Cơ hội từ EVFTA đối với sản phẩm rau quả của Việt Nam

Việt Nam được biết đến là quốc gia có nhiều lợi thế về sản xuất và xuất khẩu các loại rau quả nhiệt đới, cận nhiệt đới và cả ôn đới. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 120 loại rau và hàng trăm loại quả khác nhau. Nhờ vào tiến bộ khoa học công nghệ, càng nhiều các loại rau quả trái mùa được trồng và thu hoạch, không những đáp ứng được cả nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ trong đoạn 2010-2020, tăng từ 460 triệu USD năm 2010 lên đến 3,27 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn này là 30,1%. 

Trong khi đó, Đức là nước có nhu cầu lớn và ổn định với các sản phẩm rau quả, và ngày càng ưa chuộng các sản phẩm rau quả nhiệt đới. Đức có nhu cầu nhập khẩu quanh năm và lượng nhập khẩu của quốc gia này ngày càng tăng do người tiêu dùng Đức có xu hướng chuyển hướng sang thử và tiêu dùng các loại rau quả lạ từ các khu vực ngoài EU. Theo số liệu của Statista.com, năm 2020, Đức nhập khẩu khoảng 126 nghìn tấn dứa và hơn 98 nghìn tấn xoài và ổi.

Rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Đức tuy không nhiều nhưng kim ngạch xuất có sự tăng trưởng tốt qua các năm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Đức đã tăng từ 5,8 triệu USD vào năm 2010 lên đến 19,9 triệu USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn này là 12,8%/năm. Một số sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam được người dân EU cũng như người tiêu dùng Đức ưa chuộng là: xoài, dứa, thanh long, chanh leo, chôm chôm…  Với những lợi thế nhất định của ngành và lợi ích từ việc thực thi EVFTA, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Đức được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn trong thời gian sắp tới. 

Các lợi ích mà EVFTA mang lại cho ngành rau quả Việt Nam có thể kể đến là:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan

Rau quả là một trong những nhóm sản phẩm mà EU/Đức vẫn duy trì mức thuế MFN và GSP tương đối cao. Mức thuế MFN và GSP trung bình mà EU áp dụng đối với rau quả của Việt Nam lần lượt là: 13,17% và 9,33%. Trong EVFTA, EU có mức cam kết xóa bỏ thuế quan tương đối cao đối với các sản phẩm rau quả từ Việt Nam, cụ thể:

-    Xóa bỏ thuế quan đối với 514/547 số dòng thuế rau quả (tương đương 94%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực;

-    Xóa bỏ thuế tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị hàng hóa (thuế suất x% giá trị lô hàng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực nhưng vẫn giữ thuế tuyệt đối (x euro/đơn vị khối lượng) (A+EP) đối với 24/547 số dòng thuế (tương đương 4%);

-    Cắt giảm thuế dần về 75 EUR/tấn từ năm 2025 trở đi (R75) cho 1 mã HS 08039010 – Chuối, trừ chuối lá, tươi;

-    Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 03 sản phẩm (8/547 số dòng thuế) là tỏi, ngô ngọt, nấm, với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ đương nhiên theo EVFTA, có đến 20 chỉ dẫn địa lý là các loại trái cây, hạt, bao gồm:

1.    Bưởi Đoan Hùng
2.    Thanh long Bình Thuận
3.    Vải Thanh Hà
4.    Cam Vinh
5.    Vải Lục Ngạn
6.    Xoài Hòa Lộc
7.    Chuối Đại Hoàng
8.    Hồng không hạt Bắc Kạn
9.    Bưởi Phúc Trạch
10.  Hạt dẻ Trùng Khánh
11.   Mãng cầu Bà Đen
12.   Nho Ninh Thuận
13.   Bưởi Tân Triều
14.   Hồng không hạt Bảo Lâm
15.   Quýt Bắc Kạn
16.   Xoài Yên Châu
17.   Bưởi Bình Minh
18.   Bưởi Luận Văn
19.   Vú sữa Vĩnh Kim
20.   Cam Cao Phong

Các sản phẩm rau quả của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ có cơ hội gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường Đức.  

Chi tiết tham khảo Văn kiện Hiệp định EVFTA tại: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập