Các cam kết EVFTA về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)?

Câu hỏi: Các cam kết EVFTA về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)?

Trả lời:

Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó. 

Mỗi nước đều có hệ thống các TBT của mình, được ban hành nhằm nhiều mục đích quản lý khác nhau (ví dụ bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường…). Các yêu cầu như cách thức ghi nhãn sản phẩm, các quy chuẩn tối thiểu/tối đa về chất lượng sản phẩm… đều là các TBT. WTO có một hiệp định riêng về TBT, với các quy định nhằm đảm bảo các nước duy trì hệ thống TBT minh bạch, hợp lý và không tạo ra rào cản trá hình.

EVFTA cũng có một chương riêng về TBT (Chương 5), với các cam kết ràng buộc Việt Nam và EU (bao gồm Đức) trong việc ban hành và thực thi các biện pháp TBT đối với hàng hóa. Chương TBT của EVFTA nhấn mạnh việc tuân thủ Hiệp định TBT của WTO, đồng thời cũng thêm một số nguyên tắc bổ sung về cách thức mà Việt Nam hay EU (trong đó có Đức) ban hành và duy trì các TBT nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng các biện pháp TBT để bảo hộ trá hình cho sản xuất trong nước, trong đó đáng chú ý có:

  • Yêu cầu cụ thể hơn về việc ban hành, thực thi các quy chuẩn kỹ thuật nói chung

Quy chuẩn kỹ thuật là các yêu cầu về kỹ thuật do Nhà nước ban hành, áp dụng bắt buộc đối với sản phẩm (thường là các chuẩn kỹ thuật tối đa, tối thiểu được phép đối với từng sản phẩm cụ thể, quy trình sản xuất cụ thể). Liên quan tới các quy chuẩn kỹ thuật, EVFTA có các yêu cầu riêng so với WTO như sau:

- Trước khi ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, EU/Việt Nam phải bảo đảm một số yêu cầu: (i) Cân nhắc các phương thức quản lý khác nhau chứ không chỉ là quy định pháp luật, khuyến khích thực hiện đánh giá tác động của quy định, (ii) Tham khảo/sử dụng các chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU, Codex khi phù hợp, trường hợp áp dụng quy chuẩn khác với các chuẩn quốc tế thì cần làm rõ sự khác biệt và giải thích lý do tại sao tiêu chuẩn quốc tế không phù hợp với nước mình, (iii) Thông báo cho Chính phủ bên kia về quy định dự kiến ít nhất 60 ngày để Bên kia bình luận;

- Trong quá trình thi hành các quy chuẩn kỹ thuật, EU/Việt Nam phải bảo đảm một số yêu cầu: (i) Rà soát lại các quy chuẩn kỹ thuật khi cần thiết để bảo đảm sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tương ứng, (ii) Thường xuyên rà soát định kỳ các quy chuẩn không dựa trên các quy chuẩn quốc tế với mục tiêu tăng tính tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế, (iii) Xem xét công nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật Bên kia khi được yêu cầu.

  • Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về ghi nhãn hàng hóa

Các yêu cầu liên quan đến đánh dấu và ghi nhãn (marking and labelling) là các quy chuẩn kỹ thuật phổ biến nhất. EVFTA có một số cam kết cụ thể về TBT liên quan đến đánh dấu và ghi nhãn hàng hóa, trong đó đáng chú ý có cam kết:

- Thông tin bắt buộc phải có trên dấu, nhãn hàng hóa chỉ bao gồm các thông tin có ý nghĩa đối với người tiêu dùng/người sử dụng sản phẩm; hoặc thông tin về sự phù hợp của sản phẩm với các quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc;

- Trừ trường hợp vì lợi ích công cộng, nếu hàng hóa đã đáp ứng các quy chuẩn bắt buộc liên quan thì không bắt buộc phải đăng ký hay xin phê duyệt nhãn hoặc dấu của hàng hóa trước khi lưu hành trên thị trường;

- Cho phép thực hiện gắn, bổ sung nhãn mác tại một địa điểm được chấp thuận trên lãnh thổ nước nhập khẩu (ví dụ kho ngoại quan tại cửa khẩu), tuy nhiên có thể yêu cầu giữ (không gỡ bỏ) nhãn cũ trên sản phẩm;

- Cho phép ghi thông tin bằng ngôn ngữ bổ sung khác ngoài ngôn ngữ yêu cầu của nước nhập khẩu, hoặc bổ sung thuật ngữ, chữ tượng hình, biểu tượng hoặc hình ảnh được chấp thuận quốc tế và các thông tin khác;

- Khuyến khích việc chấp thuận các loại dấu, nhãn mác không cố định, có thể tách/bóc ra khỏi hàng hóa hoặc các dạng nhãn mác đi kèm các tài liệu liên quan khác mà không gắn trực tiếp vào hàng hóa.

Bên cạnh đó, đối với hàng hóa phi nông sản (trừ dược phẩm), Việt Nam cam kết cho phép ghi nhãn sản phẩm “Made in EU” hoặc “Sản xuất tại EU” đối với hàng hóa từ một nước EU bất kỳ dù pháp luật có yêu cầu phải có thông tin về nước xuất xứ cụ thể. Vì vậy, hàng hóa phi nông sản nhập khẩu từ Đức có thể ghi nhãn EU như trên mà không vi phạm quy định của Việt Nam.

  • Yêu cầu cụ thể về quy trình đánh giá sự phù hợp, giám sát thị trường.

- Về quy trình đánh giá sự phù hợp: EVFTA khuyến khích các Bên công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp do tổ chức ở Bên kia phát hành và hạn chế các bất cập trong thủ tục đánh giá sự phù hợp.

- Về giám sát thị trường: Cam kết của EVFTA về vấn đề giám sát thị trường trong thực thi các quy định TBT nhấn mạnh việc phải bảo đảm không có xung đột lợi ích giữa cơ quan hậu hiểm và doanh nghiệp, giữa chức năng hậu kiểm và chức năng đánh giá sự phù hợp.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI