Các cam kết EVFTA về phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ)?

Câu hỏi: Các cam kết EVFTA về phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ)?

Trả lời:

Các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cho phép nước nhập khẩu bảo vệ ngành sản xuất nội địa của nước mình trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá, bán hàng hóa được trợ cấp) hoặc nhập khẩu ồ ạt hàng hóa nước ngoài gây thiệt hại đáng kể hoặc nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa. Thông thường các biện pháp này được thể hiện dưới dạng áp dụng các loại thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu liên quan.

Theo quy định của WTO, để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), nước nhập khẩu phải tiến hành điều tra theo các quy trình, thủ tục chặt chẽ, phù hợp với các nguyên tắc trong Hiệp định chống bán phá giá (ADA), chống trợ cấp (CVA), tự vệ (SG) của WTO. 

Trong Hiệp định EVFTA, Chương PVTM (Chương 3) nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc và yêu cầu trong WTO về các biện pháp này, đồng thời bổ sung một số cam kết mới, đáng chú ý như: (i) Một số yêu cầu cụ thể về quy trình thủ tục, điều kiện áp dụng và mức thuế áp dụng đối với các biện pháp CBPG và CTC; (ii) Các quy định mới về biện pháp tự vệ song phương, một số yêu cầu bổ sung đối với biện pháp tự vệ toàn cầu. 

  • Chống bán phá giá, chống trợ cấp

- Cam kết về quy trình, thủ tục tiến hành các vụ kiện CBPG, CTC: Các Cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực CBPG, CTC của EU và Việt Nam trong các vụ việc liên quan tới hàng hóa của nhau phải công khai bằng văn bản tất cả các thông tin và dữ liệu sử dụng để ra kết luận điều tra; phải cho các bên liên quan cơ hội bình luận trong khoảng thời gian hợp lý; sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong trao đổi thông tin trong vụ việc…

- Cam kết mới về mức thuế CBPG và CTC: Theo WTO, mức thuế CBPG, CTC cao nhất có thể áp dụng là bằng mức biên độ phá giá/trợ cấp, nhưng WTO khuyến nghị các nước “không nên cứng nhắc” và “nên” áp dụng mức thuế thấp hơn nếu mức đó đã đủ để loại bỏ thiệt hại của ngành sản xuất nội địa (thường gọi là quy tắc “mức thuế thấp hơn”). EVFTA không quy định khác về vấn đề này so với WTO nhưng nhấn mạnh hơn nghĩa vụ xem xét áp dụng “mức thuế thấp hơn”. Cụ thể, thay vì chỉ khuyến khích như WTO, EVFTA đòi hỏi Việt Nam và EU “nỗ lực đảm bảo” áp dụng quy tắc này.

- Cam kết về điều kiện áp dụng biện pháp CBPG và CTC: Theo WTO, để có thể áp dụng biện pháp CBPG/CTC thì nước nhập khẩu cần chứng minh sự tồn tại đồng thời của cả 03 điều kiện là: (i) Hàng nhập khẩu được bán phá giá/trợ cấp với biên độ trên mức tối thiểu; (ii) Có thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại đáng kể với ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu và (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá/trợ cấp của hàng nhập khẩu với thiệt hại của ngành sản xuất nội địa. Tuy nhiên, theo cam kết EVFTA, kể cả khi chứng minh đủ 03 điều kiện trên, Việt Nam và EU vẫn sẽ không áp dụng các biện pháp CBPG/CTC nếu các thông tin sẵn có từ điều tra cho kết luận rõ ràng việc áp dụng các biện pháp này không phù hợp với “lợi ích công cộng”.

Hiện tại, pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp của Việt Nam không có quy định về điều kiện “lợi ích công cộng” này. Do đó, để thực hiện cam kết về vấn đề này, từ sau khi EVFTA có hiệu lực, riêng đối với các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, Việt Nam sẽ vẫn phải bảo đảm tính tới cả yếu tố “lợi ích công cộng” trước khi áp dụng các biện pháp liên quan; còn với các vụ điều tra đối với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường khác thì Việt Nam không cần phải xem xét tới yếu tố “lợi ích công cộng” này. Về phía EU, pháp luật khối này hiện đã đang quy định “lợi ích công cộng” là một yếu tố phải xem xét khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Điều kiện về “lợi ích công cộng” trong EVFTA được cho là sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu của EU (trong đó có Đức) trong trường hợp Việt Nam tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp bởi điều kiện này khiến việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp khó khăn hơn. Cũng như vậy, lợi ích của các doanh nghiệp nhập khẩu, các nhóm sử dụng sản phẩm nhập khẩu sẽ được cân nhắc đầy đủ hơn.

  • Tự vệ

Bên cạnh biện pháp tự vệ toàn cầu thực hiện theo WTO, EVFTA có cam kết mới về biện pháp tự vệ song phương trong giai đoạn 10 năm đầu. Biện pháp tự vệ song phương chỉ được phép áp dụng nếu hàng nhập khẩu gia tăng dưới tác dụng của việc cắt giảm thuế theo EVFTA và bảo đảm tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ:

- Điều kiện áp dụng: Sự gia tăng của hàng nhập khẩu từ Bên kia do việc cắt giảm thuế theo Hiệp định; và là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất nội địa của hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp.

- Thủ tục điều tra: Ngoài các quy định của WTO về điều tra tự vệ, EVFTA bổ sung thêm các yêu cầu: (i) Phải tham vấn song phương với Bên kia trước khi khởi xướng điều tra; (ii) Thời hạn điều tra là 01 năm; (iii) Trong trường hợp đặc biệt, có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong quá trình điều tra nhưng không quá 200 ngày.

- Hình thức tự vệ: Chỉ có thể áp dụng dưới các hình thức (i) tạm ngừng cắt giảm thuế quan theo cam kết tại Hiệp định, (ii) tăng thuế nhưng không vượt quá mức thuế thấp hơn trong số 02 mức thuế là MFN tại thời điểm áp dụng biện pháp tự vệ và mức thuế đàm phán cơ sở ban đầu.

- Cách thức áp dụng: Thời hạn áp dụng không quá 02 năm, có thể gia hạn tối đa 02 năm nữa; Bên áp dụng biện pháp tự vệ phải tham vấn với bên kia về việc bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ ngày áp dụng biện pháp tự vệ song phương. Sau 30 ngày tham vấn, nếu không đạt được thỏa thuận đền bù, Bên bị áp dụng biện pháp tự vệ có thể thực hiện biện pháp trả đũa bằng cách tạm ngưng các nhượng bộ thuế quan nhưng phải sau 24 tháng kể từ khi biện pháp tự vệ có hiệu lực.

Cần chú ý là từ góc độ của EU, các vụ điều tra và biện pháp PVTM mà EU áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sẽ thực hiện trên toàn lãnh thổ EU, không phụ thuộc vào việc hàng Việt Nam nhập khẩu vào Đức hay nước thành viên nào của EU. Cũng như vậy, trường hợp Việt Nam áp dụng biện pháp PVTM đối với một loại hàng hóa nào đó của EU, biện pháp này sẽ được thực hiện đối với hàng hóa của toàn EU, dù là của Đức hay của nước nào khác trong EU.

Tình hình sử dụng các biện pháp PVTM ở EU và Việt Nam

EU là khu vực sử dụng tương đối thường xuyên các công cụ PVTM. Theo số liệu thống kê của WTO, tính từ 01/01/1995 (thời điểm thành lập WTO) đến hết năm 2020, EU đã khởi xướng điều tra tổng cộng 533 vụ chống bán giá, 89 vụ chống trợ cấp và 6 vụ tự vệ. Đối với Việt Nam, ngoài các vụ tự vệ (áp dụng chung cho hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước), EU đã khởi xướng điều tra 4 vụ chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, và 6 vụ tự vệ đối với các sản phẩm như: giày da, xe đạp, ống tuýp thép, chốt cài inox, sản phẩm sợi… Tính đến thời điểm hiện tại, EU đã chấm dứt hầu hết các biện pháp PVTM áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, chỉ còn đang áp thuế tự vệ đối với một số sản phẩm thép. 

Về phía Việt Nam, trong những năm gần đây, công cụ PVTM cũng bắt đầu được sử dụng nhiều hơn. Tính tới 10/2021, Việt Nam đã khởi xướng tổng cộng 16 vụ kiện chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp và 6 vụ tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa từng kiện phòng vệ với sản phẩm nào của EU.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI