Cơ hội từ cam kết về thuế quan của Đức cho hàng hóa Việt Nam trong EVFTA

Các cam kết thuế quan của Đức được nêu trong Chương 2 – “Đối xử Quốc gia và Mở cửa thị trường hàng hóa” của văn kiện EVFTA, bao gồm 2 phần:

  • Phần Lời văn Chương 2 - Đối xử Quốc gia và Mở cửa thị trường hàng hóa

Phần này bao gồm các quy tắc chung liên quan tới thuế quan, áp dụng chung cho cả EU (trong đó có Đức) và Việt Nam (tuy nhiên cũng có một số nội dung nêu cụ thể chỉ áp dụng cho Việt Nam hoặc EU);

  • Phần Phụ lục 2-A – Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan

Phụ lục này bao gồm 05 Tiểu phụ lục, trong đó 01 Tiểu phụ lục liên quan đến cam kết thuế quan của Đức đó là:

  • Tiểu Phụ lục 2-A-1: Biểu cam kết về thuế nhập khẩu của EU (trong đó có Đức) cho hàng hóa Việt Nam

Biểu cam kết thuế quan này nêu cam kết cắt giảm thuế quan cụ thể đối với từng loại hàng hóa (theo mã HS và theo lộ trình từng năm)

Lưu ý với doanh nghiệp

Để biết được cam kết thuế quan ưu đãi của EU (trong đó có Đức) đối với một sản phẩm cụ thể thì doanh nghiệp cần:

 - Xác định mã HS cụ thể của sản phẩm (theo Bảng mã HS của thị trường nhập khẩu)

 - Tra cứu thuế quan đối với sản phẩm đó tại các Tiểu phụ lục 2-A - Phần của Thị trường nhập khẩu

Chú ý: Cần đọc Các điều khoản chung của Phụ lục 2-A để hiểu được từng ký hiệu được sử dụng trong Biểu cam kết thuế quan, sau đó mới tra cứu Biểu cam kết thuế quan (tìm theo mã HS)

 - Nếu có băn khoăn về các vấn đề khác về thuế quan thì đọc các quy tắc cắt giảm thuế quan trong Phần lời văn Chương 2 của văn kiện EVFTA

 

Cam kết về thuế nhập khẩu

Tương tự như Việt Nam, trong EVFTA, EU có cam kết thuế quan nhập khẩu ưu đãi cụ thể cho từng dòng thuế, theo đó EU (trong đó có Đức) sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (01/08/2020), số còn lại sẽ loại bỏ thuế quan theo lộ trình hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Cụ thể, thuế quan ưu đãi EVFTA mà Đức dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như sau:

  • Tại thời điểm 01/08/2020 khi EVFTA có hiệu lực: xoá bỏ thuế quan đối với 85,6% số dòng thuế;
  • Đến thời điểm 01/01/2027, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 99,2% số dòng thuế;
  • Đối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được áp dụng hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm của Việt Nam được áp dụng hạn ngạch trong EVFTA là: Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; và mannitol, sorbitol, dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác.

Lưu ý cơ chế phân bổ hạn ngạch cho Việt Nam theo EVFTA sẽ do EU quy định chung cho toàn lãnh thổ EU theo từng sản phẩm/nhóm sản phẩm cụ thể. Vì vậy sẽ không có hạn ngạch riêng cho thị trường Đức đối với bất kỳ sản phẩm nào. 

Cho tới trước EVFTA, EU chưa có FTA nào với Việt Nam. Do đó về nguyên tắc hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Đức – thành viên EU phải chịu mức thuế MFN mà EU áp dụng cho các nước thành viên WTO. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, EU (trong đó có Đức) đã và đang duy trì cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo cơ chế này, nhiều sản phẩm xuất khẩu đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, da giày, thủy sản… thuộc diện GSP được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn đáng kể so với mức thuế MFN khi nhập khẩu vào thị trường Đức (năm 2021, mức thuế MFN trung bình áp dụng của EU là 4,71%, còn thuế GSP trung bình là 2,35%). Tuy nhiên, EU có quy định về “ngưỡng trưởng thành” đối với các nước/các sản phẩm được hưởng GSP. Quy định này hiểu đơn giản là khi tổng thu nhập quốc gia hoặc kim ngạch xuất khẩu một loại hàng hóa nào đó của Việt Nam đạt đến một ngưỡng nhất định thì không được hưởng ưu đãi GSP nữa.

Cho đến thời điểm hiện tại, mức thuế GSP mà EU đơn phương dành cho Việt Nam ở mức tương đối thấp. Trong so sánh ở giai đoạn đầu thực hiện EVFTA, một số sản phẩm xuất khẩu có lộ trình xóa bỏ thuế quan dài (5-7 năm) nên thuế EVFTA áp dụng đối với các sản phẩm này có thể cao hơn so với thuế GSP hiện tại mà sản phẩm đó đang được hưởng. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, trong EVFTA, EU cam kết xóa bỏ tới 85,6% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 99,2% số dòng thuế được xóa bỏ sau 7 năm. Như vậy, đến cuối lộ trình gần như toàn bộ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU (trong đó có Đức) sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, trong khi GSP chỉ có ưu đãi với một số nhóm sản phẩm và mức ưu đãi không phải lúc nào cũng là 0%. Do đó, xét về lâu dài, so với thuế GSP thì thuế EVFTA sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp.

Lưu ý với doanh nghiệp

Theo quy định của EU về GSP khi có FTA, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế GSP song song cùng EVFTA trong thời gian 02 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (tức là đến hết 31/07/2022).

Đồng thời, theo quy định trong EVFTA thì mức thuế ưu đãi EVFTA áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ không cao hơn các mức thuế mà EU áp dụng đối với hàng hóa đó tại thời điểm ngay trước khi EVFTA có hiệu lực. Điều này có nghĩa là:

  • Trong khoảng thời gian từ 01/08/2020 đến 31/07/2022: Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng EVFTA hay GSP tùy thuộc vào thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào có lợi cho doanh nghiệp. Trường hợp chọn ưu đãi GSP thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ của GSP; trường hợp chọn ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA.
  • Kể từ ngày 01/08/2022: Cơ chế ưu đãi thuế quan GSP sẽ tự động chấm dứt, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Tuy nhiên EVFTA cho phép trong trường hợp thuế EVFTA cao hơn thuế GSP thì vẫn được hưởng thuế GSP. Dù chọn mức thuế ưu đãi nào, sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA.

Đây là cam kết linh hoạt, rất có lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU do được đảm bảo rằng mức thuế EVFTA áp dụng sẽ luôn là mức thuế thấp hơn hoặc ít nhất là bằng mức thuế GSP tại thời điểm 01/08/2020.

 

Dưới đây là Bảng tổng hợp cam kết của Đức trong EVFTA đối với một số nhóm sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Có thể thấy với các nhóm sản phẩm đang có thuế MFN hoặc GSP ở mức trung bình thấp thì sẽ được Đức xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (đối với tất cả hoặc phần lớn các dòng sản phẩm). Còn đối với các nhóm sản phẩm hiện vẫn đang duy trì mức thuế MFN và GSP cao thì khoảng phân nửa được xóa bỏ thuế ngay khi có hiệu lực, còn lại là xóa bỏ theo lộ trình (riêng một số sản phẩm quả và quả hạch thuộc Chương 08 chỉ xóa bỏ thuế %, vẫn giữ thuế tuyệt đối).

Như vậy, so với các mức thuế quan MFN và GSP mà Đức đang áp dụng thì thuế quan EVFTA đem lại các lợi thế lớn cho các nhóm sản phẩm xuất khẩu sau của Việt Nam: Giày dép (Chương 64), Quần áo (Chương 61,62), Thủy sản (Chương 3), Nhựa (Chương 39), Quả và quả hạch (Chương 08).

Bảng: Cam kết ưu đãi thuế quan của Đức cho tốp 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong EVFTA

Mã HS

(Chương)

Sản phẩm

Mức thuế MFN 2021 của EU

 

Mức thuế GSP 2021 của EU

Cam kết ưu đãi thuế quan của EU cho Việt Nam*

85

Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

Từ: 0% đến 14%

Trung bình: 2,08%

Từ: 0% đến 9,8%

Trung bình: 0,29%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 450/500 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 35/500 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 15/500 dòng thuế

84

Máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

Từ: 0% đến 9,7%

Trung bình: 1,85%

Từ: 0% đến 2,2%

Trung bình: 0%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với tất cả 873/873 dòng thuế

64

Giày, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

Từ: 3% đến 17%

Trung bình: 9,95%

Từ: 0% đến 11,9%

Trung bình: 5,99%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 37/86 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 13/86 dòng thuế (giày ống trượt tuyết; Giày dép có đế ngoài bằng da thuộc với mũ giày có đai vòng qua mu bàn chân và quai xỏ ngón chân cái; giày, dép có mũi gắn kim loại bảo vệ; một số loại giày cổ cao quá mắt cá chân; dép lê và giày, dép đi trong nhà…)

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 10/86 dòng thuế (một số loại giày cổ cao quá mắt cá chân; 6405.90.10: Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp)

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 26/86 dòng thuế

61

Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

Từ: 8% đến 12%

Trung bình: 11,60%

Từ: 6,4% đến 9,6%

Trung bình: 9,28%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 91/147 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 21/147 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 35/147 dòng thuế

62

Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

Từ: 6,3% đến 12%

Trung bình: 11,56%

Từ: 5% đến 9,6%

Trung bình: 9,25%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 56/194 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 21/194 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 73/194 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 44/194 dòng thuế

94

Đồ nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm, nệm và các đồ dùng nhồi tương tự; đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; biển hiệu được chiếu sáng, biển đề tên được chiếu sáng và các loại tương tự; nhà lắp ghép

Từ: 0% đến 5,7%

Trung bình: 2,46%

Từ: 0% đến 2,2%

Trung bình: 0,16%

 -Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với tất cả 77/77 dòng thuế

03

Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác

Từ: 0% đến 23%

Trung bình: 10,85%

Từ: 0% đến 19,5%

Trung bình: 6,64%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 220/425 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 108/425 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 78/425 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 19/425 dòng thuế

72

Sắt và thép

Từ: 0% đến 7%

Trung bình: 0,23%

Từ: 0% đến 3,5%

Trung bình: 0,08%

 -Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 341/344 dòng thuế

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 3/344 dòng thuế (Ferro-crôm có hàm lượng carbon không quá 4% tính theo trọng lượng)

39

Plastic và các sản phẩm bằng plastic

Từ: 0% đến 6,5%

Trung bình: 5,46%

Từ: 0% đến 3%

Trung bình: 0,90%

-Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với tất cả 205/205 dòng thuế

08

Quả và quả hạch (nuts) ăn được; vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa

Từ: 0% đến 20,8%

Trung bình: 7.14%

Từ: 0% đến 20,8%

Trung bình: 4,49%

 -Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 107/124 dòng thuế

-Xóa bỏ thuế tính theo giá trị hàng hóa (%) ngay khi EVFTA có hiệu lựa nhưng vẫn giữ nguyên thuế tuyệt đối (A+EP) đối với 16/124 dòng thuế

- 1 dòng thuế (mã HS 0803.90.10: chuối tươi trừ chuối lá) sẽ được giảm thuế theo quy định cụ thể tại Phụ lục 2-A và về mức 75 EUR/tấn vào năm 2025 trở đi

*Trong Bảng này, các dòng thuế được xóa bỏ "trong vòng X năm" được hiểu là thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn từ ngày 1/1/năm thứ X kể từ khi EVFTA có hiệu lực

Cam kết về thuế xuất khẩu

Khác với Việt Nam, EU cam kết loại bỏ hoàn toàn thuế xuất khẩu đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam. Do đó, sẽ không có loại hàng hóa nào từ Đức xuất khẩu sang Việt Nam theo EVFTA bị áp thuế xuất khẩu.

Lưu ý với doanh nghiệp

Doanh nghiệp có thể tra cứu các mức thuế quan mà EU (trong đó có Đức) áp dụng từng năm đối với từng sản phẩm (thuế MFN, GSP, thuế quan ưu đãi FTA như EVFTA) từ một nước bất kỳ (trong đó có Việt Nam) tại Cơ sở dữ liệu về Tiếp cận Thị trường của EU (Access2Market) tại đường dẫn sau: https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content

 

Chi tiết tham khảo Văn kiện Hiệp định EVFTA tại: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập