Cơ hội từ EVFTA đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam

Đức là thị trường có nhu cầu tương đối ổn định đối với các sản phẩm thủy sản, trong đó cá hồi, các loại cá phi-lê và tôm là những sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất tại Đức. Năm 2020, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Đức là 15 kg/người/năm tăng so với mức 14,3kg năm 2019 (Statista.com, 2021). Đức cũng là một trong số những quốc gia nhập khẩu thủy sản nhiều nhất tại châu Âu, nguồn nhập khẩu thủy sản của nước này phần lớn (75%) là từ các quốc gia ngoài châu Âu và chủ yếu (59%) từ các quốc gia đang phát triển. Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ các quốc gia đang phát triển của Đức đạt 1,4 tỷ USD với các sản phẩm nhập khẩu chính là cá phi-lê (542 triệu USD), cá đã qua chế biến và bảo quản (402 triệu USD), các sản phẩm tôm (122 triệu USD), các loại động vật giáp xác khác (223 triệu USD) (cbi.eu, 2021).

Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển có thế mạnh sản xuất đa dạng nhiều loại thủy sản, trong đó tôm đông lạnh, cá ngừ, mực là những mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang Đức. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đức trong những năm qua vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của Việt Nam và nhu cầu của thị trường Đức. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Đức đạt 209 triệu USD năm 2010 nhưng giai đoạn sau đó biến động và giảm xuống chỉ còn 189 triệu USD năm 2019, đến năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giá trị kim ngạch chỉ còn là 180 triệu USD (Tổng cục Hải quan, 2021).

Tuy nhiên, với việc thực thi Hiệp định EVFTA, thủy sản của Việt Nam sẽ có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Đức nhờ những lợi ích nổi bật sau:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan

EU/Đức hiện đang duy trì mức thuế MFN và GSP tương đối cao đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, mức thuế MFN và GSP trung bình năm 2021 đối với sản phẩm thủy sản của EU/Đức lần lượt là 11,9% và 7,26%. Trong EVFTA, EU/Đức cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu của Việt Nam như sau:

-    Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 50% số dòng thuế thủy sản;

-    50% số dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 3, 5 hoặc 7 năm; 

-    Riêng đối với cá ngừ đóng hộp và cá viên, áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn/năm và 500 tấn/năm.

Lợi ích từ Cộng gộp xuất xứ

EVFTA cho phép cộng gộp xuất xứ với ASEAN đối với mực và bạch tuộc. Cụ thể, các nguyên liệu mực và bạch tuộc (Thuộc các mã HS 030741 và HS 030751) có xuất xứ từ một nước thành viên ASEAN đã có FTA với EU (hiện tại chỉ có Singapore) sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam khi xác định xuất xứ cho các sản phẩm mực và bạch tuộc đã chế biến hoặc bảo quản (thuộc các mã HS 160551 và HS 160555) của Việt Nam xuất khẩu sang EU (trong đó có Đức). Mặc dù hiện tại chỉ có Singapore có FTA đã có hiệu lực với EU nhưng trong tương lai nếu EU ký kết FTA với một số nước ASEAN khác mà Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều nguyên liệu thủy sản như Indonesia, Thái Lan, Malaysia thì thủy sản Việt Nam sẽ được lợi từ cơ chế cộng gộp này. 

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Trong số 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động trong EVFTA có 02 sản phẩm thủy sản là Mực nướng xắt miếng Hạ Long và Sò Quảng Ninh. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động theo EVFTA này sẽ giúp các sản phẩm thủy sản liên quan khi xuất khẩu sang thị trường Đức có cơ hội gia tăng thương hiệu và giá trị sản phẩm. 

Dưới đây là Bảng cam kết ưu đãi thuế quan của Đức cho sản phẩm thủy sản tươi sống (Chương 03) của Việt Nam:

Mã HS

(Chương)

Sản phẩm

Mức thuế MFN 2021 của EU

Mức thuế GSP 2021 của EU

Cam kết ưu đãi thuế quan của EU cho Việt Nam*

03

Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác

Từ: 0% đến 23%

Trung bình: 10,85%

Từ: 0% đến 19,5%

Trung bình: 6,64%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 220/425 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 108/425 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 78/425 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 19/425 dòng thuế

* Trong Bảng này, các dòng thuế được xóa bỏ "trong vòng X năm" được hiểu là thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn từ ngày 1/1/năm thứ X kể từ khi EVFTA có hiệu lực 

Chi tiết tham khảo Văn kiện Hiệp định EVFTA tại: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập