Các đối thủ cạnh tranh chính của hàng hóa Việt Nam tại Đức?

Câu hỏi: Các đối thủ cạnh tranh chính của hàng hóa Việt Nam tại Đức?

Trả lời:

Các đối tác nhập khẩu lớn nhất của Đức

Các nước thành viên EU: Do Đức là thành viên EU nên trao đổi hàng hóa giữa nước này với các nước trong khối EU luôn duy trì ở mức cao. Năm 2020, nhập khẩu hàng hóa từ các nước thành viên EU chiếm 52,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức. Trong tốp 10 nước Đức nhập khẩu nhiều nhất thì có tới 8 nước thành viên EU -điều này cũng dễ hiểu bởi 7/8 thành viên đó (trừ Ý) có đường biên giới chung với Đức. Hiện tại hàng hóa nhập khẩu của Đức từ 7 nước láng giềng này lên đến 34,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này.

Trung Quốc, Mỹ: Ngoài các nước thành viên EU, đây là hai nguồn nhập khẩu duy nhất lọt vào trong tốp 10 nguồn nhập khẩu lớn nhất của Đức năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 133,15 tỷ USD (chiếm 11,36%) và từ Mỹ là 77,34 tỷ USD (chiếm 6,6%).

Các đối tác nhập khẩu lớn nhất của Đức hiện đang chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu của nước này đối với đa số các loại hàng hóa. Đây là các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Đức.

Bảng: Tốp 10 nước nhập khẩu nhiều nhất của Đức năm 2020

STT

Đối tác NK

Giá trị NK

(tỷ USD)

Tỷ trọng trong tổng NK của Đức

1

Trung Quốc

133,15

11,36%

2

Hà Lan

89,83

7,67%

3

Mỹ

77,34

6,60%

4

Ba Lan

66,73

5,70%

5

Pháp

64,51

5,51%

6

Ý

61,67

5,26%

7

Thụy Sỹ

52,36

4,47%

8

Séc

49,80

4,25%

9

Áo

44,31

3,78%

10

Bỉ

39,33

3,36%

Nguồn: ITC TradeMap, 2021

Các đối tác đang được hưởng ưu đãi thuế quan của Đức

Ngoài Việt Nam, hiện tại EU đang áp dụng cơ chế GSP và/hoặc có FTA với rất nhiều quốc gia và khu vực khác trên thế giới. Mặc dù điều kiện và mức ưu đãi thuế quan mà hàng hóa từ các nước này được hưởng so với hàng hóa Việt Nam có thể không giống nhau, nhưng với các ưu đãi này, khả năng cạnh tranh từ các nguồn này với Việt Nam là đáng kể. 

-    Đối tác FTA

Tính đến thời điểm cuối năm 2021, EU có tổng cộng 42 FTA đã có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết chờ thông qua, và 5 FTA đang đàm phán. Xét về đối tác, đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có FTA đã có hiệu lực với EU. Như vậy, hàng hóa từ 79 đối tác này khi xuất khẩu sang thị trường Đức sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA với EU. 

Tuy nhiên, cần chú ý là các đối tác FTA này chủ yếu là các quốc gia ở khu vực châu Âu và châu Mỹ. Với khu vực châu Á, EU mới có 12 đối tác FTA, trong đó khu vực Đông Nam Á chỉ có 02 nước là Việt Nam và Singapore. 

Bảng: Các FTA và đối tác FTA của EU

STT

FTA

Đối tác

1

42 FTA đã có hiệu lực

 

- 12 đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam…) trong đó khu vực ASEAN chỉ có Singapore và Việt Nam

- 18 đối tác khu vực châu Âu ngoài EU (Iceland, Nauy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Liechtenstein, Anh…)

- 18 đối tác khu vực châu Phi (Algeria, Botswana, Eswatini, Mozambique, Nam Phi, Zimbabwe…)

- 27 đối tác khu vực châu Mỹ (Mexico, Colombia, Ecuador and Peru, Chile, Canada…)

- 4 đối tác khu vực châu Đại Dương (bao gồm: Đảo Solomon, Samoa, Papua New Guinea, Fiji)

2

02 FTA đã ký kết chờ thông qua

14 đối tác ở Tây Phi

3

05 FTA đang đàm phán

FTA Australia – EU

FTA Trung Quốc – EU

FTA Indonesia - EU

FTA New Zealand – EU

FTA Philippines - EU

Australia, New Zealand, Trung Quốc, Indonesia, Philippines

 

-    Đối tác GSP

GSP là cơ chế ưu đãi thuế quan mà EU đơn phương dành cho các nước đang và kém phát triển. EU hiện đang áp dụng 03 cơ chế GSP khác nhau cho tổng cộng 67 nước, bao gồm:

(i)    Cơ chế EBA (Everything but arms) dành cho các nước kém phát triển nhất (LDCs), theo đó các nước này sẽ được miễn thuế, miễn hạn ngạch đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu sang EU (ngoại trừ vũ khí và đạn dược);

(ii)    Cơ chế GSP tiêu chuẩn (Standard GSP) dành cho các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, theo đó các nước này sẽ được xóa bỏ một phần hoặc toàn bộ thuế quan đối với 2/3 số dòng thuế. Việt Nam hiện đang được hưởng cơ chế GSP này và sẽ chấm dứt từ 1/8/2022 do đã có EVFTA;. 

(iii)    Cơ chế GSP+ (thỏa thuận khuyến khích đặc biệt cho phát triển bền vững và quản trị tốt) dành cho các đối tượng hưởng GSP tiêu chuẩn chấp nhận thêm các yêu cầu bổ sung về tính bền vững, theo đó thuế quan sẽ được giảm về 0% cho các dòng sản phẩm thuộc diện được giảm thuế quan theo GSP tiêu chuẩn.  

Khác với FTA, GSP là cơ chế ưu đãi đơn phương của EU, do đó EU có thể thay đổi đối tượng và điều kiện được hưởng GSP bất kỳ khi nào, tùy thuộc vào chính sách của mình trong từng giai đoạn. Hơn nữa, thuế quan ưu đãi trong trường hợp GSP tiêu chuẩn cũng thường thấp hơn so với thuế quan ưu đãi theo FTA. Mặc dù vậy, việc được cắt giảm thuế quan theo các cơ chế GSP của EU cũng tạo ra lợi thế nhất định cho các nước đối tác của EU được hưởng cơ chế này.

Hiện tại trong ASEAN, EU đang cho Campuchia, Lào, Myanmar được hưởng EBA, và Việt Nam (cho đến hết 31/7/2022), Indonesia được hưởng GSP tiêu chuẩn của khu vực này. Các nước còn lại trong ASEAN ngoại trừ Singapore (đã có FTA với EU) khi xuất khẩu sang thị trường sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi nào ngoài MFN theo WTO.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI