Làm thế nào để nhập khẩu hiệu quả hàng hóa từ Đức tận dụng cơ hội từ EVFTA?

Câu hỏi: Làm thế nào để nhập khẩu hiệu quả hàng hóa từ Đức tận dụng cơ hội từ EVFTA? 

Trả lời:

Để tận dụng các cơ hội từ EVFTA để tăng cường tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các sản phẩm hàng hóa của Đức, các nhà xuất khẩu của Đức và nhập khẩu của Việt Nam cần chú ý một số vấn đề sau:

- Các chú ý về thuế quan

Các cam kết về cắt giảm thuế quan của Việt Nam cho hàng hóa của Đức trong EVFTA là rất đáng kể. Tuy nhiên, việc cắt giảm này là có lộ trình, doanh nghiệp cần chú ý theo dõi các quy định của Việt Nam thực hiện cam kết thuế quan trong EVFTA để biết được lộ trình cắt giảm thuế quan cụ thể cho hàng hóa của mình và tận dụng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ xem sản phẩm của mình đang có mức thuế MFN hiện tại như thế nào, có thấp hơn mức thuế EVFTA áp dụng tại thời điểm đó không. Nếu thuế EVFTA tốt hơn nhiều so với MFN thì mới phải nghiên cứu để đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA, còn nếu không thì áp dụng mức thuế MFN như bình thường mà không có yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

- Các chú ý về Quy tắc và Thủ tục xuất xứ

Để được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu hàng hóa của Đức vào Việt Nam thì hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của EVFTA và có giấy chứng nhận xuất xứ hợp lệ. Vì vậy, các nhà xuất khẩu của Đức cần phải nghiên cứu các quy tắc xuất xứ của Hiệp định để điều chỉnh nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất phù hợp, đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ EVFTA với hàng hóa. Còn đối với các nhà nhập khẩu của Việt Nam khi đàm phán hợp đồng với các nhà xuất khẩu của Đức cần nêu rõ ràng các vấn đề về thuế quan và quy tắc xuất xứ tương ứng. Chẳng hạn, cần yêu cầu trong Hợp đồng các nhà xuất khẩu của Đức phải cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, nếu không, giá trị hợp đồng sẽ phải tăng lên để bù đắp cho phần thuế quan phải nộp theo MFN mà không được hưởng thuế EVFTA. Ngoài ra cần lưu ý Đức áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ REX theo EU do đó chứng từ chứng nhận xuất xứ do doanh nghiệp xuất khẩu tự phát hành chứ không phải là chứng từ chứng nhận xuất xứ xin ở một cơ quan có thẩm quyền như đang áp dụng tại Việt Nam đối với Mẫu CO EVFTA. Khi nhà nhập khẩu Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Đức thì chỉ cần nhà xuất khẩu Đức cung cấp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ này là sẽ được hải quan Việt Nam chấp nhận.

- Các chú ý về quy định nhập khẩu

Quy định và quy trình nhập khẩu hàng hóa từ Đức cơ bản tương tự như nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo EVFTA, việc nhập khẩu hàng hóa có thể có một số khác biệt. Ví dụ, nếu hàng hóa từ Đức muốn được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA thì phải có chứng từ tự chứng nhận xuất xứ EVFTA; nếu hàng hóa là hàng tân trang sẽ được nhập khẩu như hàng mới (hàng tân trang nhập khẩu từ các nguồn khác sẽ không được hưởng quyền lợi này)…

Cần chú ý là các quy định cụ thể về quy trình nhập khẩu có thể có điều chỉnh/thay đổi theo từng thời điểm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật để tuân thủ cho đúng.

- Các chú ý về quảng bá sản phẩm Đức đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam

Nhiều sản phẩm của Đức có chất lượng, mẫu mã tốt nhưng chưa được các doanh nghiệp nhập khẩu, người tiêu dùng Việt Nam biết đến. Chẳng hạn như người tiêu dùng Việt Nam biết nhiều đến các sản phẩm gia dụng, điện tử và ô tô của Đức nhưng nhiều người không biết rằng Đức cũng có một nền nông nghiệp, chế biến thực phẩm rất phát triển và có nhiều sản phẩm nổi tiếng. Do đó, cần phải có các chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Đức đến người mua hàng của Việt Nam. Các hình thức quảng bá sản phẩm có thể là thông qua các hội chợ, triển lãm, quảng cáo qua mạng xã hội… Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm, uy tín của người bán hàng, các chính sách bảo hành và hậu mãi… Do đó, việc tăng cường quảng bá tập trung vào chất lượng và uy tín của sản phẩm từ Đức có thể là một phương thức hiệu quả để tiếp cận người dùng Việt Nam.

- Các chú ý về cắt giảm giá thành

Các sản phẩm của Đức nhìn chung thường có giá cao hơn sản phẩm từ các thị trường nhập khẩu truyền thống khác của Việt Nam, cộng thêm chi phí vận chuyển do khoảng cách địa lý xa giữa hai nước. Tuy nhiên, nếu sản phẩm được nhập khẩu với khối lượng lớn, sử dụng các hình thức vận chuyển tiết kiệm (ví dụ thay vì vận chuyển bằng đường hàng không thì vận chuyển bằng đường biển), cải thiện khả năng bảo quản hàng hóa khi vận chuyển xa… thì có thể giúp giảm giá thành sản phẩm. Do đó, tăng cường quảng bá sản phẩm để tăng khối lượng nhập khẩu, tìm các phương pháp vận chuyển tối ưu sẽ có thể giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của Đức.

- Tìm kiếm thông tin, hỗ trợ từ chính phủ, các hiệp hội ngành hàng

Để tăng cường tận dụng lợi ích từ EVFTA, trong thời gian tới Chính phủ và các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị xúc tiến…sẽ có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường xuất, nhập khẩu với các nước thành viên EU. Các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam có thể tận dụng các hoạt động hỗ trợ này để được tìm hiểu thông tin, tư vấn về các cam kết EVFTA, về kết nối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Đức, về quảng bá sản phẩm Đức với người tiêu dùng Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI