Có thể tìm kiếm các thông tin, dữ liệu về thị trường Đức và Việt Nam ở đâu?

Câu hỏi: Có thể tìm kiếm các thông tin, dữ liệu về thị trường Đức và Việt Nam ở đâu?

Trả lời:

Doanh nghiệp có thể tự tra cứu thông tin thị trường Đức thông qua các công cụ sẵn có và miễn phí sau:

- Công cụ TradeMap - Bản đồ Thương mại của ITC (trademap.org): tra cứu số liệu thương mại của từng quốc gia, qua đó có thể xác định được các sản phẩm xuất/nhập khẩu chủ yếu, các đối thủ cạnh tranh, diễn tiến xuất nhập khẩu theo thời gian... Trade Map cung cấp số liệu về xuất nhập khẩu và thuế quan của từng sản phẩm của từng quốc gia với từng đối tác. Thông qua TradeMap, người dùng có thể tìm hiểu được thế mạnh xuất khẩu/nhu cầu nhập khẩu của từng đối tác thương mại và các đối thủ cạnh tranh hiện tại. TradeMap cung cấp số liệu theo từng năm, theo từng mã HS ở cấp 2, 4, hoặc 6 số, theo giá trị hoặc tỷ lệ phần trăm…. Người dùng có thể trích xuất thông tin dưới dạng bảng, biểu đồ hoặc bản đồ và lọc các dữ liệu cần trích xuất theo hàng hóa, quốc giá, nhóm sản phẩm hoặc nhóm quốc gia…

- Công cụ MacMap - Bản đồ Tiếp cận thị trường của ITC (macmap.org): tra cứu các rào cản thuế quan và phi thuế quan áp dụng đối với một hàng hóa cụ thể xuất khẩu từ một thị trường cụ thể sang một thị trường khác. Cụ thể, về thuế quan, MacMap cung cấp cả mức thuế Tối huệ quốc (MFN) của WTO và thuế ưu đãi đơn phương (như GSP của EU) và thuế ưu đãi theo các thỏa thuận song phương và đa phương (như thuế theo các Hiệp định Thương mại Tự do – FTA). Về các rào cản phi thuế quan, MacMap bao gồm các quy định về hạn ngạch nhập khẩu, các biện pháp PVTM, và các yêu cầu về chứng nhận, và các rào cản phi thuế khác.

- Công cụ Rule of Origin Facilitator – Công cụ tra cứu Quy tắc xuất xứ của ITC (findrulesoforigin.org): cho phép người dùng tiếp cận cơ sở dữ liệu về quy tắc xuất xứ trong hơn 350 hiệp định thương mại của hơn 190 quốc gia trên toàn thế giới. Kết hợp với cơ sở dữ liệu về thuế quan trong các FTA, đây là công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp nắm bắt quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi theo các Hiệp định, từ đó tận dụng các cơ hội thương mại mà các FTA mang lại.

- Công cụ Tariff Analysis Online (TAO) – Phân tích thuế quan trực tuyến của WTO (tao.wto.org): tra cứu các mức thuế quan (MFN, GSP, FTA...) mà một nước áp dụng đối với một sản phẩm cụ thể. TAO cung cấp thông tin về thuế quan chi tiết đến từng dòng thuế theo hệ thống HS của từng nước và cả các thông tin về thuế quan trung bình theo nhóm sản phẩm. 

- Công cụ Access2Markets - Cơ sở dữ liệu về tiếp cận thị trường của EU (https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/home): Hệ thống dữ liệu Access2Markets do Ủy ban châu Âu xây dựng nhằm hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp châu Âu cũng như các doanh nghiệp đối tác xuất nhập khẩu của châu Âu. Với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, Access2Markets của EU có thể giúp tìm hiểu các số liệu về xuất nhập khẩu của EU đối với một mặt hàng cụ thể với một đối tác cụ thể. Đồng thời, công cụ này cũng công cấp thông tin về thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU…. Cổng thông tin này được hiển thị với 24 ngôn ngữ chính thức của EU.

- Công cụ World Development Indicators (WDI) của Ngân hàng Thế giới: WDI bao gồm hơn 1.,400 chỉ số phát triển (GDP, dân số, lao động, lạm phát, tỷ giá....) về 217 nền kinh tế và hơn 40 nhóm nước trong khoảng thời gian lên tới hơn 50 năm. Đây là một nguồn thông tin rất hữu ích cho các doanh nghiệp khi cần tìm hiểu thông tin tổng quan về tình hình kinh tế, dân số, lạm phát, thất nghiệp, thương mại, đầu tư…của từng nước trên thế giới hoặc so sánh giữa các nước với nhau.

- Trang web của Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) (https://www.cbi.eu): Trang web này cung cấp các thông tin thị trường EU như nhu cầu, xu hướng cũng như các quy định nhập khẩu bắt buộc/bổ sung đối với một số nhóm hàng cụ thể khi nhập khẩu vào EU như: rau quả, ngũ cốc, ca cao, cà phê, dệt may, giày dép, thủy sản…

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI