Thuận lợi và khó khăn của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Đức?

Câu hỏi: Thuận lợi và khó khăn của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Đức?

Trả lời:

Thuận lợi

Đức là thị trường xuất khẩu chính tại khu vực châu Âu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ… Dù đa phần những sản phẩm này chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức đang có xu hướng gia tăng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có được vị thế nhất định tại thị trường này. 

Trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi như:

- Số lượng người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đức ngày càng tăng trong những năm gần đây. Lượng người tiêu dùng này có xu hướng sử dụng nhiều các sản phẩm châu Á, trong đó có sản phẩm của Việt Nam;

- Người tiêu dùng của Đức cũng ngày một cởi mở hơn trong việc sử dụng các sản phẩm châu Á nói chung và từ Việt Nam nói riêng. Họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu sử dụng như đồ gỗ, may mặc, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới…;

- Các sản phẩm Việt có chất lượng ngày càng cao và đang dần chinh phục được các thị trường khó tính trong đó có thị trường EU nói chung và Đức nói riêng... Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư bài bản và dài hạn cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn cao để xuất khẩu đi các thị trường phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Việt Nam cũng đang chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao vào các ngành nhiều tiềm năng nhưng công nghệ còn lạc hậu như rau củ quả, thủy hải sản… để nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu; 

- Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, …) đã có FTA với EU, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác trong khu vực khi được hưởng ưu đãi thuế quan cũng như các lợi thế khác từ Hiệp định EVFTA. Hơn nữa, với việc Việt Nam thực thi các cam kết về lao động, môi trường và phát triển bền vững trong EVFTA (vốn được thiết kế theo chuẩn EU), hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thể tránh được phần nào các nguy cơ/rủi ro từ góc độ người tiêu dùng EU (ví dụ các chiến dịch tẩy chay sử dụng sản phẩm được sản xuất bởi người lao động trong môi trường không bảo đảm tiêu chuẩn, hoặc bị bóc lột…); 

- Dưới những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng bị sụt giảm. Điều này dẫn tới nhu cầu đối với các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn từ các nước đang phát triển như Việt Nam gia tăng, đặc biệt đối với các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, quần áo, giày dép…Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh sản xuất các sản phẩm này, giá cả thường thấp hơn từ các nước phát triển, lại thêm lợi thế về thuế quan nhờ EVFTA, do đó sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng thị phần ở Đức.

Khó khăn

- Các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nhập khẩu khác của Đức/EU rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam. Các chế tài xử phạt đối với việc vi phạm các quy định nhập khẩu cũng rất nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của Đức có nguy cơ buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu tần suất vi phạm cao (một vài lần trong một khoảng thời gian nhất định), nước nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp kiểm soát chặt hoặc xử lý nghiêm khắc (tăng tần suất, tỷ lệ kiểm tra, cấm nhập khẩu một thời gian…);

- Người tiêu dùng Đức có yêu cầu rất cao về chất lượng, hình thức, thương hiệu, uy tín…của sản phẩm nhập khẩu. Những yêu cầu này thường cao hơn nhiều so với người tiêu dùng ở nhiều nước xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, và thậm chí cả một số thành viên EU khác. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam còn chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất về chất lượng, thường hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại, và ít chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu… Ngoài ra, người dân Đức ngày càng quan tâm đến tiêu dùng bền vững, lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động…. Vì vậy, các nhà nhập khẩu Đức thường yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải có thêm các chứng nhận/chứng chỉ (mà không phải là quy định nhập khẩu bắt buộc) như một số chứng nhận về an toàn thực phẩm, chứng chỉ xã hội, nhãn xanh, nhãn sinh thái… Những yêu cầu này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải mất thêm thời gian và chi phí đáp ứng, do đó cũng giảm mức độ quan tâm với thị trường Đức;

- Đức có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cao dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Đức. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các chi phí vận tải và logistics tăng cao khiến xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trưởng ở xa như Đức bị ảnh hưởng đáng kể;

- Mức độ cạnh tranh tại thị trường Đức hiện tương đối cao. Tính đến nay, EU đã có tổng cộng 42 FTA đã có hiệu lực với 79 đối tác, và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Đức tới thời điểm hiện tại. Trung Quốc và nhiều quốc gia đang được hưởng ưu đãi thuế quan ở EU lại có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tương tự Việt Nam, dẫn tới mức độ cạnh tranh cao.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI