Cơ hội từ EVFTA đối với sản phẩm may mặc của Việt Nam

Đức được biết đến là thị trường nhập khẩu các sản phẩm may mặc (quần áo thành phẩm từ Chương 61 đến 63 trong Hệ thống HS) lớn nhất của EU với nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng. Theo số liệu của ITC Trademap, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng may mặc của Đức tăng đã từ 36,17 tỷ USD năm 2010 lên 48,73 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trung bình của giai đoạn này là 3,43%. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhập khẩu may mặc của Đức vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 12% so với năm 2019.

Còn đối với Việt Nam, may mặc là một ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực, trong đó, EU nói chung và Đức nói riêng là một trong những thị trường xuất khẩu chính. Trong thời gian qua mặc dù bị Đức áp mức thuế quan (MFN hay GSP) tương đối cao nhưng xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang Đức vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Theo số liệu của ITC Trademap, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Đức giai đoạn 2010-2020 đã tăng lên hơn gấp đôi, từ 673 triệu USD năm 2010 lên 1,71 tỷ USD năm 2020 và tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn này là 10% - cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng may mặc trung bình giai đoạn này của Đức từ thế giới là 3,66%.

Trong thời gian tới, với việc thực thi EVFTA, xuất khẩu các sản phẩm may mặc sang Đức được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng khi tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định. Các lợi ích cụ thể mà EVFTA đem lại cho sản phẩm may mặc của Việt Nam bao gồm:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan: Đức hiện đang duy trì mức thuế MFN và GSP tương đối cao đối với các sản phẩm may mặc của Việt Nam. Cụ thể, năm 2021, thuế MFN trung bình của Đức đối với các sản phẩm may mặc là 11,27% còn GSP trung bình là 9,02%. Theo EVFTA, EU/Đức cam kết xóa bỏ 196/418 (tương đương 47%) số dòng thuế cho các sản phẩm may mặc của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020. Số còn lại (khoảng 53%) sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3, 5, hoặc 7 năm. Đây là một cam kết rất cao mà một đối tác FTA từng dành cho các sản phẩm may mặc của Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU và cả các đối thủ đang được hưởng GSP của EU. 

Lợi ích từ Cộng gộp quy tắc xuất xứ

Không những đạt được cam kết cao về thuế quan trong EVFTA, Việt Nam cũng đạt được cam kết tương đối thuận lợi về quy tắc xuất xứ đối với các sản phẩm may mặc trong EVFTA. Cụ thể, quy tắc xuất xứ chủ đạo đối với các sản phẩm may mặc trong EVFTA là “từ vải trở đi”, tức là cho phép Việt Nam nhập khẩu xơ sợi từ các nước thứ ba. Mặc dù quy tắc này chặt so với quy tắc “cắt và may” của nhiều FTA trước đây, so với quy tắc “từ sợi trở đi” của CPTPP thì đây vẫn là điều kiện dễ đáp ứng hơn. 

Ngoài ra, EVFTA còn cho phép cộng gộp nguyên liệu vải nhập khẩu từ Hàn Quốc đối với hàng may mặc. Cụ thể, vải có xuất xứ Hàn Quốc (nước đã có FTA với EU) sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam khi vải đó được dùng làm nguyên liệu để gia công hoặc sản xuất tại Việt Nam cho các sản phẩm may mặc thuộc Chương 61, 62 khi xuất khẩu sang EU. Việt Nam hiện cũng đang nhập khẩu một số lượng vải khá lớn từ Hàn Quốc cho ngành may mặc, do đó đây cũng là một cam kết rất thuận lợi cho sản phẩm may mặc để đáp ứng được quy tắc xuất xứ EVFTA.

Dưới đây là Bảng cam kết ưu đãi thuế quan của Đức cho một số sản phẩm may mặc (Chương 61, 62) của Việt Nam:

Mã HS

(Chương)

Sản phẩm

Mức thuế MFN 2021 của EU

Mức thuế GSP 2021 của EU

Cam kết ưu đãi thuế quan của EU cho Việt Nam*

61

Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

Từ: 8% đến 12%

Trung bình: 11,60%

Từ: 6,4% đến 9,6%

Trung bình: 9,28%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 91/147 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 21/147 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 35/147 dòng thuế

62

Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

Từ: 6,3% đến 12%

Trung bình: 11,56%

Từ: 5% đến 9,6%

Trung bình: 9,25%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 56/194 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 21/194 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 73/194 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 44/194 dòng thuế

* Trong Bảng này, các dòng thuế được xóa bỏ "trong vòng X năm" được hiểu là thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn từ ngày 1/1/năm thứ X kể từ khi EVFTA có hiệu lực 

Chi tiết tham khảo Văn kiện Hiệp định EVFTA tại: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập