Cam kết EVFTA về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)?

Câu hỏi: Cam kết EVFTA về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)? 

Trả lời:

Biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) là tất cả các quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, động thực vật thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm và/hoặc ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh có nguồn gốc từ động thực vật. 

Là các quốc gia phát triển có thu nhập khẩu, các thành viên EU nói chung và Đức nói riêng rất quan tâm đến các biện pháp SPS và đặt ra các tiêu chuẩn rất cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là một trong những rào cản khó khăn nhất đối với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, khi tiếp cận thị trường EU.

EVFTA có một Chương riêng về SPS (Chương 6), bên cạnh việc nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ về SPS theo WTO, chương SPS của EVFTA còn bổ sung thêm một số cam kết mới, trong đó đáng chú ý có:

  • Áp dụng thống nhất các Biện pháp SPS đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam hoặc EU

- Biện pháp SPS phải được áp dụng thống nhất đối với toàn bộ lãnh thổ của Bên xuất khẩu (ngoại trừ hàng hóa từ các vùng có nguy cơ).

Đối với Việt Nam, nghĩa vụ này được hiểu là thủ tục kiểm soát về SPS của Việt Nam đối với hàng EU nhập khẩu phải được áp dụng thống nhất, dù hàng hóa đó là đến từ lãnh thổ của Đức hay bất kỳ thành viên EU nào khác. Tuy nhiên, trong trường hợp có nguy cơ dịch bệnh và sâu bệnh, Việt Nam hoặc EU có quyền áp dụng các biện pháp SPS riêng theo phân vùng địa lý theo mức độ nguy cơ (nguy cơ cao, thấp, không có nguy cơ). Chẳng hạn nếu dịch bệnh có nguy cơ cao ở Pháp nhưng không có nguy cơ ở Đức thì Việt Nam sẽ chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với sản phẩm của Pháp mà không áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Đức. 

  • Thống nhất về cơ quan có thẩm quyền quản lý SPS của Việt Nam và EU

Việc tồn tại quá nhiều cơ quan cùng quản lý các vấn đề SPS dẫn đến tình trạng chồng lấn, vướng mắc trong quản lý SPS, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Nhằm giải quyết một phần tình trạng này, EVFTA có một số cam kết xác định rõ phân quyền quản lý SPS của mỗi Bên.

- Cơ quan quản lý SPS của Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chịu trách nhiệm về các biện pháp SPS sau: (i) Đối với hàng nhập khẩu: giám sát, kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh, sâu bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến con người, động thực vật và nền kinh tế; (ii) Đối với hàng xuất khẩu: thanh tra, kiểm dịch và phát hành giấy chứng nhận bảo đảm đáp ứng các SPS của EU;

Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, tùy thuộc chức năng của mình, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm sử dụng cho con người,

- Cơ quan quản lý SPS của EU và Nước thành viên EU

(i)    Đối với sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam: Mỗi nước thành viên EU sẽ chịu trách nhiệm giám sát, bảo đảm quá trình sản xuất tuân thủ các yêu cầu liên quan, thanh tra và phát hành chứng nhận sự phù hợp của hàng hóa với yêu cầu SPS của Việt Nam; 

(ii)    Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam: Mỗi nước thành viên EU sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp về SPS của hàng hóa nhập khẩu với các điều kiện SPS chung của EU, trong khi Ủy ban châu Âu sẽ chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra/thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước nhằm đảm bảo việc áp dụng thống nhất các SPS của thị trường nội địa EU.

Như vậy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức sẽ phải tuân thủ các quy định về SPS mà EU ban hành (áp dụng thống nhất ở tất cả các nước thành viên, trong đó có Đức), tuy nhiên, việc kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa Việt Nam đối với các quy định đó sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Đức chịu trách nhiệm.   

  • Cam kết về việc miễn thanh tra trước về SPS với cơ sở sản xuất xuất khẩu

Theo quy trình thông thường, một số sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam muốn được xuất khẩu vào EU sẽ phải trải qua quy trình 02 bước: (i) cơ sở sản xuất phải được phía EU thanh tra về SPS và phê duyệt đưa vào Danh sách cơ sở sản xuất được phép sản xuất sản phẩm xuất khẩu đi EU; (ii) đối với mỗi lô hàng xuất khẩu sang EU của các cơ sở này thì sẽ phải tuân thủ quy trình kiểm tra đối với hàng nhập khẩu vào EU theo quy định.

EVFTA có cam kết về miễn thủ tục thanh tra của Bên nhập khẩu đối với các cơ sở sản xuất đã đủ tiêu chuẩn theo chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu (với các cam kết cụ thể về quy trình để được chứng nhận), tức là tiết giảm được bước (i) ở trên. 

Cam kết này sẽ rất có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam vì nếu doanh nghiệp đủ điều kiện và được nằm trong danh sách cơ sở sản xuất đủ điều kiện do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận thì sẽ không phải trải qua thủ tục thanh tra trước của EU nữa. 

  • Quy trình công nhận tương đương các biện pháp SPS của nhau

Công nhận tương đương được hiểu là việc nước nhập khẩu công nhận rằng Biện pháp SPS của nước xuất khẩu có hiệu quả tương đương với Biện pháp SPS của mình. Nếu biện pháp SPS được công nhận tương đương, hàng hóa nhập khẩu sẽ chỉ phải làm thủ tục kiểm soát SPS tại nước xuất khẩu mà không phải làm lại thủ tục này khi đến cảng nước nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho người xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi nước/khu vực lãnh thổ thuế quan đều có quyền chủ động rất lớn trong việc quyết định biện pháp SPS của mình, do đó các biện pháp SPS đối với cùng một sản phẩm có thể có sự khác biệt lớn giữa các nước/khu vực. Chính vì vậy, việc công nhận tương đương này thường không dễ dàng. EVFTA cũng không có cam kết cụ thể nào bắt buộc việc công nhận tương đương này mà chỉ nêu cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương, nếu có.

  • Quyền áp dụng các biện pháp SPS khẩn cấp

Theo WTO, các nước nhập khẩu đều có quyền áp dụng biện pháp SPS khẩn cấp đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu trong trường hợp cần thiết. 

Để tránh lạm dụng điều này, EVFTA yêu cầu khi một Bên có quan ngại nghiêm trọng về một vấn đề SPS như rủi ro cho sức khỏe hoặc tính mạng con người, động thực vật, thì cần yêu cầu tham vấn với Bên kia trong thời gian sớm nhất có thể và cung cấp các thông tin cần thiết để tránh gây ảnh hưởng đình trệ thương mại.

Mặc dù vậy, nếu cần thiết, mỗi Bên vẫn có quyền áp dụng các biện pháp SPS khẩn cấp cần thiết đối với hàng hóa nhập khẩu từ Bên kia để bảo vệ sức khỏe tính mạng con người, động thực vật mà không cần báo trước. Tuy nhiên việc áp dụng biện pháp khẩn cấp này phải được tính toán để mức độ ảnh hưởng tới thương mại là thấp nhất có thể và Bên nhập khẩu trong vòng 24h phải thông báo cho nước xuất khẩu về biện pháp này. Nếu Bên xuất khẩu có yêu cầu thì Bên nhập khẩu phải thực hiện tham vấn về tình trạng khẩn cấp liên quan trong vòng 10 ngày kể từ khi có thông báo.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI