Các cam kết EVFTA về Quyền tác giả, Nhãn hiệu, Kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế?

Câu hỏi: Các cam kết EVFTA về Quyền tác giả, Nhãn hiệu, Kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế?

Trả lời:

So với TRIPS và pháp luật Việt Nam, các cam kết về Quyền tác giả, Nhãn hiệu, Kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế trong EVFTA có một số điểm mới đáng chú ý sau đây:

Quyền tác giả và các quyền liên quan

- Trong vòng 03 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, Việt Nam phải tham gia 02 Hiệp ước của WIPO là: Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WIPO Copyright Treaty - WCT) và Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WIPO Performances and Phonograms Treaty – WPPT). Nói cách khác, Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ trong 02 Hiệp ước này;

- Một số quy định chi tiết về quyền tác giả và quyền liên quan mà pháp luật hiện hành chưa quy định rõ;

- Định nghĩa chi tiết hơn và mở rộng phạm vi các hành vi bị coi là xâm phạm các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả (PTMs) và các thông tin quản lý quyền (RMI) so với quy định của pháp luật hiện hành;

- Có thể quy định về quyền của nghệ sĩ đối với việc bán lại tác phẩm.

Nhãn hiệu 

- Về thủ tục đăng ký nhãn hiệu: Nếu từ chối đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản nêu lý do từ chối;

- Về hệ thống cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu: Việt Nam phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử công khai về các đơn đăng ký nhãn hiệu đã công bố và các nhãn hiệu đã đăng ký;

- Căn cứ thu hồi nhãn hiệu: Tiêu chí không sử dụng “thực sự” nhãn hiệu trong vòng 05 năm liên tục kể từ ngày đăng ký;

- Ngoại lệ về quyền sử dụng các thuật ngữ có tính mô tả trong một nhãn hiệu đã đăng ký bởi bất kỳ ai khác miễn là việc sử dụng đó là trung thực, phù hợp với thực tiễn thương mại.

Kiểu dáng công nghiệp

- Việt Nam phải gia nhập và bảo đảm thực thi các quy định của Hiệp định Hague về Đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp;

- Đối tượng được bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp không chỉ bao gồm Kiểu dáng tổng thể của sản phẩm hoàn chỉnh mà cả Kiểu dáng của linh kiện, bộ phận của sản phẩm nếu đó là linh kiện, bộ phận có thể nhìn thấy trong quá trình sử dụng thông thường của sản phẩm;

- Kiểu dáng công nghiệp phải được xem như một đối tượng có thể được bảo hộ theo quyền tác giả;

- Không bảo hộ các kiểu dáng đương nhiên/bắt buộc. 

Sáng chế

- Quyền áp dụng Tuyên bố DOHA để tiếp cận những sáng chế về dược phẩm phục vụ cho lợi ích cộng đồng;

- Nghĩa vụ “bù đắp” về thời hạn bảo hộ cho các trường hợp thời gian bảo hộ sáng chế đối với dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm.

Các cam kết mới ở các khía cạnh này giúp gia tăng mức độ bảo hộ quyền cho các doanh nghiệp có các sản phẩm SHTT, vì vậy được cho là sẽ tạo ra hành lang pháp lý an toàn hơn, giúp các nhà sản xuất, xuất khẩu Đức yên tâm hơn khi kinh doanh với Việt Nam. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các sản phẩm trí tuệ, việc triển khai thực thi các cam kết này có thể làm gia tăng chi phí tuân thủ.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI