT nội địa mới khác với các tiêu chuẩn theo UNECE trừ khi chứng minh được từ góc độ khoa học kỹ thuật rằng các tiêu chuẩn UNECE là không thích hợp, không hiệu quả đối với mình. Việt Nam sẽ chấp nhận các xe nguyên chiếc loại M1 (theo định nghĩa UNECE) đã được EU cấp Chứng nhận kiểu loại xe nguyên chiếc quốc tế UNECE hợp lệ là phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật nội địa của Việt Nam (mà không yêu cầu thử nghiệm thêm), nhà nhập khẩu kiểu xe đó lần đầu sẽ phải nộp kèm Chứng nhận nói trên trong hồ sơ nhập khẩu….

Ngành sản xuất ô tô của Đức hiện đang thực hiện theo các tiêu chuẩn của UNECE, do đó việc Việt Nam chấp nhận một số quy định/tiêu chuẩn của Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm ô tô của Đức tiếp cận thị trường Việt Nam.

 

Cơ hội EVFTA đối với các sản phẩm Đồ uống của Đức

Thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất ở châu Á. Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 ở châu Á với lượng 43 lít/người/năm, mức tiêu thụ rượu cũng ngày một tăng với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,3% giai đoạn 2013-2018 (Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, 2019). Thêm vào đó, Người Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến chất lượng, độ uy tín của nhãn hiệu rượu bia. Vì vậy, các sản phẩm đồ uống có cồn của Châu Âu, trong đó có Đức đang ngày càng được người tiêu dùng Việt ưa chuộng. Đặc biệt, với nhiều thương hiệu bia nổi tiếng thế giới, Đức hiện là quốc gia EU mà Việt Nam nhập khẩu nhiều bia nhất. Trong thời gian tới, EVFTA được dự đoán sẽ giúp tăng cường xuất khẩu các sản phẩm đồ uống của Đức sang Việt Nam nhờ các lợi ích sau:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan: Việt Nam hiện đang duy trì các mức thuế MFN tương đối cao đối với các sản phẩm đồ uống, đặc biệt là bia, rượu. Cụ thể, thuế MFN trung bình năm 2020 đối với các sản phẩm bia là 35%, rượu là 45-55%. Trong EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với rượu vang và rượu mạnh sau 7 năm và xóa bỏ thuế quan đối với bia sau 10 năm.

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Đức có 12 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đương nhiên theo EVFTA, trong số đó có đến 9 chỉ dẫn địa lý là các đồ uống có cồn (bia, rượu vang và rượu mạnh), bao gồm:

  • Bia Bayerisches Bier
  • Bia Münchener Bier
  • Rượu mạnh Korn / Kornbrand
  • Rượu vang Franken
  • Rượu vang Mittelrhein
  • Rượu vang Mosel
  • Rượu vang Rheingau
  • Rượu vang Rheinhessen
  • Rượu mạnh Genièvre / Jenever / Genever

Các sản phẩm rượu bia của Đức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ có cơ hội tốt hơn khi tiếp cận thị trường Việt Nam: được bảo hộ, được biết đến và tăng giá trị thương hiệu đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Cơ hội EVFTA đối với các sản phẩm thịt và chế phẩm từ thịt của Đức

Đức là nước có nền nông nghiệp rất phát triển với hơn 80% lãnh thổ của nước này được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Do đó, Đức cũng được biết đến là quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó phải kể đến các loại thịt như thịt lợn, thịt bò hay các chế phẩm từ thịt. Cụ thể, Đức dẫn đầu Châu Âu về sản xuất và xuất khẩu thịt lợn, đứng thứ hai về sản xuất, xuất khẩu thịt bò. Năm 2019, Đức đã xuất khẩu khoảng 363 nghìn tấn thịt bò và 2,8 triệu tấn thịt lợn tới khoảng 100 nước trên thế giới (german-meat.org). Ngoài ra, Đức cũng là quốc gia có ngành công nghiệp chế biến thịt với hàng trăm năm kinh nghiệm trong việc sản xuất các sản phẩm như xúc xích, thịt đông lạnh, giăm bông...

Về phía Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và thịt bò ngày càng gia tăng, trong khi sản lượng thịt trong nước đôi khi lại chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt đã bắt đầu làm quen và gia tăng sử dụng các sản phẩm thịt đông lạnh, chế biến. Do đó, lượng thịt bò và thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng đáng kể. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tổng kim ngạch nhập khẩu thịt trâu bò trong năm 2020 của Việt Nam đạt gần 414,4 triệu USD, tăng 28,8% so với năm 2019.

Vì vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thịt của Đức sang thị trường Việt Nam nhờ các lợi ích sau:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan:

Việt Nam hiện đang duy trì các mức thuế MFN tương đối cao đối với thịt lợn, thịt trâu bò và các chế phẩm từ thịt. Cụ thể, thuế MFN trung bình năm 2020 đối với thịt trâu bò tươi/ướp/đông lạnh là 14-30%, thịt lợn tươi/ướp/đông lạnh là 15-25%, các loại thịt muối/hun khói là 10-20%, xúc xích và các sản phẩm tương tự làm từ thịt là 22%. Với EVFTA, các sản phẩm thịt của Đức nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan với lộ trình cụ thể như sau: Xóa bỏ thuế quan đối với thịt trâu bò sau 3 năm, với thịt lợn sau 7-9 năm, với thịt muối/hun khói sau 7-9 năm, và với xúc xích là sau 10 năm.

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Trong 12 chỉ dẫn địa lý của Đức được bảo hộ tự động theo EVFTA khi vào thị trường Việt Nam, có 02 sản phẩm thịt là: Xúc xích Nürnberger Bratwurst (Nürnberger Rostbratwürste) và Giăm bông Schwarzwälder Schinken. Các sản phẩm này sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Việt Nam do được bảo hộ, được biết đến và tăng giá trị thương hiệu đối với người tiêu dùng Việt Nam.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI