EVFTA có cam kết gì đáng chú ý về Chỉ dẫn địa lý?

Câu hỏi: EVFTA có cam kết gì đáng chú ý về Chỉ dẫn địa lý?

Trả lời:

Chỉ dẫn địa lý là đối tượng SHTT mà EU đặc biệt quan tâm, do EU có khá nhiều các sản phẩm được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, vì vậy các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA khá đồ sộ, với nội dung đặc thù, không giống với các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong các Hiệp định, thỏa thuận về SHTT. Ngoài ra, cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA cũng có phạm vi áp dụng đặc thù, trong khi các cam kết liên quan đến SHTT khác trong EVFTA có phạm vi áp dụng chung cho tất cả các nhóm chủ thế.

Trong EVFTA, cam kết về chỉ dẫn địa lý có các nội dung đáng chú ý sau:

- Về đối tượng bảo hộ: các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA chỉ áp dụng đối với 03 nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ lãnh thổ Việt Nam hoặc EU bao gồm: rượu vang, rượu mạnh; nông sản; thực phẩm.

- Về cơ chế bảo hộ: tuy không đề cập trực tiếp nhưng EVFTA yêu cầu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng, độc lập với cơ chế bảo hộ “nhãn hiệu”.

- Về mối quan hệ với nhãn hiệu: EVFTA ghi nhận quyền được bảo hộ nhãn hiệu dù có tên gọi giống với chỉ dẫn địa lý nhưng đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp trước thời điểm EVFTA có hiệu lực hoặc trước ngày đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó được nộp cho cơ quan có thẩm quyền.

- Về các trường hợp được bảo hộ đương nhiên: Phụ lục 12-A, Chương 12 của EVFTA liệt kê 169 chỉ dẫn địa lý của EU và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam mà hai bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại…

EVFTA quy định quy tắc bảo hộ riêng với các chỉ dẫn địa lý đương nhiên này, ví dụ Việt Nam và EU phải có biện pháp pháp lý để chủ thể quyền thực hiện việc: 

- Ngăn cản việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm không xuất phát từ khu vực địa lý của nước xuất xứ liệt kê, hoặc xuất phát từ nước xuất xứ nhưng không được sản xuất/gia công phù hợp với pháp luật nước xuất xứ; riêng với “Champagne” thì nghĩa vụ này được hoãn 10 năm với Việt Nam; 

- Ngăn chặn việc sử dụng trình bày trên nhãn mác hoặc giới thiệu theo cách khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ của sản phẩm; 

- Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến chỉ dẫn địa lý đó.

Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ đương nhiên theo EVFTA

1.    Nước mắm Phú Quốc

2.    Trà Mộc Châu

3.    Hạt cà phê Buôn Ma Thuột

4.    Bưởi Đoan Hùng

5.    Thanh long Bình Thuận

6.    Hoa hồi Lạng Sơn

7.    Vải Thanh Hà

8.    Nước mắm Phan Thiết

9.    Gạo Hải Hậu

10.    Cam Vinh

11.    Trà Tân Cương

12.    Gạo Hồng Dân

13.    Vải Lục Ngạn

14.    Xoài Hòa Lộc

15.    Chuối Đại Hoàng

16.    Vỏ quế Văn Yên

17.    Mắm tôm Hậu Lộc

18.    Hồng không hạt Bắc Kạn

19.    Bưởi Phúc Trạch

20.    Gạo Bảy Núi

21.    Hạt dẻ Trùng Khánh

22.    Mãng cầu Bà Đen

23.    Cói khô Nga Sơn

24.    Vỏ quế Trà My

25.    Nho Ninh Thuận

26.    Bưởi Tân Triều

27.    Hồng không hạt Bảo Lâm

28.    Quýt Bắc Kạn

29.    Xoài Yên Châu

30.    Mật ong bạc hà Mèo Vạc

31.    Bưởi Bình Minh

32.    Mực nướng xắt miếng Hạ Long

33.    Muối Bạc Liêu

34.    Bưởi Luận Văn

35.    Hoa Mai Vàng Yên Tử

36.    Sò Quảng Ninh

37.    Gạo Điện Biên

38.    Vú sữa Vĩnh Kim

39.    Cam Cao Phong

 

Các chỉ dẫn địa lý của Đức được bảo hộ đương nhiên theo EVFTA

1.    Bia Bayerisches Bier

2.    Bánh hạnh nhân Lübecker Marzipan

3.    Xúc xích Nürnberger Bratwurst; Nürnberger Rostbratwürste

4.    Bia Münchener Bier

5.    Giăm bông Schwarzwälder Schinken

6.    Rượu mạnh Korn / Kornbrand

7.    Rượu vang Franken

8.    Rượu vang Mittelrhein

9.    Rượu vang Mosel

10.    Rượu vang Rheingau

11.    Rượu vang Rheinhessen

12.    Rượu mạnh Genièvre / Jenever / Genever

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI