Cơ hội từ EVFTA cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Đức?

Câu hỏi: Cơ hội từ EVFTA cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Đức?

Trả lời:

Cơ hội từ cắt giảm thuế quan

Một trong những cơ hội lớn nhất mà EVFTA đem lại cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức chính là các cam kết ưu đãi thuế quan của EU (bao gồm Đức) trong Hiệp định này. Mặc dù trước khi EVFTA có hiệu lực, khi xuất khẩu sang Đức, Việt Nam đã được hưởng các ưu đãi thuế quan theo cơ chế GSP của EU nhưng không phải sản phẩm nào cũng được giảm thuế và đa số các mức thuế ưu đãi cũng không tốt bằng EVFTA. Hơn nữa, GSP là cơ chế ưu đãi đơn phương, EU có thể dừng hoặc điều chỉnh các ưu đãi thuế quan và điều kiện cho hưởng ưu đãi bất cứ khi nào, trong khi đó cam kết thuế quan EVFTA là cam kết có đi có lại giữa Việt Nam và EU, có tính ổn định và có thể dự đoán trước. 

Ngoài ra, mức ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam cũng là mức cam kết thuế quan cao nhất mà Việt Nam đạt được từ một đối tác FTA cho tới thời điểm hiện tại (tỷ lệ xóa bỏ thuế đến cuối lộ trình lên tới 99,2%, các sản phẩm còn lại cũng được hưởng hạn ngạch thuế quan). Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội nhất từ các cam kết cắt giảm thuế quan của EVFTA khi tiếp cận thị trường Đức là Giày dép (Chương 64), Quần áo (Chương 61,62), Thủy sản (Chương 3), Nhựa (Chương 39), Quả và quả hạch (Chương 08) do hiện tại EU (trong đó có Đức) đang duy trì các mức thuế quan MFN và GSP tương đối cao đối với các sản phẩm này.

EVFTA càng ý nghĩa hơn đối với xuất khẩu Việt Nam khi nhiều đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong khu vực châu Á và ASEAN ở thị trường Đức chưa có FTA với EU. 

Cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh

Trong EVFTA, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan cho rất nhiều hàng hóa nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất trong nước nhập khẩu từ các quốc gia thành viên EU, trong đó có Đức. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên liệu, máy móc ngoại nhập để có thể mua các đầu vào này từ Đức với giá cả tốt hơn (hiện tại Việt Nam vẫn đang duy trì mức thuế quan MFN tương đối cao với nhiều loại sản phẩm này). 

Ngoài ra, Đức được biết tới là nguồn cung công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chất lượng tốt nhất với giá thấp hơn nhiều so với trước kia. Qua đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện được quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó cũng góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các đối thủ khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa ra khá nhiều các cam kết trong các lĩnh vực dịch vụ, thể chế có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, ví dụ:

-    Các cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất như tài chính (bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán), viễn thông, logistics… ở mức cao hơn WTO sẽ giúp cạnh tranh trong các lĩnh vực này tốt hơn, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất tiếp cận các dịch vụ này với chất lượng tốt hơn, chi phí hợp lý hơn, từ đó giảm chi phí dịch vụ trong giá thành sản phẩm;

-    Các cam kết thúc đẩy môi trường cạnh tranh, các phương thức thương mại hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp (cạnh tranh, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa…) là điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cải thiện năng lực cạnh tranh, tiếp cận tốt hơn với khách hàng.

Cơ hội khác từ việc tiết giảm các rào cản phi thuế quan

Các cam kết về các biện pháp phi thuế quan của EU (trong đó có Đức) cho hàng hóa Việt Nam như minh bạch hóa và thuận lợi hóa các thủ tục thông quan và giải phóng hàng, về miễn thủ tục thanh tra SPS đối với các cơ sở sản xuất đã đủ tiêu chuẩn của Việt Nam, về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương các biện pháp SPS của Việt Nam, về khuyến khích công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp về TBT của Việt Nam… sẽ giúp cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Đức dễ dàng hơn. 

Cơ hội từ các cam kết về bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Việc EU cam kết bảo hộ 39 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam giúp cho các sản phẩm mang các chỉ dẫn địa lý này khi tiếp cận thị trường Đức sẽ được bảo hộ đương nhiên mà không cần phải qua các thủ tục xin bảo hộ phức tạp. Các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thường được người tiêu dùng Đức yêu thích hơn và sẵn sàng trả mức giá cao hơn. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm này suy đoán sẽ được hưởng nhiều lợi thế hơn.

 

Cơ hội EVFTA đối với sản phẩm giày dép của Việt Nam

Việt Nam là nhà xuất khẩu giày dép lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ 4 trên thế giới. Đáng chú ý, số lượng giày dép xuất khẩu của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày các loại sang hàng trăm quốc gia trên thế giới. 

Thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu giày dép của Việt Nam (chiếm 22% về kim ngạch năm 2020). Trong đó, xuất khẩu sang Đức chiếm đến 23,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU (Tổng cục Hải quan, năm 2020).

Đức hiện là một trong những thị trường tiêu thụ giày dép lớn nhất trên thế giới. Năm 2018, Đức đứng thứ 7 trong số các quốc gia tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này với tổng lượng tiêu thụ là 451 triệu đôi, tương đương với 2% lượng tiêu thụ giày dép trên toàn cầu (worldfootwear.com, 2019). Nhu cầu nhập khẩu giày dép của Đức cũng gia tăng trong thời gian qua, từ 8 tỷ USD năm 2010 lên đến 12,44 tỷ USD vào năm 2020 (ITC Trademap, 2021). 

Theo số liệu của ITC Trademap, trong giai đoạn trước 2013, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Đức có tăng trưởng nhưng không mạnh, do không được hưởng thuế quan ưu đãi GSP và còn bị áp thuế chống bán phá giá tới 10% giai đoạn 2006-2009. Từ năm 2014 trở đi, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Đức đã gia tăng liên tục, đạt 2,12 tỷ USD năm 2020. Con số xuất khẩu ấn tượng này đã giúp giày dép trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sang Đức, và giúp Việt Nam chiếm vị trí thứ 2 sau Trung Quốc trong số các nước Đức nhập khẩu giày dép lớn nhất. 

Với EVFTA, giày dép Việt Nam xuất khẩu sang Đức sẽ được xóa bỏ 37% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020). Trong số này có nhiều sản phẩm giày dép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Đức như giày dép thể thao, bao gồm giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục…. 63% số dòng thuế giày dép còn lại sẽ được xóa bỏ sau 3, 5 hoặc 7 năm. Đây sẽ là một lợi thế rất lớn cho giày dép của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn khác như Trung Quốc (đang chịu thuế MFN trung bình năm 2021 là 9,95%), hay các nước được hưởng GSP của Đức như Indonesia cũng chỉ được giảm thuế các sản phẩm giày dép xuống mức trung bình 5,99% chứ không được về 0% đối với tất cả các dòng thuế như Việt Nam (nếu tính đến cuối lộ trình).

 

Cơ hội EVFTA đối với sản phẩm may mặc của Việt Nam

Đức được biết đến là thị trường nhập khẩu các sản phẩm may mặc (quần áo thành phẩm từ Chương 61 đến 63 trong Hệ thống HS) lớn nhất của EU với nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng. Theo số liệu của ITC Trademap, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng may mặc của Đức tăng đã từ 36,17 tỷ USD năm 2010 lên 48,73 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trung bình của giai đoạn này là 3,43%. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhập khẩu may mặc của Đức vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 12% so với năm 2019.

Còn đối với Việt Nam, may mặc là một ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực, trong đó, EU nói chung và Đức nói riêng là một trong những thị trường xuất khẩu chính. Trong thời gian qua mặc dù bị Đức áp mức thuế quan (MFN hay GSP) tương đối cao nhưng xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang Đức vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Theo số liệu của ITC Trademap, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Đức giai đoạn 2010-2020 đã tăng lên hơn gấp đôi, từ 673 triệu USD năm 2010 lên 1,71 tỷ USD năm 2020 và tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn này là 10% - cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng may mặc trung bình giai đoạn này của Đức từ thế giới là 3,66%.

Trong thời gian tới, với việc thực thi EVFTA, xuất khẩu các sản phẩm may mặc sang Đức được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng khi tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định. Các lợi ích cụ thể mà EVFTA đem lại cho sản phẩm may mặc của Việt Nam bao gồm:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan: Đức hiện đang duy trì mức thuế MFN và GSP tương đối cao đối với các sản phẩm may mặc của Việt Nam. Cụ thể, năm 2021, thuế MFN trung bình của Đức đối với các sản phẩm may mặc là 11,27% còn GSP trung bình là 9,02%. Theo EVFTA, EU/Đức cam kết xóa bỏ 196/418 (tương đương 47%) số dòng thuế cho các sản phẩm may mặc của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020. Số còn lại (khoảng 53%) sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3, 5, hoặc 7 năm. Đây là một cam kết rất cao mà một đối tác FTA từng dành cho các sản phẩm may mặc của Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU và cả các đối thủ đang được hưởng GSP của EU. 

Lợi ích từ Cộng gộp quy tắc xuất xứ

Không những đạt được cam kết cao về thuế quan trong EVFTA, Việt Nam cũng đạt được cam kết tương đối thuận lợi về quy tắc xuất xứ đối với các sản phẩm may mặc trong EVFTA. Cụ thể, quy tắc xuất xứ chủ đạo đối với các sản phẩm may mặc trong EVFTA là “từ vải trở đi”, tức là cho phép Việt Nam nhập khẩu xơ sợi từ các nước thứ ba. Mặc dù quy tắc này chặt so với quy tắc “cắt và may” của nhiều FTA trước đây, so với quy tắc “từ sợi trở đi” của CPTPP thì đây vẫn là điều kiện dễ đáp ứng hơn. 

Ngoài ra, EVFTA còn cho phép cộng gộp nguyên liệu vải nhập khẩu từ Hàn Quốc đối với hàng may mặc. Cụ thể, vải có xuất xứ Hàn Quốc (nước đã có FTA với EU) sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam khi vải đó được dùng làm nguyên liệu để gia công hoặc sản xuất tại Việt Nam cho các sản phẩm may mặc thuộc Chương 61, 62 khi xuất khẩu sang EU. Việt Nam hiện cũng đang nhập khẩu một số lượng vải khá lớn từ Hàn Quốc cho ngành may mặc, do đó đây cũng là một cam kết rất thuận lợi cho sản phẩm may mặc để đáp ứng được quy tắc xuất xứ EVFTA.

 

Cơ hội EVFTA đối với sản phẩm cà phê hạt của Việt Nam

Đức được biết đến là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất tại châu Âu. Theo số liệu của Eurostat, năm 2019, Đức chiếm tới 26% lượng tiêu thụ cà phê trên toàn châu Âu với mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người xấp xỉ 6,5kg/người/năm (cao hơn mức trung bình của châu Âu là 5,2kg/người/năm). Ngoài ra, Đức cũng quốc gia nhập khẩu hạt cà phê xanh (cà phê chưa xay) lớn nhất châu Âu. Năm 2019, lượng hạt cà phê xanh nhập khẩu của Đức đạt 1,1 triệu tấn, tương đương 2,3 tỷ euro, chiếm tới 34% tổng nhập khẩu sản phẩm này của toàn châu Âu.

Trong khi đó, theo Tổ chức Cà phê thế giới, Việt Nam là quốc gia trồng và sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Brazil với sản lượng 29 triệu bao (60kg/bao), chiếm 17% tổng sản lượng cà phê trên toàn cầu năm 2020. Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 5 trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,98 tỷ USD vào năm 2020 (ITC Trademap, 2021).

Với những lợi thế về sản xuất, xuất khẩu cà phê của Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ cà phê lớn của Đức, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong những nguồn cung cà phê lớn nhất của Đức. Mặc dù vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Đức không ổn định và có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, xuất khẩu cà phê hạt của Việt Nam giai đoạn 2010-2017 biến động nhưng theo chiều hướng gia tăng, từ 286 triệu USD năm 2010 lên 567 triệu USD năm 2017, nhưng sau đó lại giảm liên tục xuống còn 385 triệu USD. Tuy thế, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu hạt cà phê lớn thứ 2 vào Đức (sau Brazil) năm 2020. 

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan: EU hiện đang duy trì mức thuế MFN và GSP trung bình đối với sản phẩm cà phê hạt của Việt Nam lần lượt là 4,15% và 2,4%. Trong EVFTA, EU cam kết xóa bỏ 100% số dòng thuế cà phê hạt nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020.

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Trong EVFTA, Đức cam kết bảo hộ cho 01 chỉ dẫn địa lý là cà phê của Việt Nam là Cà phê Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm này khi xuất khẩu sang Đức. 

 

Cơ hội EVFTA đối với sản phẩm rau quả của Việt Nam

Việt Nam được biết đến là quốc gia có nhiều lợi thế về sản xuất và xuất khẩu các loại rau quả nhiệt đới, cận nhiệt đới và cả ôn đới. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 120 loại rau và hàng trăm loại quả khác nhau. Nhờ vào tiến bộ khoa học công nghệ, càng nhiều các loại rau quả trái mùa được trồng và thu hoạch, không những đáp ứng được cả nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ trong đoạn 2010-2020, tăng từ 460 triệu USD năm 2010 lên đến 3,27 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn này là 30,1%. 

Trong khi đó, Đức là nước có nhu cầu lớn và ổn định với các sản phẩm rau quả, và ngày càng ưa chuộng các sản phẩm rau quả nhiệt đới. Đức có nhu cầu nhập khẩu quanh năm và lượng nhập khẩu của quốc gia này ngày càng tăng do người tiêu dùng Đức có xu hướng chuyển hướng sang thử và tiêu dùng các loại rau quả lạ từ các khu vực ngoài EU. Theo số liệu của Statista.com, năm 2020, Đức nhập khẩu khoảng 126 nghìn tấn dứa và hơn 98 nghìn tấn xoài và ổi.

Rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Đức tuy không nhiều nhưng kim ngạch xuất có sự tăng trưởng tốt qua các năm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Đức đã tăng từ 5,8 triệu USD vào năm 2010 lên đến 19,9 triệu USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn này là 12,8%/năm. Một số sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam được người dân EU cũng như người tiêu dùng Đức ưa chuộng là: xoài, dứa, thanh long, chanh leo, chôm chôm…  Với những lợi thế nhất định của ngành và lợi ích từ việc thực thi EVFTA, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Đức được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn trong thời gian sắp tới. 

Các lợi ích mà EVFTA mang lại cho ngành rau quả Việt Nam có thể kể đến là:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan

Rau quả là một trong những nhóm sản phẩm mà EU/Đức vẫn duy trì mức thuế MFN và GSP tương đối cao. Mức thuế MFN và GSP trung bình mà EU áp dụng đối với rau quả của Việt Nam lần lượt là: 13,17% và 9,33%. Trong EVFTA, EU có mức cam kết xóa bỏ thuế quan tương đối cao đối với các sản phẩm rau quả từ Việt Nam, cụ thể:

- Xóa bỏ thuế quan đối với 514/547 số dòng thuế rau quả (tương đương 94%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực;

- Xóa bỏ thuế tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị hàng hóa (thuế suất x% giá trị lô hàng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực nhưng vẫn giữ thuế tuyệt đối (x euro/đơn vị khối lượng) (A+EP) đối với 24/547 số dòng thuế (tương đương 4%);

- Cắt giảm thuế dần về 75 EUR/tấn từ năm 2025 trở đi (R75) cho 1 mã HS 08039010 – Chuối, trừ chuối lá, tươi;

- Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 03 sản phẩm (8/547 số dòng thuế) là tỏi, ngô ngọt, nấm, với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ đương nhiên theo EVFTA, có đến 20 chỉ dẫn địa lý là các loại trái cây, hạt, bao gồm:

1.    Bưởi Đoan Hùng

2.    Thanh long Bình Thuận

3.    Vải Thanh Hà

4.    Cam Vinh

5.    Vải Lục Ngạn

6.    Xoài Hòa Lộc

7.    Chuối Đại Hoàng

8.    Hồng không hạt Bắc Kạn

9.    Bưởi Phúc Trạch

10.     Hạt dẻ Trùng Khánh

11.     Mãng cầu Bà Đen

12.     Nho Ninh Thuận

13.     Bưởi Tân Triều

14.     Hồng không hạt Bảo Lâm

15.     Quýt Bắc Kạn

16.     Xoài Yên Châu

17.     Bưởi Bình Minh

18.     Bưởi Luận Văn

19.     Vú sữa Vĩnh Kim

20.     Cam Cao Phong

Các sản phẩm rau quả của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ có cơ hội gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường Đức.  

 

Cơ hội EVFTA đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam

Đức là thị trường có nhu cầu tương đối ổn định đối với các sản phẩm thủy sản, trong đó cá hồi, các loại cá phi-lê và tôm là những sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất tại Đức. Năm 2020, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Đức là 15 kg/người/năm tăng so với mức 14,3kg năm 2019 (Statista.com, 2021). Đức cũng là một trong số những quốc gia nhập khẩu thủy sản nhiều nhất tại châu Âu, nguồn nhập khẩu thủy sản của nước này phần lớn (75%) là từ các quốc gia ngoài châu Âu và chủ yếu (59%) từ các quốc gia đang phát triển. Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ các quốc gia đang phát triển của Đức đạt 1,4 tỷ USD với các sản phẩm nhập khẩu chính là cá phi-lê (542 triệu USD), cá đã qua chế biến và bảo quản (402 triệu USD), các sản phẩm tôm (122 triệu USD), các loại động vật giáp xác khác (223 triệu USD) (cbi.eu, 2021).

Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển có thế mạnh sản xuất đa dạng nhiều loại thủy sản, trong đó tôm đông lạnh, cá ngừ, mực là những mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang Đức. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đức trong những năm qua vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của Việt Nam và nhu cầu của thị trường Đức. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Đức đạt 209 triệu USD năm 2010 nhưng giai đoạn sau đó biến động và giảm xuống chỉ còn 189 triệu USD năm 2019, đến năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giá trị kim ngạch chỉ còn là 180 triệu USD (Tổng cục Hải quan, 2021).

Tuy nhiên, với việc thực thi Hiệp định EVFTA, thủy sản của Việt Nam sẽ có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Đức nhờ những lợi ích nổi bật sau:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan

EU/Đức hiện đang duy trì mức thuế MFN và GSP tương đối cao đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, mức thuế MFN và GSP trung bình năm 2021 đối với sản phẩm thủy sản của EU/Đức lần lượt là 11,9% và 7,26%. Trong EVFTA, EU/Đức cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu của Việt Nam như sau:

- Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 50% số dòng thuế thủy sản;

- 50% số dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 3, 5 hoặc 7 năm; 

- Riêng đối với cá ngừ đóng hộp và cá viên, áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn/năm và 500 tấn/năm.

Lợi ích từ Cộng gộp xuất xứ

EVFTA cho phép cộng gộp xuất xứ với ASEAN đối với mực và bạch tuộc. Cụ thể, các nguyên liệu mực và bạch tuộc (Thuộc các mã HS 030741 và HS 030751) có xuất xứ từ một nước thành viên ASEAN đã có FTA với EU (hiện tại chỉ có Singapore) sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam khi xác định xuất xứ cho các sản phẩm mực và bạch tuộc đã chế biến hoặc bảo quản (thuộc các mã HS 160551 và HS 160555) của Việt Nam xuất khẩu sang EU (trong đó có Đức). Mặc dù hiện tại chỉ có Singapore có FTA đã có hiệu lực với EU nhưng trong tương lai nếu EU ký kết FTA với một số nước ASEAN khác mà Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều nguyên liệu thủy sản như Indonesia, Thái Lan, Malaysia thì thủy sản Việt Nam sẽ được lợi từ cơ chế cộng gộp này. 

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Trong số 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động trong EVFTA có 02 sản phẩm thủy sản là Mực nướng xắt miếng Hạ Long và Sò Quảng Ninh. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động theo EVFTA này sẽ giúp các sản phẩm thủy sản liên quan khi xuất khẩu sang thị trường Đức có cơ hội gia tăng thương hiệu và giá trị sản phẩm.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI