EVFTA có cam kết gì về Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại?

Câu hỏi: EVFTA có cam kết gì về Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại?

Trả lời:

EVFTA có một Chương riêng về Hải quan và tạo thuận lợi thương mại (Chương 4) và một Nghị định thư (Nghị định thư 2) về hợp tác hành chính giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực hải quan. Cam kết về Hải quan trong EVFTA áp dụng chung cho cả Việt Nam và EU (trong đó có Đức), với nội dung chủ yếu về đơn giản hóa, thuận lợi hóa các thủ tục xuất nhập khẩu và một số cam kết về các thủ tục cụ thể, áp dụng chung cho tất cả các hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Các cam kết này sẽ giúp tạo thuận lợi hơn cho thương mại giữa Việt Nam và Đức, và đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và đáp ứng các quy định hải quan của các nước. 

Dưới đây là tóm tắt một số cam kết đáng chú ý về hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong EVFTA:

(i)    Các cam kết chung

Liên quan tới thủ tục xuất nhập khẩu và hải quan, theo yêu cầu của EVFTA Việt Nam và Đức sẽ phải bảo đảm nguyên tắc chung sau:

Quy tắc và thủ tục hải quan phải đảm bảo:

-    Chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ thương mại hợp pháp và chống các hành vi gian lận, bất hợp pháp hoặc gây thiệt hại;

-    Tránh tạo gánh nặng không cần thiết hoặc phân biệt đối xử giữa các chủ thể kinh doanh;

-    Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao;

-    Biện pháp xử lý vi phạm hải quan cần đảm bảo: (i) tương ứng với vi phạm; (ii) không phân biệt đối xử và (iii) không làm chậm trễ việc giải phóng hàng một cách bất hợp lý; 

-    Bảo đảm rà soát các thủ tục, quy định khi nào có thể để tăng tốc độ giải phóng và thông quan hàng;

-    Đơn giản hóa, tiêu chuẩn hóa dữ liệu và hồ sơ.

Các yêu cầu chung về đơn giản hóa thủ tục hải quan:

-    Phải quy định các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán;

-    Chỉ sử dụng một văn bản hành chính (giấy hoặc điện tử) duy nhất đối với hàng hóa làm thủ tục Hải quan;

-    Phải áp dụng các kỹ thuật hải quan hiện đại (đánh giá rủi ro, hậu kiểm);

-    Nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, cơ quan hải quan và các cơ quan liên quan khác.

(ii)    Các cam kết về một số vấn đề cụ thể

Xác định trước

Nếu doanh nghiệp có yêu cầu (bằng văn bản) về việc xác định về phân loại hàng hóa, thuế quan hoặc bất kỳ vấn đề nào trước khi hàng được nhập khẩu, Cơ quan hải quan của nước nhập khẩu phải trả lời (bằng văn bản) về yêu cầu của doanh nghiệp đó. Kết quả xác định trước này cũng phải được công bố công khai (tùy thuộc vào quy định về bảo mật của mỗi bên), ví dụ trên trang mạng chính thức.

Phương pháp quản lý rủi ro

Phương pháp quản lý thiết kế dựa trên mức độ rủi ro (chỉ tập trung kiểm soát hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao mà không phải kiểm soát toàn bộ các lô hàng) phải được áp dụng:

-    Trong các thủ tục kiểm tra và giải phóng hàng, kiểm tra sau thông quan;

-    Liên quan tới tất cả các yêu cầu, thủ tục kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và chuyển tải hàng hóa

Không bắt buộc sử dụng đại lý hải quan

Không yêu cầu việc bắt buộc sử dụng đại lý hải quan tại các quy định và thủ tục về hải quan, tuy nhiên phải áp dụng các nguyên tắc minh bạch, không phân biệt đối xử, hợp lý khi cấp phép cho đại lý hải quan.

Thủ tục khiếu nại: Yêu cầu thủ tục hiệu quả, nhanh, không phân biệt đối xử, dễ tiếp cận để bảo đảm quyền khiếu nại các Quyết định của Hải quan và cơ quan khác liên quan tới việc xuất nhập khẩu hoặc quá cảnh hàng hóa.

Hải quan Việt Nam trong những năm qua đã được đẩy mạnh cải cách và có nhiều tiến triển đáng kể tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các nước khác, các thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đánh giá của Doing Business 2020, chỉ số thuận lợi thương mại xuyên biên giới (Trading across Borders) của Việt Nam chỉ đạt 70,8/100 điểm và xếp 104/190 nước. Còn về phía Đức, chỉ số thuận lợi thương mại xuyên biên giới của nước này là 91,8/100 điểm, cao hơn nhiều so với Việt Nam nhưng vẫn thấp hơn so với mức trung bình 94,3/100 điểm của các nước OECD có thu nhập cao, và đứng thứ 42/190 nước. 

Do vậy, các cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của cả Việt Nam và Đức

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI