Các cam kết đáng chú ý của EVFTA về sở hữu trí tuệ?

Câu hỏi: Các cam kết đáng chú ý của EVFTA về sở hữu trí tuệ?

Trả lời:

EVFTA có một Chương riêng (Chương 12) về Sở hữu trí tuệ (SHTT). So với Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền SHTT (TRIPS) của WTO thì EVFTA có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và có mức độ bảo hộ cao hơn ở một số khía cạnh SHTT. 

Về nội dung các cam kết về SHTT trong EVFTA được phân ra thành 03 nhóm chủ yếu, bao gồm:

- Nhóm các nguyên tắc chung: Nhóm này bao gồm các nguyên tắc (i) Nguyên tắc phù hợp WTO: EVFTA nhấn mạnh việc tiếp tục các cam kết về SHTT trong Hiệp định TRIPS, (ii) Nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN): Việt Nam và EU cam kết dành cho công dân của nhau mức độ SHTT không kém hơn mức bảo hộ dành cho công dân của bất kỳ một nước thứ ba nào khác ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ theo Điều 4,5 TRIPS, (iii) Nguyên tắc cạn quyền: Việt Nam và EU được quyền tự do quy định về cạn quyền SHTT miễn là phù hợp với TRIPS.

Trên cơ bản thì các nguyên tắc này không tạo ra thay đổi gì lớn trong nghĩa vụ của Việt Nam về vấn đề này ngoài nguyên tắc về MFN, theo đó nếu Việt Nam có cam kết nào cao hơn bảo hộ SHTT cho bất kỳ đối tác nào trong các Thỏa thuận hiện tại (ví dụ CPTPP) hoặc tương lai thì cũng phải cho đối tác EU hưởng mức tương tự.

- Nhóm các cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể: Nhóm này bao gồm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ cụ thể đối với từng loại trong số 08 đối tượng quyền SHTT (quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng). Phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của TRIPS. Tuy nhiên, EVFTA cũng bổ sung thêm một số tiêu chuẩn bảo hộ mới, cụ thể ở từng đối tượng quyền SHTT.

- Nhóm các cam kết liên quan đến các biện pháp thực thi quyền SHTT: Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, theo hướng: (i) Trao quyền cao hơn cho các cơ quan thực thi (đặc biệt là cơ quan hải quan và cơ quan có thẩm quyền khác tại biên giới) và chủ sở hữu quyền, (ii) Nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.

Một số trong các cam kết này có tiêu chuẩn cao hơn pháp luật SHTT hiện hành của Việt Nam và vì vậy các quy định pháp luật liên quan sẽ phải sửa đổi tương ứng, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động liên quan của các doanh nghiệp (cả ở góc độ chủ thể quyền SHTT và chủ thể sử dụng sản phẩm trí tuệ). Từ góc độ xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức, các nhóm cam kết về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả-quyền liên quan và các biện pháp thực thi quyền SHTT tại biên giới được đánh giá là các cam kết có ảnh hưởng đáng kể nhất mà doanh nghiệp cần chú ý.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI