Thị trường Đức có những đặc điểm gì đáng lưu ý đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam?

Câu hỏi: Thị trường Đức có những đặc điểm gì đáng lưu ý đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam? 

Trả lời:

Quy mô thị trường

Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ 4 trên thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, tổng GDP của Đức đạt 3.806 tỷ USD (chỉ đứng sau Mỹ: 20.937 tỷ USD, Trung Quốc: 14.723 tỷ USD, Nhật Bản: 5.065 tỷ USD). GDP cũng thể hiện sức mua của một nền kinh tế, và vì vậy không ngạc nhiên khi Đức là một trong những thị trường có sức mua lớn nhất thế giới. 

Hình: GDP Đức giai đoạn 2011-2020

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2021

Trong một thập kỷ qua, GDP của Đức biến động không đều qua các năm và tăng nhẹ từ 3.744 tỷ USD vào năm 2011 lên 3.806 tỷ USD vào năm 2020. Hai năm trở lại đây, nền kinh tế nước này cũng có xu hướng suy giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến tác động của căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn (EU - Mỹ, Mỹ - Trung….), ảnh hưởng từ việc Anh rời khỏi EU, và đặc biệt từ năm 2020 là do sự bùng nổ của đại dịch COVID-19. Trung bình trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng GDP của Đức là 1,39%, cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình của EU giai đoạn này (0,72%).

Nền kinh tế của Đức khá ổn định với các chỉ số kinh tế vĩ mô như tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp của Đức được duy trì ở mức thấp. Trong giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ lạm phát trung bình của Đức là 1,64% và tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 4,47%.

Về dân số, Đức là một trong những nước phát triển có quy mô dân số tương đối lớn, với khoảng 83,2 triệu dân - đứng thứ 19 trên thế giới và đứng thứ 2 tại châu Âu năm 2020, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Đức cũng thuộc nhóm các nước có thu nhập cao trên thế giới với GDP bình quân đầu người đạt 45.724 USD/năm vào năm 2020, đứng thứ 16 trên thế giới (Statisticstimes.com). Vì thế, người tiêu dùng Đức có khả năng chi trả mức cao cho các hàng hóa tiêu dùng.

Xuất nhập khẩu

Đức là quốc gia nằm ở khu vực Trung Âu có đường biên giới với 9 nước, trải dài từ dãy Alpen, qua đồng bằng Bắc Âu đến biển Bắc và biển Baltic, với diện tích 349.380 km2 (đứng thứ 7 châu Âu). Với vị trí địa lý thuận lợi như vậy, hoạt động thương mại của Đức rất phát triển, chiếm đến 81,1% GDP của nước này (Ngân hàng Thế giới, 2021). 

Tại Đức, người dân sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, ngoài tiếng Đức mẹ đẻ, có đến 56% dân số Đức sử dụng tiếng Anh, ngoài ra còn có Tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đức trong việc giao thương với quốc tế.

Trong nhiều năm qua, Đức vẫn duy trì là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc). Theo thống kê của ITC Trademap, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đức là 2.550 tỷ USD (chiếm khoảng 67% GDP của Đức), trong đó xuất khẩu đạt 1.378 tỷ USD còn nhập khẩu đạt 1.172 tỷ USD. 

Đức là nước có ngành công nghiệp chế tạo hàng đầu thế giới, và mặc dù có thể tự đáp ứng một phần nhu cầu, nước này vẫn có nhu cầu lớn trong nhập khẩu các sản phẩm phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu…bên cạnh nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng. Dưới đây là bảng tổng hợp những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Đức trong năm 2020.

Bảng: Các sản phẩm nhập khẩu chính của Đức năm 2020

STT

Mặt hàng nhập khẩu (NK) chính của Đức

Kim ngạch NK năm 2020 (tỷ USD)

Tỷ trọng trong tổng NK

1

Chương 84: Máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

             149,87

12,79%

2

Chương 85: Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

             149,32

12,74%

3

Chương 87: Xe trừ phương tiện chạy trên đường sắt hoặc đường tàu điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng.

             123,18

10,51%

4

Chương 27: Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng; các loại sáp khoáng chất

               77,80

6,64%

5

Chương 30: Dược phẩm

               65,80

5,62%

6

Chương 90: Dụng cụ và thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng

               42,73

3,65%

7

Chương 39: Plastic và các sản phẩm bằng plastic

               41,96

3,58%

8

Chương 29: Hóa chất hữu cơ

               37,81

3,23%

9

Chương 71: Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý, và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại

               29,23

2,50%

10

Chương 73: Các sản phẩm bằng sắt hoặc thép

               21,94

1,87%

Nguồn: ITC Trademap 2021

Đối với nông sản, mặc dù tỷ trọng trong tổng nhập khẩu không lớn, Đức vẫn là nước EU nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm rau quả tươi và chế biến (23,1 tỷ USD), chè – cà phê – gia vị (4 tỷ USD), thủy sản chế biến (1,65 tỷ USD), mật ong (274 triệu USD)… năm 2020 (Trademap ITC)

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI