Thách thức từ EVFTA đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức?

Câu hỏi: Thách thức từ EVFTA đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức? 

Trả lời:

Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó phải kể đến:

Thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan

Để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA thì các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Vì vậy việc đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng cơ hội thuế quan từ Hiệp định này.

Nguy cơ gia tăng các biện pháp PVTM

EU là một trong những đối tác thương mại sử dụng nhiều các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài nói chung và từ Việt Nam nói riêng. Trong thời gian tới, với lợi thế từ các việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU suy đoán sẽ gia tăng, từ đó nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp PVTM do các ngành sản xuất nội địa EU khởi xướng cũng tăng lên.

Thêm vào đó, EVFTA cũng cho phép các nhà sản xuất nội địa EU được sử dụng thêm một biện pháp PVTM bổ sung – biện pháp tự vệ song phương trong giai đoạn 2020-2030 nếu các biện pháp ưu đãi thuế theo EVFTA dẫn tới tình huống nhập khẩu ồ ạt một loại hàng hóa từ Việt Nam vào EU, đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ. Vì vậy, với EVFTA, bên cạnh các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thông thường, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu theo cơ chế ưu đãi thuế quan EVFTA còn phải đối mặt với thêm một nguy cơ kiện PVTM mới không kém phức tạp.

Cần chú ý là các biện pháp PVTM ở EU được thực hiện thống nhất trên toàn lãnh thổ khu vực thuế quan này. Vì vậy, rủi ro PVTM đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Đức có thể không xuất phát từ hành động của nhà sản xuất nội địa Đức mà từ các nhà sản xuất ở bất kỳ nước thành viên EU nào nếu họ thấy bị đe dọa bởi sức ép cạnh tranh từ hàng Việt Nam.

Thách thức gia tăng chi phí cho doanh nghiệp từ các cam kết về sở hữu trí tuệ, lao động, phát triển bền vững trong EVFTA

Thực hiện các cam kết về lao động, môi trường, phát triển bền vững trong EVFTA, Việt Nam có thể sẽ gia tăng quy định pháp luật và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để có thể phát triển bền vững… Việc thực thi các quy định mới, tiêu chuẩn cao có thể làm gia tăng chi phí đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt là những ngành kinh tế mà sản xuất và tiêu thụ gắn với nhiều yếu tố có thể gây tác động không tốt tới người lao động, môi trường xung quanh...

Thách thức thường xuyên khác

Bên cạnh các thách thức gắn liền với EVFTA, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức còn phải đối mặt với các thách thức thường xuyên khác, đặc biệt là các biện pháp phi thuế quan (Non-Tariff Measure NTM). 

Biện pháp phi thuế quan là từ sử dụng để chỉ tất cả các biện pháp ngoài thuế quan mà các nước áp dụng đối với hàng hóa lưu chuyển qua biên giới. Về mặt nguyên tắc, các biện pháp này được áp dụng nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý hợp pháp của mỗi nước (bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, an toàn dịch tễ, bảo vệ môi trường...) Mặc dù vậy, trong không ít trường hợp, NTM có thể bị lạm dụng như một hình thức để hạn chế hàng nhập khẩu.

Các biện pháp NTM của EU áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung (không riêng hàng hóa từ Việt Nam) vốn không liên quan tới EVFTA. Tuy nhiên việc cắt giảm thuế quan theo EVFTA có thể là chất xúc tác thúc đẩy việc gia tăng các NTM, khiến việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam phải đối mặt thêm với các yêu cầu, đòi hỏi mới hoặc khắt khe hơn. 
 

Mức độ sử dụng các biện pháp phi thuế quan (NTM) của EU

EU là một trong những khu vực sử dụng phổ biến nhất các biện pháp NTM trên thế giới. Theo số liệu khảo sát năm 2018 của Ngân hàng Thế giới thì EU có tỷ lệ tần suất sử dụng các biện pháp NTM (tỷ lệ phần trăm các sản phẩm nhập khẩu mà bị áp dụng ít nhất một biện pháp NTM) là 93,88%, cao hơn đáng kể so với nhiều quốc gia phát triển khác như Australia (61,80%), Mỹ (61,52%), Nhật (61,20%), và cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 43,04% của 75 nước được khảo sát.

Các biện pháp NTM mà EU sử dụng nhiều nhất là yêu cầu về dán nhãn, yêu cầu về kiểm tra sản phẩm, yêu cầu về chất lượng và vận hành của sản phẩm, yêu cầu về chứng nhận sản phẩm …

Các nhóm mặt hàng có tần suất áp dụng NTM nhiều nhất khi nhập khẩu vào EU là dệt may, động vật, rau quả, đồ da, hóa chất, thực phẩm, giày dép, sản phẩm nhựa… Đây cũng là các sản phẩm xuất khẩu phổ biến của Việt Nam.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI