Các loại Quy tắc xuất xứ quy định trong EVFTA?

Câu hỏi: Các loại Quy tắc xuất xứ quy định trong EVFTA?

Trả lời:

Theo EVFTA, hàng hóa được coi là có xuất xứ EVFTA khi thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Trường hợp này bao gồm các hàng hóa được hình thành một cách tự nhiên trong lãnh thổ Việt Nam hoặc các nước thành viên EU (ví dụ khoáng sản, động vật, thực vật được hình thành tự nhiên và sản phẩm của các loài động thực vật này…).

Các trường hợp được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định thư 1 của EVFTA. Ví dụ: khoáng sản khai thác trên lãnh thổ Việt Nam/EU, cây trái, rau quả mọc/được trồng và hái lượm/thu hoạch trên lãnh thổ Việt Nam/EU, động vật sinh ra và lớn lên tại Việt Nam/EU, sản phẩm được đánh bắt, vớt bởi tàu mang quốc tịch Việt Nam/EU tại các vùng biển bên ngoài…

Trường hợp 2: Hàng hóa trải qua giai đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ

Trường hợp này bao gồm các hàng hóa được hình thành từ nguyên liệu có xuất xứ một phần hoặc toàn bộ từ EU/Việt Nam và được gia công hoặc chế biến tại Việt Nam/EU thỏa mãn các tiêu chí cụ thể được quy định cụ thể trong Phụ lục II của Nghị định thư 1 EVFTA.

Có 3 loại tiêu chí xuất xứ cơ bản trong EVFTA cho trường hợp này, cụ thể:

  • Tiêu chí Chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC): Đây là tiêu chí yêu cầu mã HS của thành phẩm phải khác mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ ở cấp 2 số (chuyển đổi Chương), 4 số (chuyển đổi Nhóm), hoặc 6 số (chuyển đổi Phân nhóm).

Trong EVFTA, chỉ có 1 trường hợp chuyển đổi Chương (HS 7306 – Các loại ống, ống dẫn và thanh hình rỗng khác, bằng sắt hoặc thép), còn lại là Chuyển đổi Nhóm hoặc Phân nhóm.

  • Tiêu chí Tỷ lệ tối đa không xuất xứ (VL): Tiêu chí này giới hạn tỷ lệ tối đa nguyên vật liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất, gia công. Hay nói cách khác, hàm lượng nguyên liệu có xuất xứ (RVC) phải đáp ứng một tỷ lệ tối thiểu nhất định.

Tương tự như các FTA khác, EVFTA cho phép cộng gộp nguyên liệu từ EU và Việt Nam trong sản phẩm (nguyên liệu từ EU cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tự động được coi là “có xuất xứ” EVFTA và ngược lại). Đồng thời, khác với các FTA khác, EVFTA còn cho phép cộng gộp mở rộng nguyên liệu từ Hàn Quốc và ASEAN với một số sản phẩm.

Ngoài ra cần lưu ý là khác với nhiều FTA khác, cách tính VL trong EVFTA sử dụng giá xuất xưởng của sản phẩm thay vì giá giao dịch như trong CPTPP hay giá FOB như thường gặp ở các FTA khác.

  • Tiêu chí Quy trình sản xuất cụ thể: Tiêu chí này đòi hỏi nguyên liệu không có xuất xứ phải trải qua một quá trình gia công hoặc chế biến cụ thể tại nước xuất xứ; hoặc sản phẩm phải được gia công, chế biến từ nguyên vật liệu có xuất xứ thuần túy nhất định.

QTXX của từng hàng hóa theo EVFTA có thể là một trong các tiêu chí trên hoặc kết hợp một số tiêu chí trên, được quy định cụ thể cho từng Nhóm hàng hóa tại Phụ lục II- Danh mục Công đoạn gia công hoặc chế biến của Nghị định thư về QTXX đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể của Nghị định thư 1 EVFTA.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI