Cơ hội từ EVFTA đối với sản phẩm cà phê hạt của Việt Nam

Đức được biết đến là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất tại châu Âu. Theo số liệu của Eurostat, năm 2019, Đức chiếm tới 26% lượng tiêu thụ cà phê trên toàn châu Âu với mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người xấp xỉ 6,5kg/người/năm (cao hơn mức trung bình của châu Âu là 5,2kg/người/năm). Ngoài ra, Đức cũng quốc gia nhập khẩu hạt cà phê xanh (cà phê chưa xay) lớn nhất châu Âu. Năm 2019, lượng hạt cà phê xanh nhập khẩu của Đức đạt 1,1 triệu tấn, tương đương 2,3 tỷ euro, chiếm tới 34% tổng nhập khẩu sản phẩm này của toàn châu Âu.

Trong khi đó, theo Tổ chức Cà phê thế giới, Việt Nam, là quốc gia trồng và sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Brazil với sản lượng 29 triệu bao (60kg/bao), chiếm 17% tổng sản lượng cà phê trên toàn cầu năm 2020. Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 5 trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,98 tỷ USD vào năm 2020 (ITC Trademap, 2021).

Với những lợi thế về sản xuất, xuất khẩu cà phê của Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ cà phê lớn của Đức, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong những nguồn cung cà phê lớn nhất của Đức. Mặc dù vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Đức không ổn định và có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, xuất khẩu cà phê hạt của Việt Nam giai đoạn 2010-2017 biến động nhưng theo chiều hướng gia tăng, từ 286 triệu USD năm 2010 lên 567 triệu USD năm 2017, nhưng sau đó lại giảm liên tục xuống còn 385 triệu USD. Tuy thế, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu hạt cà phê lớn thứ 2 vào Đức (sau Brazil) năm 2020. 

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan: EU hiện đang duy trì mức thuế MFN và GSP trung bình đối với sản phẩm cà phê hạt của Việt Nam lần lượt là 4,15% và 2,4%. Trong EVFTA, EU cam kết xóa bỏ 100% số dòng thuế cà phê hạt nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020.

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Trong EVFTA, Đức cam kết bảo hộ cho 01 chỉ dẫn địa lý là cà phê của Việt Nam là Cà phê Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm này khi xuất khẩu sang Đức. 

Chi tiết tham khảo Văn kiện Hiệp định EVFTA tại: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập