Cơ hội từ EVFTA đối với sản phẩm giày dép của Việt Nam

Việt Nam là nhà xuất khẩu giày dép lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ 4 trên thế giới. Đáng chú ý, số lượng giày dép xuất khẩu của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày các loại sang hàng trăm quốc gia trên thế giới. 

Thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu giày dép của Việt Nam (chiếm 22% về kim ngạch năm 2020). Trong đó, xuất khẩu sang Đức chiếm đến 23,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU (Tổng cục Hải quan, năm 2020).

Đức hiện là một trong những thị trường tiêu thụ giày dép lớn nhất trên thế giới. Năm 2018, Đức đứng thứ 7 trong số các quốc gia tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này với tổng lượng tiêu thụ là 451 triệu đôi, tương đương với 2% lượng tiêu thụ giày dép trên toàn cầu (worldfootwear.com, 2019). Nhu cầu nhập khẩu giày dép của Đức cũng gia tăng trong thời gian qua, từ 8 tỷ USD năm 2010 lên đến 12,44 tỷ USD vào năm 2020 (ITC Trademap, 2021). 

Theo số liệu của ITC Trademap, trong giai đoạn trước 2013, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Đức có tăng trưởng nhưng không mạnh, do không được hưởng thuế quan ưu đãi GSP và còn bị áp thuế chống bán phá giá tới 10% giai đoạn 2006-2009. Từ năm 2014 trở đi, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Đức đã gia tăng liên tục, đạt 2,12 tỷ USD năm 2020. Con số xuất khẩu ấn tượng này đã giúp giày dép trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sang Đức, và giúp Việt Nam chiếm vị trí thứ 2 sau Trung Quốc trong số các nước Đức nhập khẩu giày dép lớn nhất. 

Với EVFTA, giày dép Việt Nam xuất khẩu sang Đức sẽ được xóa bỏ 43% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020). Trong số này có nhiều sản phẩm giày dép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Đức như giày dép thể thao, bao gồm giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục…. 57% số dòng thuế giày dép còn lại sẽ được xóa bỏ sau 3, 5 hoặc 7 năm. Đây sẽ là một lợi thế rất lớn cho giày dép của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn khác như Trung Quốc (đang chịu thuế MFN trung bình năm 2021 là 9,95%), hay các nước được hưởng GSP của Đức như Indonesia cũng chỉ được giảm thuế các sản phẩm giày dép xuống mức trung bình 5,99% chứ không được về 0% đối với tất cả các dòng thuế như Việt Nam (nếu tính đến cuối lộ trình). 

Dưới đây là Bảng cam kết ưu đãi thuế quan của Đức cho sản phẩm giày dép của Việt Nam:

Mã HS

(Chương)

Sản phẩm

Mức thuế MFN 2021 của EU 

Mức thuế GSP 2021 của EU

Cam kết ưu đãi thuế quan của EU cho Việt Nam*

64

Giày, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

Từ: 3% đến 17%

Trung bình: 9,95%

Từ: 0% đến 11,9%

Trung bình: 5,99%

- Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 37/86 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 13/86 dòng thuế (giày ống trượt tuyết; Giày dép có đế ngoài bằng da thuộc với mũ giày có đai vòng qua mu bàn chân và quai xỏ ngón chân cái; giày, dép có mũi gắn kim loại bảo vệ; một số loại giày cổ cao quá mắt cá chân; dép lê và giày, dép đi trong nhà…)

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 10/86 dòng thuế (một số loại giày cổ cao quá mắt cá chân; 6405.90.10: Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp)

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 26/86 dòng thuế

* Trong Bảng này, các dòng thuế được xóa bỏ "trong vòng X năm" được hiểu là thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn từ ngày 1/1/năm thứ X kể từ khi EVFTA có hiệu lực 

Chi tiết tham khảo Văn kiện Hiệp định EVFTA tại: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập